- Ông có thể cho biết những điểm nào làm đảo Lý Sơn ngày càng thu hút nhiều du khách như vậy?
Ts Nguyễn Đăng Vũ: Cùng với vị trí vô cùng quan trọng là hòn đảo tiền tiêu-nơi cha ông đã giong thuyền ra Hoàng Sa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc; với sự hiện diện cùng 1 lúc 3 miệng núi lửa gồm: Giếng Tiến, Thới Lới và Hòn Tai trên đảo Lớn của Lý Sơn đã đưa nơi đây trở thành 'độc nhất vô nhị" của thế giới, với sự đánh giá từ nhiều nhà khoa học quốc tế đánh giá 'độc đáo hơn cả miệng núi lửa Jeju của Hàn Quốc, nơi thu hút trên 6 triệu du khách/năm. Và cũng chính được hình thành do núi lửa phun trào đã tạo cho Lý Sơn vô vàn hang động và cảnh quan thiên nhiên kì thú: Chùa hang, cổng Tò Vò, hang Câu, hang Kẻ Cướp và những di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú...đã dần thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch có thời điểm trên 2000 lượt người/ngày. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 115.000 lượt khách ra đảo, tăng 64.000 lượt so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 431 lượt khách quốc tế.
Ts Nguyễn Đăng Vũ, GĐ sở VH-TT&DL Quảng Ngãi.
- Vậy nỗi lo của niềm vui này là gì thưa ông?
Ts Nguyễn Đăng Vũ: Để phục vụ lượng du khách đang ngày càng đổ về Lý Sơn nhiều như vậy thời gian gần đây, người dân đã xây dựng khách sạn, nhà hàng...một cách ồ ạt trong khi việc thiếu định hướng, qui hoạch chưa kịp thời từ chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan của tỉnh. Nếu như năm 2014 trên đảo chỉ có 1 khách sạn, 11 nhà nghỉ, với 95 phòng thì đến năm 2016, tăng lên 4 khách sạn, 31 nhà nghỉ với tổng cộng 440 phòng. Bên cạnh đó việc nâng cấp mở rộng, bê tông hóa thêm hàng loạt tuyến đường giao thông trên đảo dẫn đến Lý Sơn đang bị biến dạng
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Ts Nguyễn Đăng Vũ: Tại các điểm di tích như Chùa Hang-Hang Câu, núi Giếng Tiền, cổng Tò Vò...hiện tình trạng các nhà hàng, lều, quán mọc lên tự phát quá nhiều đã xâm phạm, làm ảnh hưởng môi trường sinh thái nơi đây. Đặc biệt việc xây dựng đường cơ động xung quanh đảo không những làm mất hàng loạt thắng cảnh đẹp như: Bãi Kiều Kiều, hang Cò và sang lấp nhiều bãi biển đẹp từ hòn Mù Cu đến Hang Câu; đe dọa cổng Tò Vò bị đe dọa gãy đổ bất cứ lúc nào...Điều đáng nói là việc làm đường, xây kè và nhiều công trình khác ở Lý Sơn thì sở VH-TT&DL Quảng Ngãi không được mời tham gia ý kiến, thẩm định.
Một số nhà nghỉ và khách sạn được xây dựng tại cảng An Vĩnh, huyện Lý Sơn.
- Để hạn chế đảo Lý Sơn bị "biến dạng' thêm theo ông cần thực hiện những gì?
Ts Nguyễn Đăng Vũ: Với cấu tạo địa chất đặc biệt, khác hẳn mọi nơi khác và diện tích nhỏ hẹp như vậy thì không nên "biến" Lý Sơn trở thành phải là đô thị biển. Hiện tỉnh đã ra quyết định lập Công viên địa chất Lý Sơn và đang tiến đến lập hồ sơ Công viên địa chất Quốc gia và toàn cầu vì vậy cần bảo tồn và giữ nguyên trạng các di sản văn hóa, thắng cảnh trên đảo, hạn chế việc tác động làm thay đổi cảnh quan và môi trường nơi đây. Theo đó chúng tôi đã có văn bản kiến nghị tỉnh không tiếp tục xây con đường phía bắc của đảo Lớn vì sẽ gây ảnh hưởng, đe dọa và sạt lở đến nhiều di tích và thắng cảnh như cổng Tò Vò, chùa hang, Hang Câu. Khẩn cấp giải tỏa các công trình nhà hàng, lều quán xây dựng trái phép tại các khu vực di tích chùa Đục, giếng Xó Lá...Chấn chỉnh tình trạng xây dựng các công trình dịch vụ, dân sinh ồ ạt một cách trái phép...Riêng tại đảo Bé (xã An Bình) thì giữ nguyên hiện trạng, không cho xây dựng bất kì công trình kiên cố, nhà hàng, khách sạn và kè, đường giao thông xung quanh đảo này. UBND tỉnh cần ban hành quy chế riêng về quản lý đất đai, đầu tư tại đảo; xem xét lại việc cấp đất cho các tổ chức, cá nhân để xây công trình kinh doanh và dịch vụ du lịch tại Lý Sơn. Cần phải có sự tham gia thẩm định của ngành VH-TT&DL trước khi cho phép xây dựng các công trình trên đảo....
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.