Chuyên gia nói “mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đề ra hồi đầu năm 2022 là chưa phù hợp”, vì đâu?

22/07/2022 16:44 GMT+7
Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi hoạt động cho vay chủ đầu tư bất động sản bị hạn chế, nhu cầu tín dụng từ các lĩnh vực khác vẫn đủ lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm 2022.

Liệu mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vào năm 2022 có đạt được?

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia tại Chứng khoán SSI quan sát thấy rằng, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nước mỗi năm hai lần, mỗi lần bình quân vào khoảng 2% -3%.

Căn cứ vào hạn mức ban đầu được Ngân hàng Nhà nước cấp vào đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng được tính ở mức 11,1% đối với các ngân hàng nằm trong phạm vi phân tích của SSI. Con số này thấp hơn 3% so với con số tăng trưởng tín dụng mục tiêu là 14% của Ngân hàng Nhà nước.

"Bơm" 1,46 triệu tỷ đồng tín dụng năm 2022 có phù hợp? - Ảnh 1.

Các chuyên gia đánh giá, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm 2022.

Do đó, hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với những năm gần đây, SSI vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt hoặc nhỉnh hơn con số 14%, phản ánh tác động của lạm phát.

Điều này vẫn có nghĩa là tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ chậm hơn so với mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm

Về động lực tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm 2022, bộ phận phân tích của SSI cho rằng, có thể sẽ khác với nửa đầu năm, khi trọng tâm chuyển sang cho vay dài hạn đối với các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, giáo dục, y tế và truyền tải điện.

Trong vài năm qua, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ dành cho chủ đầu tư bất động sản chiếm từ 5% -10% mức tăng ròng của tổng dư nợ tín dụng.

Trong năm nay, ngay cả khi hoạt động cho vay chủ đầu tư bất động sản bị hạn chế, nhu cầu tín dụng từ các lĩnh vực khác vẫn đủ lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022.

Đối với năm 2023, SSI dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm hơn so với năm 2022 và quay trở lại mức trước Covid-19 là khoảng 13% - 14% so với đầu năm.

"Bơm" 1,46 triệu tỷ đồng tín dụng năm 2022 có phù hợp? - Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ chậm hơn so với mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm. (Ảnh: ABB)

"Bơm" 1,46 triệu tỷ đồng tín dụng năm 2022 có phù hợp?

Liên quan về tăng trưởng tín dụng, TS Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2022 tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ nên ở mức 14% - tức là sẽ có khoảng trên 1,46 triệu tỷ đồng tín dụng được bơm ra trong năm 2022.

Với mức tăng trưởng này, vừa sẽ đảm bảo được mục tiêu lạm phát và quan trọng hơn nữa là không tạo ra cuộc đua lãi suất huy động trong nửa cuối năm khi tỷ lệ cho vay trên huy động có những ngân hàng đã lên tới 90%, tức là tiền dự trữ thanh toán rất mỏng.

Thậm chí, theo vị chuyên gia này IMF còn khuyến nghị, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam nên giảm về mức dưới 10%.

Có quan điểm trái chiều, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Chuyên gia kinh tế lại cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà Ngân hàng nhà nước đề ra hồi đầu năm nay là chưa phù hợp.

Cụ thể, năm 2021 GDP chỉ tăng khoảng 2,6% mà tăng trưởng tín dụng đã gần 14%. Nếu xem xét quá khứ thì giai đoạn 2016-2020 con số này vào khoảng 16%/năm. Nhiều dự báo cho thấy nền kinh tế có thể tăng trưởng 6-7% trong năm nay. Vì thế tăng trưởng tín dụng và cung tiền cũng cần phải được nâng lên.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác cần phải xét đến đó là lạm phát. "Bão giá" sẽ khiến cho các chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp tăng lên. Chính vì thế nhu vay cũng sẽ gia tăng và tăng trưởng dư nợ cần phải được điều chỉnh.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Thành lại đánh giá, nếu tăng trưởng tín dụng ở mức 16-17% là quá cao. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dư nợ trong năm nay có thể sẽ cao hơn 14%. Các ngân hàng thời gian tới cũng có thể được nới room tín dụng.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục