Nuôi vịt ứng dụng chế phẩm vi sinh, nông dân Bắc Giang kỳ vọng thu nhập cao

Thu Hà Thứ sáu, ngày 17/11/2023 11:32 AM (GMT+7)
Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 5 hộ nông dân ở xã Thái Sơn (huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) đã có điều kiện tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học.
Bình luận 0

Vịt lớn nhanh, môi trường sạch sẽ

Nhằm khuyến khích nông dân phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xây mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học.

Tham gia mô hình có 5 hộ chăn nuôi ở xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa. Vừa qua, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra và bàn giao 1.750 con vịt giống một ngày tuổi; hỗ trợ 13.265kg cám chăn nuôi vịt, 5 lít thuốc sát trùng, 25kg chế phẩm sinh học HTMAXigest Po cho các hộ tham gia mô hình. Tổng kinh phí dự án thực hiện dự án là hơn 240 triệu đồng, từ nguồn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đầu tư.

Được biết, trước khi trao hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, Trung ương Hội Nông dân phối hợp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm ứng dụng chế phẩm sinh học cho các hộ nông dân xã Thái Sơn, trong đó có các hộ tham gia mô hình.

Nuôi vịt ứng dụng chế phẩm vi sinh, nông dân Bắc Giang kỳ vọng thu nhập cao - Ảnh 1.

Bàn giao vịt giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học cho các hộ tham gia mô hình ở xã Thái Sơn (Hiệp Hoà, Bắc Giang). Ảnh: Lê Chín

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đánh giá, mô hình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ đã có tác động lớn, làm chuyển biến nhận thức của nông dân về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bắc Giang tiếp tục đồng hành cùng hội viên xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, giúp hội viên nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường.

Là 1 trong 5 hộ tham gia mô hình, ông Bùi Quang Tem – hội viên nông dân thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn, phấn khởi cho biết: Gia đình ông đã có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi vịt. Mỗi năm ông nuôi 3-4 lứa vịt, bình quân mỗi lứa ông nuôi 2.000 con. "Tham gia mô hình, chúng tôi được hỗ trợ vịt giống, cám, chế phẩm vi sinh và hướng dẫn kỹ thuật nuôi vịt an toàn sinh học… nên rất yên tâm, phấn khởi. Vịt giống rất đẹp và khoẻ mạnh. Sau 1 tuần sử dụng chế phẩm vi sinh trộn vào cám cho vịt ăn, tôi thấy đàn vịt lớn nhanh, lông mượt đẹp, tỷ lệ sống 100%. Đặc biệt, nhờ dùng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải nên môi trường sạch sẽ, không có mùi hôi. Được hỗ trợ từ Trung ương Hội Nông dân, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có lứa vịt hiệu quả và có thu nhập cao" - ông Tem phấn khởi nói.

Trao đổi về tình hình địa phương, anh La Văn Trọng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn cho biết: Hội Nông dân xã Thái Sơn có 973 hội viên, chiếm trên 75% số hộ dân trên toàn xã. Trên địa bàn xã có 5 HTX và các tổ hợp tác nông dân liên kết chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, liên kết trồng nếp cái hoa vàng. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi trong xã nói chung và người chăn nuôi vịt nói riêng vẫn áp dụng hình thức chăn nuôi truyền thống nên hiệu quả không cao. Lượng thức ăn cho vịt tiêu tốn nhiều nhưng vịt không hấp thu và sử dụng hết gây lãng phí. Với cách chăn nuôi này, lượng phân vịt thải ra môi trường khá lớn. Phân vịt rất hôi, nếu không xử lý được sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến bà con thôn xóm.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn, những năm gần đây, Hội Nông dân xã đã tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi trồng trọt cho bà con nông dân. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã bắt đầu trồng lúa thân thiện với môi trường, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học…

Nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

Nuôi vịt ứng dụng chế phẩm vi sinh, nông dân Bắc Giang kỳ vọng thu nhập cao - Ảnh 3.

Số lương vịt giống bàn giao cho 5 hộ nuôi là 1.750 con. Ảnh: Lê Chín

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn La Văn Trọng cho biết: "Đây là lần đầu tiên nông dân xã Thái Sơn tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật nên ngay từ những bước đầu thực hiện mô hình, Hội Nông dân xã đã có nhiều thuận lợi. Số vịt giống mà Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ 1.750 con và hơn 13 tấn cám thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học đã được chia đều cho 5 hộ nông dân xã Thái Sơn. Tham gia mô hình được hỗ trợ nhiều nên bà con rất phấn khởi.

Ông Vũ Hải Đăng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang) cho biết: Hiện nay, huyện Hiệp Hòa là địa bàn kết hợp hiệu quả giữa các khu vực đô thị phát triển tập trung với các khu vực đô thị sinh thái vườn, có hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, từng bước tham gia cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái…

Xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa nằm trong hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, từng bước tham gia cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái để phục vụ cho khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. Xuất phát từ thực tế trên, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đề xuất thực hiện dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang". Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã cử 1 cán bộ khuyến nông chuyên trách "cầm tay chỉ việc" hỗ trợ nông dân.

Chị Lê Thị Chín – cán bộ Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, người phụ trách mô hình, thông tin thêm: "Được hỗ trợ con giống, cám, chế phẩm vi sinh, nông dân tham gia mô hình đều hào hứng, phấn khởi. Đặc biệt trước khi đưa con giống về cấp cho nông dân, đơn vị thực hiện dự án đã có bước khảo sát rất chi tiết, ưu tiên các hộ có sẵn chuồng trại và có kinh nghiệm chăn nuôi vịt". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem