dd/mm/yyyy

Cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân Sơn La tích cực hỗ trợ hội viên phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập cho hội viên.

Clip: Cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững

Hiệu quả từ mô hình kinh tế tập thể nông dân

Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được thành lập trên cơ sở của HTX Trường Tiến với 15 hội viên với quy mô 15ha cây ăn quả có múi gồm: Cam, bưởi và Quýt. Theo đó, mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp góp phần mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo việc làm cho nông dân, phát huy được tiềm năng và thế mạnh ở địa phương, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ông Hoàng Văn Chất, Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Việc hình thành và phát triển hợp tác xã kiểu mới, chi hội nông dân nghề nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Chi hội hoạt động theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng". Cụ thể: "5 tự" là tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và "5 cùng" cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ.

Cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững- Ảnh 1.

Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với 15 15ha cây ăn quả có múi. Ảnh: Văn Ngọc

Chi hội, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên với nông dân toàn xã trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, nhanh và bền vững. Khẳng định vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận thị trường.

"Để thức đẩy phát triển kinh tế, ngoài việc hướng dẫn hội viên áp dụng các các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, Hội nông dân tỉnh Sơn La đã hỗ trợ Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban hàng chục tấn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp", ông Chất nói.

Cũng theo Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Củ Sau, hơn 1 năm thành lập, đã có khá đông nông dân trong xã đến đề nghị được học tập kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, các thành viên của Chi hội đã nắm vững quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, từng bước tiếp cận với sản xuất hữu cơ. Nhờ vậy, thu nhập của các thành viên đạt từ 300 triệu đồng/năm trở lên.

Cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững- Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La hỗ trợ phân bón cho Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.Ảnh: Văn Ngọc

Phát huy hiệu quả mô hình kinh tế nông dân

Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay Sơn La có trên 171.000 hội viên, các cấp hội trong toàn tỉnh thường xuyên triển khai, quán triệt các chủ trương, chính sách về lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, giúp nông dân chuyển đổi phù hợp trong phát triển kinh tế. Hội đã tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân với nhiều hình thức, như tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ; nông dân dạy nông dân, hướng dẫn sử dụng các trang thương mại điện tử... Tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ "Hỗ trợ nông dân" để có vốn đầu tư phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, gắn với mô hình, dự án vay vốn Quỹ "Hỗ trợ nông dân" cho 600 người; tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, triển khai các mô hình dự án cho học viên. Ngoài ra, Hội nông dân các huyện, thành phố và Hội nông dân các xã còn phối hợp với các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức 126 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hàng nghìn hội viên, nông dân.

Cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững- Ảnh 3.

Ra mắt Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn quả và nuôi ong xã Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng và khả năng ứng dụng các công nghệ số vào một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên nông dân. Tổ chức các đợt tập huấn kiến thức, kỹ năng, tiếp cận, làm quen với các sàn thương mại điện tử; chào bán và kết nối vận chuyển nông sản đến người tiêu dùng cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên, nông dân các cấp.

Để phát triển mô hình kinh tế tập thể, giúp hội viên nông dân nâng cao thu nhập, các mô hình tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động hỗ trợ, trong đó chú trọng những lĩnh vực mà nhân dân đang có nhu cầu như việc cung ứng các dịch vụ và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Tập hợp, thu hút các hộ gia đình, cá nhân có khả năng và có tiềm năng làm thành viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản trị năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, gắn bó lâu dài với hợp tác xã, với chi hội tạo được mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích cá nhân và tập thể.

Cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững- Ảnh 4.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La hướng dẫn hội viên chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Văn Ngọc

Tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức hợp tác xã, chi hội nông dân mạnh, có tiềm lực, có kinh nghiệm trong huyện, trong tỉnh, trong nước để hoạt động, phát triển. Phát huy sức mạnh nội tại của hợp tác xã, chi hội trên cơ sở tiếp tục đổi mới cả về tư duy, tổ chức và cách thức hoạt động theo cơ chế thị trường, phù hợp với các nguyên tắc: tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi và phát triển cộng đồng.

Tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ còn nhẩm Thực hiện tốt các chức năng: tổ chức sản xuất; cung ứng đầu vào; tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy hoạt động của hợp tác xã, chi hội mới đủ mạnh và có sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển bền vững. Tự nỗ lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại, dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tự đổi mới, năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Văn Ngọc