695.000 tỷ đồng nợ đã cơ cấu: Chuyên gia lo "dựa dẫm" chính sách, NHNN ra thông điệp

Huyền Anh Thứ năm, ngày 16/06/2022 10:05 AM (GMT+7)
Chấm dứt việc cơ cấu nợ sau hạn 30/6 là cần thiết, tránh tâm lý ỷ lại của doanh nghiệp và ngân hàng "lo dần những khoản nợ tiềm ẩn trong tương lai và có hướng xử lý". Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, không đặt vấn đề kéo dài Thông tư 14.
Bình luận 0

Chấm dứt việc cơ cấu nợ sau hạn 30/6 

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng.

Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng.

Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

695.000 tỷ đồng nợ đã cơ cấu: Chuyên gia lo "tâm lý ỷ lại", NHNN "không đặt vấn đề kéo dài" - Ảnh 1.

Chấm dứt việc cơ cấu nợ sau hạn 30/6 là cần thiết, ngân hàng cần nhận diện đầy đủ nợ xấu. (Ảnh: CF)

Đánh giá cao chính sách này của ngành ngân hàng, song theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng, không nên gia hạn Thông tư 14/2021/TT-NNNN (sửa đổi các Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19) khi Thông tư này hết hiệu lực vào 30/6 tới đây.

"Dù là nợ xấu hay nợ dưới chuẩn thì ngành ngân hàng đang chịu rủi ro, nếu tiếp tục kéo dài thì kéo dài nỗi lo nợ xấu trong tương lai. Các tổ chức cũng nên nhìn nhận và đánh giá lại doanh nghiệp của mình, có giải pháp hỗ trợ tiếp tục duy trì tìm kiếm nguồn vốn.

Do đó, việc dừng Thông tư 14 vào thời điểm ngày 30/6/2022 là phù hợp để các tổ chức tín dụng lo dần những khoản nợ tiềm ẩn trong tương lai và có hướng xử lý", ông Hùng nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo ông Hùng, bản thân doanh nghiệp cũng đến lúc cần tự nỗ lực, "không nên trông chờ dựa dẫm mãi vào chính sách", vì hiện tại các yếu tố kinh tế đã tốt hơn trước rất nhiều.

Thống kê của Hiệp hội ngân hàng cũng cho thấy, 2 năm qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Quy định cho phép cơ cấu nợ của Thông tư 01/2020/TT-NHNN; Thông tư 03/2021/TT-NHNN; Thông tư 14/2021/TT-NHNN khiến những khoản nợ dưới chuẩn được cơ cấu để khách hàng được vay tiếp tăng lên.

Theo số liệu, hàng triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nợ cơ cấu chỉ rơi vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Thực tế, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng cao hơn nhiều so với số liệu trên sổ sách kế toán. Dừng thực hiện Thông tư 14 sẽ giúp các ngân hàng đối mặt rõ hơn với nợ xấu.

Liên quan đến con số nợ xấu, tại phiên chất vấn trước Quốc hội vào chiều ngày 8/6, đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang bày tỏ băn khoăn, về phản ánh của cử tri cho rằng có tình trạng các tổ chức tín dụng chưa báo cáo hết nợ xấu, không công khai con số thực do lo ngại mất thương hiệu của tổ chức tín dụng.

Trước đó, ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) tại Việt Nam và Lào cũng đã lên tiếng kiến nghị, Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ, đồng thời tăng cường giám sát tài chính.

NHNN không gia hạn Thông tư 14, doanh nghiệp buộc phải dừng cơ cấu nợ sau hạn 30/6

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc tiếp tục gia hạn quy định về cơ cấu nợ (Thông tư 14/2021/TT-NNNN), đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Trần Đăng Phi cho biết cuối năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

695.000 tỷ đồng nợ đã cơ cấu: Chuyên gia lo "tâm lý ỷ lại", NHNN "không đặt vấn đề kéo dài" - Ảnh 3.

NHNN không gia hạn Thông tư 14, doanh nghiệp buộc phải dừng cơ cấu nợ sau hạn 30/6. (Ảnh: TN)

Hiện nay, dịch Covid-19 cũng cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp và người dân đã trở lại trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, việc kéo dài Thông tư 14 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là không cần thiết.

Thêm vào đó, quy mô dư nợ tín dụng với các đối tượng được cơ cấu nợ theo Thông tư 14 chỉ chiếm 5% tổng dư nợ. Do đó, việc dừng thực hiện thông tư này cũng không khiến tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng nhiều. "Với tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề kéo dài Thông tư 14", ông Phi cho hay.

Sau khi dừng thực hiện Thông tư 14, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh cũng như vướng mắc của doanh nghiệp để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem