Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đều đã lên tiếng về hai sự việc đáng tiếc kể trên.
Thứ nhất là vụ cháy xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng tại một ngôi nhà 5 tầng kinh doanh lốp, sửa chữa ô tô tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, do ông Trần Văn Nam làm chủ.
Vụ hỏa hoạn tại Chương Mỹ đã làm 2 trẻ em bị tử vong. Ảnh Vietnamnet
ù lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã điều hàng chục xe chữa cháy đến cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Công an huyện Chương Mỹ và người dân cũng có mặt hỗ trợ lực lượng cứu hỏa nhưng vẫn có hai cháu nhỏ đã tử vong khi đang ngủ trong nhà.
Thứ hai là vụ việc công trình xây dựng Trường mầm non Vườn Xanh (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) bị đổ sập vào lúc hơn 3 giờ sáng. Phần công trình bị đổ sập rộng khoảng 1.000m2, hàng chục cây cột chống đỡ tầng 2 lên tầng 3 bị gãy đổ. Rất may, không có thương vong trong vụ tai nạn này.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thành ủy quý 3.2017 tổ chức sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đều đã lên tiếng yêu cầu làm rõ hai sự việc trên.
“Không phải chúng ta vận động người dân mua 2 bình phòng cháy chữa cháy để trong nhà là xong mà mỗi hộ dân phải biết được nếu nhà mình có cháy thì phát hiện bằng cách nào? Khi nhà chúng ta bị cháy chúng ta mới thấy đau đớn, trường hợp 2 cháu bé ở Chương Mỹ là một ví vụ. 2 cháu bé đã ra đến hành làng của tầng 4 rồi mà vẫn không cứu thoát được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Theo Sở PCCC Hà Nội, thống kê số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản cho thấy vẫn có dấu hiệu gia tăng, trung bình từ 600 - 800 vụ cháy/năm và còn xảy ra hàng trăm sự cố tai nạn rủi ro trong cháy, nổ; sập đổ công trình; trong thiên tai, bão, lũ; trong tai nạn giao thông, đuối nước, sự cố thang máy nhà cao tầng… phải tổ chức cứu nạn, cứu hộ.
Đặc biệt, Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn,... Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Vụ sập công trường xây dựng trường mầm non tiếp tục là cảnh báo về chất lượng công trình xây dựng. Ảnh Đình Việt.
Đối với vụ việc sập công trường xây dựng trường mầm non tại quận Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo địa phương phải báo cáo, làm rõ sự việc. Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm cho hay: “Đây là công trình trường mầm non tư thục được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép. Ngay khi xảy ra sự việc, lãnh đạo quận đã nắm tình hình, rất may không có thiệt hại về người. Quận sẽ báo cáo lãnh đạo thành phố sau”.
CÁCH PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ ĐỐI VỚI NHÀ ỐNG
- Khuyến cáo người dân trước khi xây dựng nên đặc biệt quan tâm tới lối thoát nạn. Tại các tầng phải bố trí ban công, sân thượng, tầng mái thông thoáng.
- Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn, mua sắm sử dụng thiết bị điện an toàn.
- Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở gần nơi đun nấu, lối ra thoát nạn, cầu thang; không dự trữ nhiều chất lỏng dễ cháy.
- Không nên để ô tô và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy trong nhà. Các thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải đậy, đóng kín.
- Không nên lắp đặt biển quảng cáo lớn hoặc kính che hết mặt tiền; không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can để lúc khẩn cấp có thể thoát ra sang nhà hàng xóm hoặc chờ lực lượng đến ứng cứu.
- Trang bị mặt nạ phòng độc cá nhân, thang dây, thang móc sẵn trong nhà để thoát hiểm (nếu có điều kiện).
- Khi có sự cố phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn. Khi di chuyển cần cúi thấp người, nếu có khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra.
- Hãy nhớ số điện thoại 114 - của lực lượng Cảnh sát PCCC.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.