Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Lợi lớn, hại cũng không nhỏ

Hữu Anh - Quỳnh Nga Thứ tư, ngày 09/08/2017 06:30 AM (GMT+7)
Không những các chuyên gia mà kể cả lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng bày tỏ những nghi ngại, băn khoăn, thậm chí là cả lo lắng về việc tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Bình luận 0

Cần rà soát tổng thể

Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Dự án mỏ sắt Thạch Khê là dự án lớn, mang tầm quốc gia. Đây là dự án khá phức tạp và có phạm vi ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế-xã hội, môi sinh, môi trường của Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung. Tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan về việc yêu cầu rà soát lại tổng thể dự án về quy trình, quy mô, vốn, mức độ ảnh hưởng, môi sinh, môi trường…

img

Dự án mỏ sắt Thạch Khê vừa mới chỉ bốc đất tầng phủ nhưng nguồn nước ngầm ở nhiều xã vùng bãi ngang bị sụt nghiêm trọng, nhiều vùng sản xuất của người dân thành “sa mạc”.  Ảnh: P.V

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) được triển khai năm 2008, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư (tháng 12.2014, dự án được điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư 14.517,2 tỷ đồng). Tháng 9.2009, dự án chính thức khởi động. 

Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến tháng 7.2011, quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn tài chính. Tháng 11.2011, Thủ tướng Chính phủ đã phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.

Dự án dừng triển khai hơn 7 năm qua đã để lại vô vàn hệ lụy trực tiếp cho người dân 6 xã vùng bị ảnh hưởng cũng như những khó khăn không nhỏ cho phát triển KT-XH của tỉnh Hà Tĩnh.

“Trong buổi làm việc với các Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Khoa học- Công nghệ, Tài nguyên- Môi trường, Công Thương, Tài chính, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và các chuyên gia trên lĩnh vực mỏ-địa chất-luyện kim về dự án mỏ sắt Thạch Khê, tôi đã nêu một số nội dung mà tỉnh Hà Tĩnh còn băn khoăn, cần làm rõ như: Kỹ thuật, công nghệ, thiết bị khai thác, phương án vận tải, tiêu thụ quặng sắt, năng lực tài chính của các nhà đầu tư, hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường như tụt nước ngầm, xâm nhập mặn, xử lý chất thải, đổ thải lấn biển… và các tác động về mặt xã hội khi dự án triển khai”- ông Thắng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng: Quá trình khảo sát đánh giá thực tế, tỉnh Hà Tĩnh đã mổ xẻ kỹ những mặt tích cực cũng như tiêu cực. Theo đó, nếu tới đây dự án tiếp tục triển khai, lợi ích trước mắt là tăng thu ngân sách từ các nguồn thuế, phí: Thuế tài nguyên, VAT, thu nhập doanh nghiệp, phí bảo vệ môi trường, cấp quyền khai thác mỏ...; thúc đẩy tăng trưởng GDP của tỉnh Hà Tĩnh và cả nước; thu hút được các dự án đầu tư vệ tinh, mở ra hướng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ kèm theo; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tái định cư, ổn định cuộc sống người dân; tạo việc làm, tạo thu nhập, trước hết là cho lao động địa phương vùng bị ảnh hưởng của dự án. 

“Tuy nhiên về lâu dài, dự án sẽ có những tác động, có thể phát sinh các hệ lụy nghiêm trọng như vì quy mô và phạm vi dự án này rất lớn, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, sa mạc hóa, bão cát, sụt giảm nguồn nước ngầm, moong mỏ tạo thành hồ lớn sâu 550m nằm ngay bên bờ biển và TP.Hà Tĩnh… có thể gây ra những hậu quả khó lường. Về kinh tế, mất cả khu du lịch Thạch Hải, tiềm ẩn ảnh hưởng rủi ro lớn đến cả dải du lịch ven biển của Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh có thể phải đánh đổi cả môi trường đầu tư nếu tiếp tục xảy ra sự cố môi trường tương tự”- ông Thắng nêu rõ.

Cân nhắc 3 phương án

Tại hội thảo góp ý dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh do Giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Vusta và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng chủ trì mới đây, GS-TS Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam đã nêu ra 3 phương án để lựa chọn cho dự án mỏ sắt Thạch Khê. Thứ nhất là nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro. Theo phương án này, cái được chính là tiếp nối những công việc đã làm như đã bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3 đến cốt -34m; đã giải ngân đến tháng 11.2016 là 1.589,59 tỷ đồng; đã đúc rút được kinh nghiệm của giai đoạn khai thác thử nghiệm. Cái mất là phải chấp nhận tất cả các rủi ro, tổng hòa các rủi ro đó là nguy cơ tác động mạnh đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội… mà việc khắc phục chúng sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

img

Dự án mỏ sắt Thạch Khê nằm gần biển, quá trình khai thác sẽ gây ra nhiều ẩn họa môi trường.  Ảnh: P.V

Thứ hai là chấm dứt hoạt động, cam chịu mất phần vốn đầu tư bỏ ra. Theo phương án này, cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm; cái mất là phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu (1.589,59 tỷ đồng), mà việc dựa vào kinh doanh khác để bù lại là không phải dễ dàng. Tuy nhiên, đây không phải mất trắng, vì khoản tiền đền bù di dân tuy lớn, nhưng có thể xem như là quà của nhà nước và doanh nghiệp cho cộng đồng cư dân nghèo khó của huyện Thạch Hà.

Thứ ba là tạm dừng hoạt động của dự án. Nếu theo phương án này thì việc dừng lại dự án một thời gian cho đến khi những vấn đề về môi trường có được phương thức xử lý tốt: các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ được khắc phục. Cái mất của phương án này là phải chấp nhận tạm dừng các hoạt động khai thác quặng sắt Thạch Khê, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn, việc làm của Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) và kế hoạch phát triển sản xuất của chủ đầu tư. Cái được lớn nhất của phương án này là tránh được những rủi ro không mong muốn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cả xã hội trong thời gian tiếp theo của 52 năm dự án.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem