Bà Phạm Chi Lan: Đón sóng FDI cần lựa chọn công ty công nghệ

Quang Dân Thứ năm, ngày 28/05/2020 11:36 AM (GMT+7)
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong những nguyên tắc về đại bàng, thì yếu tố quan trọng nhất chính là đối tác đó phải mang lại lợi ích cho cả hai bên, không đe dọa an ninh quốc phòng của Việt Nam, không gây tác hại đến môi trường của Việt Nam.
Bình luận 0

Mới đây, Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt đón "đại bàng" đến Việt Nam, với một tư duy mới, đón cơn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đang biến động mạnh mẽ sau dịch Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương phải đón bắt, đón đầu dòng đầu tư mới này. "Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả hai phía", Thủ tướng cho biết.

Đặc biệt khi các nước đang cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Với những yêu cầu này, Thủ tướng nêu rõ phải xây dựng ngay đề án trên tinh thần là nhanh và mạnh hơn, rõ hơn. Đặc biệt, đề án phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.

Thu hút đầu tư FDI: Cần phân biệt "Đại bàng" và "kền kền" để đón vào Việt Nam - Ảnh 1.

Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nam Sách, chuyên sản xuất, cung cấp các linh kiện, phụ tùng xe máy, ô tô cho hãng Honda. Ảnh: Thành Chung/Baodautu.vn

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, với sự hỗ trợ của Tổ tư vấn đặc biệt, Chính phủ sẽ xác định được những nguồn vốn FDI chất lượng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra, chúng ta có thể tìm kiếm thêm sự giúp đỡ từ các chuyên gia nước ngoài hay mua thông tin từ các nguồn quốc tế nhằm tìm kiếm ra những đại bàng thực sự đang có nhu cầu chuyển mình.

Bên cạnh đó, bà Lan cho biết, Tổ tư vấn  khi tư vấn cho Thủ tướng có thể tham khảo thêm những ý kiến khác như của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về việc "cần phải có luật an ninh kinh tế tại Việt Nam".

"Trong luật an ninh kinh tế đó quan trọng nhất là việc lựa chọn đối tác được đầu tư vào Việt Nam, khu vực nào cho phép DN FDI đặt trụ sở để đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt sau khi Bộ Quốc phòng đã lên tiếng về việc người nước ngoài sở hữu đất ở Việt Nam thời gian vừa qua", bà Lan cho hay.

Theo bà Lan, trong những nguyên tắc về đại bàng, thì yếu tố quan trọng nhất chính là đối tác đó phải mang lại lợi ích cho cả hai bên; không đe dọa an ninh quốc phòng của Việt Nam; không gây tác hại đến môi trường của Việt Nam.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, thời điểm này chúng ta cần lựa chọn công ty công nghệ cao, ưu tiên ngành nghề có lợi cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai như công nghệ thông tin, tự động hóa máy móc.

Những đối tác lợi dụng để đào bới tài nguyên thiên nhiên, sử dụng điện giá rẻ của Việt Nam như công ty khai thác, khai khoáng, luyện kim… cần cân nhắc khi mời gọi đầu tư.

Những ngành không cần thiết, không có tương lai thì dù là đại bàng lớn cũng không mời vào, đại bàng là những ngành mới, ngành công nghệ cao và có tương lai phát triển cho Việt Nam. Còn những ngành đã cũ kỹ, bản thân công ty nước họ muốn dỡ nhà máy để bán tháo đi thì chúng ta không đón chào.

"Có thể đó là những công ty rất lớn, nằm trong top những doanh nghiệp có giá trị trên toàn cầu, nhưng bản chất của những đối tác này khi đến Việt Nam thì không còn là đại bàng nữa", bà Lan nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem