Theo đó, phía TAND huyện đang mời từng hộ dân đến để hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo theo trình tự pháp luật. Đa phần các đơn đều có nội dung gần giống nhau là yêu cầu nâng giá đất mà người dân đã bán trước đó cho Tập đoàn Sao Mai.
Ông Phạm Minh Sang – Chánh án Toà án nhân dân huyện Tịnh Biên trao đổi với phóng viên
"Theo Luật Đất đai, các doanh nghiệp đầu tư dự án tự thoả thuận mua đất với dân thì nhà nước không đứng ra. Một số trường hợp người của Tập đoàn Sao Mai và người dân làm văn bản cam kết nâng giá nếu giá đất thị trường tăng về sau, có UBND xã đóng dấu đỏ vào Toà án sẽ xem xét lại. Cụ thể là Toà sẽ triệu tập, làm việc với lãnh đạo UBND xã đóng dấu để hỏi nhằm mục đích gì, 2 bên có đủ pháp nhân chưa mà lãnh đạo xã đóng dấu và ký vào" - ông Sang nói.
Chánh án TAND huyện Tịnh Biên cho biết, Tập đoàn Sao Mai đầu tư 240ha làm dự án nhưng chỉ mới mua được từ 110-120ha. Hiện cũng có nhiều hộ dân yêu cầu bổ sung nội dung đơn và đang được TAND huyện hướng dẫn.
Nơi làm dự án điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sao Mai
Ông Sang nói thêm: "Theo trình tự, TAND sẽ thu thập các giấy tờ có liên quan giữa 2 bên rồi mời hoà giải. Riêng về Tập đoàn Sao Mai, chúng tôi sẽ yêu cầu cung cấp quyết định cho phép triển khai dự án của cơ quan có thẩm quyền, số diện tích đất đã mua cụ thể, giá mua ban đầu và giá hỗ trợ sau đó, hợp đồng mua bán,...".
Phóng viên đã gặp trao đổi với ông Chau Khonh - Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo - người ký và đóng dấu vào văn bản cam kết giữa người của Tập đoàn Sao Mai với người dân.
Ông Khonh khẳng định: "Tôi có ký, đóng dấu vào giấy cam kết 2 bên nhưng chỉ với mục đích chứng thực chữ ký hai bên và không lưu ý đến nội dung giấy cam kết".
Hàng chục hộ dân là người dân tộc Khmer đã làm đơn kiện Tập đoàn Sao Mai ra toà.
Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo cũng cho biết, có một số hộ dân đã nộp đơn kiện ông vì cho rằng việc làm trên của tôi "nhằm tạo niềm tin cho dân bán đất".
"Thời gian qua, UBND xã được sự chỉ đạo của huyện hỗ trợ Tập đoàn Sao Mai thực hiện dự án nên tôi đã cố gắng, đã mời người dân lên làm việc nhiều lần nhưng không đáp ứng được yêu cầu người dân. Do người dân kiện tôi nên bộ phận tư pháp của xã sẽ tiếp tục mời từng người đến tìm hiểu thêm về vụ việc rồi thực hiện các bước tiếp theo" - ông Khonh nói.
Như Dân Việt đã thông tin, nhiều hộ dân ở xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, khoảng tháng 6.2018, cán bộ xã An Hảo cùng người của Tập đoàn Sao Mai đến nhà người dân thông báo mua đất với giá 55 triệu đồng/công (1.000m2) để làm dự án điện năng lượng mặt trời. Tại đây, người dân được phía người của Tập đoàn Sao Mai hứa miệng (hoặc viết cam kết) nếu sau này giá đất có thay đổi, tức giá có cao hơn sẽ điều chỉnh bằng với mức giá thay đổi nên nhiều hộ đồng ý bán.
Tuy nhiên, hiện giá đất đã lên cao, có nơi lên đến 300 triệu/công nhưng phía Tập đoàn Sao Mai không chịu điều chỉnh. Do đó, hàng chục hộ dân đã nộp đơn lên TAND huyện Tịnh Biên khởi kiện Tập đoàn Sao Mai.
Liên quan đến vụ kiện trên, trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Võ Thị Ánh Xuân - Bí thư Tỉnh uỷ An Giang cho biết, qua cơ quan báo chí và cơ quan chức năng có liên quan, bà đã biết về vụ việc dân kiện Tập đoàn Sao Mai. Theo đó, người dân cũng có gửi đơn phản ánh đến Tỉnh uỷ và UBND tỉnh nhờ can thiệp giải quyết.
"Do có sự thoả thuận trong mua bán đất giữa dân với Tập đoàn Sao Mai nên vụ việc này trước tiên để toà án giải quyết theo vụ việc tranh chấp dân sự. Lãnh đạo địa phương sẽ theo dõi sát vụ việc" - bà Xuân nói rõ.
Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Theo Tập đoàn Sao Mai, dự án điện năng lượng mặt trời tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có vốn đầu tư trên 5.600 tỷ đồng, đây sẽ là một trong những dự án tầm cỡ nhất khu vực Đông Nam Á.
Dự án được triển khai trên 275 ha và có tổng công suất phát điện lên đến 210 MW. Hiện nơi đây đang được xúc tiến để có thể đóng điện vào tháng 6.2019.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.