Những dự án nước... khô cằn
Từ trung tâm xã Quảng Đức, chúng tôi đi xe máy 12 Km nữa để tới bản Khe Lánh 2. 30 căn nhà cấp bốn được xây dựng từ năm 2005 để đón các hộ nằm trong dự án di, dãn dân nội huyện, đến nay chỉ còn 6-7 hộ thường xuyên ở lại. Một trong những lý do khiến hầu hết các hộ ở đây rời bỏ Khe Lánh 2 để về nơi ở cũ sinh sống, là thiếu nước.
Anh Phùn Hợp Chăn (bản Khe Lánh 2) phải vào rừng xách từng xô nước về dùng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Anh Phùn Sau Nhì, người dân tộc Dao, là một trong số ít hộ còn bám trụ ở bản Khe Lánh 2, cho biết: “Năm 2007, thấy người ta lắp đường nước dẫn từ khe suối về tới từng hộ, nhà nào cũng mừng. Nhưng chỉ được thời gian ngắn lại thấy tắc tịt. Từ đó đến nay dân vẫn phải đi bộ vào rừng, tới các khe suối để lấy nước. Mà nước bây giờ bẩn lắm, vào mùa khai thác keo nước đục ngàu mà vẫn phải lấy về đợi lắng xuống mới dùng được”.
Trong căn nhà xơ xác, không có lấy một vật dụng giá trị, anh Nhì không rót nước mời khách, bởi đơn giản là không có nước để đun. Chút nước sạch hiếm hoi gạn lọc mỗi ngày còn dành lại để đun pha sữa cho đứa cháu ngoại hơn 1 tháng tuổi.
Trong căn nhà ngheo xơ xác của anh Phùn Sau Nhì, bản Khe Lánh 2. Ảnh: Nguyễn Quý.
Tại thôn Tân Đức, ngôi làng di dân của 40 hộ người dân Ba Vì (Hà Tây cũ) và 15 hộ di dân nội huyện, nay cũng chỉ còn 23 hộ bám trụ. Trong số 23 hộ đó, cũng chỉ có 5-6 hộ được dùng nước từ Dự án nước sinh hoạt tự chảy thôn Tân Đức.
Ngay tại 8 thôn bản ở khu vực trung tâm xã Quảng Đức, mặc dù đã có dự án nước sinh hoạt tự chảy do huyện Hải Hà đầu tư từ năm 2014 với số tiền 11 tỷ đồng, nhưng đến nay, dự án chỉ cung cấp nước thường xuyên cho các bản Tài Phố, Nà Lý, Kháy Phẩu, Tình Á. Riêng bản Cống Mằn Thìn và Lý Nà hoàn toàn không có nước; còn các bản Chăn Mùi và Mả Thàu Phố chỉ có khoảng 30% số hộ dân được sử dụng nước thường xuyên.
Đồng hồ được lắp đặt sau dự án nước sinh hoạt tự chảy trung tâm xã, đến nay trở thành vô tác dụng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Đáng lưu ý, một dự án nước sinh hoạt vừa được đưa vào sử dụng đầu năm 2018 tại bản Vắn Tốc (do Ban Quản lý các dự án công trình NN&PTNT – Sở NN&PTNT Quảng Ninh – làm chủ đầu tư, với số vốn gần 1,5 tỷ đồng), chỉ qua một trận mưa vừa và lũ nhỏ đợt tháng 9.2018 toàn bộ đường ống đã bị lộ ra ngoài, một số vị trí đường ống đã bị đứt; van xả cặn bị nước cuốn trôi...
40 hộ dân bản Văn Tốc và Lâm trường 103 sau vài tháng được thụ hưởng nước từ dự án, nay lại phải xoay xở đào giếng khoan, số hộ không có điều kiện thì trở về thời kỳ lấy nước thô sơ nơi khe suối, như tổ tiên họ từ xa xưa vẫn làm.
Chủ đầu tư “phủi tay”
Tìm hiểu từ phía UBND xã Quảng Đức, được biết từ năm 2006 đến nay, xã Quảng Đức đã được đầu tư, xây dựng 4 dự án cung cấp nước sinh hoạt. Cụ thể: Dự án nước sinh hoạt tự chảy thôn Tân Đức, có tổng chiều dài đường ống dẫn nước 4.000m, số hộ được thụ hưởng là 55 hộ với 176 nhân khẩu. Đến nay, hầu hết đường ống kẽm đã bị hư hỏng. Công tác quản lý, bảo dưỡng được giao cho UBND xã và các thôn bản thực hiện, nhưng do kinh phí hạn hẹp, cán bộ phụ trách không am hiểu kỹ thuật, nên các hạng mục thuộc dự án gần như bị quên lãng, phó mặc cho thời tiết.
Đường ống nước thuộc dự án nước sinh hoạt tự chảy bản Vắn Tốc bị lộ, đứt gãy chỉ sau trận mưa, lũ nhỏ đợt tháng 9.2018. Ảnh: Nguyễn Quý.
Đối với Dự án nước sinh hoạt tự chảy bản Khe Lánh 2, tổng chiều dài đường ống là 2.000m, được đấu nối với hệ thống dẫn nước từ thôn Tân Đức. Nhưng ngay sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, nước đã không thể tới bản Khe Lánh 2. Lý do là địa hình Khe Lánh 2 cao hơn so với thôn Tân Đức, nên áp lực nước yếu không đủ để dẫn nước cung cấp cho các hộ dân bản Khe Lánh 2.
Các đường ống kẽm thuộc dự án cấp nước thôn Tân Đức hầu hết đã bị han gỉ, dân phải tự tháo thay thế. Ảnh: Nguyễn Quý.
Với Dự án nước sinh hoạt tự chảy trung tâm xã, tổng chiều dài đường ống là 14.419m, được lấy từ đầu nguồn khu vực Lam Sơn, bản Cống Mằn Thìn. Từ khoảng 2 năm nay người dân liên tục có kiến nghị về việc nguồn nước bị ô nhiễm do việc trồng và khai thác keo từ đầu nguồn; hệ thống đường ống không được tu sửa, bảo dưỡng nên nhiều đoạn đã bị hư hỏng, chỉ còn rất ít hộ được sử dụng nước từ dự án 11 tỷ đồng này.
Riêng với Dự án nước sinh hoạt tự chảy bản Vắn Tốc, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quảng Đức, cho hay: "Ngay từ tháng 10.2018, sau khi nhận được tin báo của người dân về đường ống dẫn nước sinh hoạt bản Vắn Tốc bị hỏng, UBND xã đã cử cán bộ chuyên môn kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đường ống. Qua kiểm tra, đường ống dẫn nước tại vị trí đầu đập nước đã bị đứt; tại vị trí H0 đến H3 toàn bộ đường ống đã bị lộ ra ngoài; tại vị trí van xả cặn số 2, tuyến đường ống chính đã bị nước cuốn trôi khỏi vị trí ban đầu".
Sau các dự án nước sinh hoạt vô tác dụng, dân Quảng Đức phải dùng nước bơm từ giếng khoan. Ảnh: Nguyễn Quý.
“Từ đó đến nay đã 2 lần UBND xã gửi văn bản đến Sở NN&PTNT, Ban quản lý các công trình NN&NT, đề nghị khắc phục, sửa chữa đường ống dẫn nước sinh hoạt bị hư hỏng thuộc công trình nước sinh hoạt tự chảy bản Vắn Tốc, nhưng không nhận bất kỳ văn bản trả lời nào. 2 văn bản chúng tôi gửi đi vào tháng 10 và tháng 11.2018, khi đó công trình vẫn còn trong thời gian bảo hành, đến tháng 2.2019 thì hết bảo hành, nhưng họ vẫn im bặt” – ông Đông nói.
Theo lộ trình của huyện Hải Hà thì năm 2019, xã Quảng Đức sẽ thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn. Qua những dự án cấp nước kém hiệu quả này cho thấy, ngay cả điều kiện tối thiểu là nước sạch mà Quảng Đức còn bị thiếu, vậy không biết cách nào để xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn?
Hơn bao giờ hết, người dân ở các vùng khó như Quảng Đức cần sự quan tâm đầu tư của tỉnh, nhưng không phải bằng những dự án, công trình hàng chục tỷ đồng xây dựng xong rồi vứt xó!
Dân Việt tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.