Đến năm 2021, mức tiêu thụ bia khó phục hồi như trước thời Covid-19

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 29/08/2020 16:47 PM (GMT+7)
Theo dự báo, có thể sẽ mất vài năm để mức tiêu thụ bia tại Việt Nam phục hồi về mức như trước khi có dịch Covid-19 và trước khi ban hành Nghị định 100…
Bình luận 0
Đến năm 2021, mức tiêu thụ bia cũng khó phục hồi như trước khi có Covid-19 - Ảnh 1.

Có thể sẽ mất vài năm để mức tiêu thụ bia tại Việt Nam phục hồi... (Ảnh: IT)

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát và kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, việc tiêu thụ tại các kênh off-trade (siêu thị, tiệm tạp hóa) trở nên quan trọng hơn với ngành bia và kênh tiêu thụ này dự kiến sẽ là trọng tâm của ngành trong các năm tiếp theo. 

Thị trường dần phục hồi

Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhu cầu đối với mặt hàng bia bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, khi sản lượng giảm 12,7%; trong khi Nielsen thống kê mức  tiêu thụ danh mục sản phẩm FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) chỉ giảm 7,3%. Theo Nielsen, sản lượng tiêu thụ bia trong quý 2 giảm 22,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phải lưu ý là dữ liệu của Nielsen phản ánh mức tiêu thụ bia thực tế, trong khi doanh thu của SAB và các công ty bia khác phản ánh số liệu từ nhà máy sản xuất tới các đại lý phân phối.

Tỷ trọng tiêu thụ bia chiếm 20,7% trong tiêu thụ FMCG tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 (theo Nielsen), giảm nhẹ so với mức giảm 22% trong năm 2019.

Tuy sản lượng sản xuất đã bắt đầu phục hồi kể từ tháng 5, tăng 60% so với giai đoạn tháng 2 đến tháng 4 song tựu chung, sản lượng lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn giảm 17% so với cùng kỳ (theo Tổng cục thống kê Việt Nam).

"Quý 2 là quý xấu nhất đối với ngành bia do chính sách giãn cách xã hội trên toàn quốc trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4, và do các cơ sở kinh doanh đồ uống bị yêu cầu đóng cửa trong thời gian dài hơn các cơ sở kinh doanh khác (giữa tháng 3 đến đầu tháng 6)", bộ phận phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research), phân tích.

Đến năm 2021, mức tiêu thụ bia cũng khó phục hồi như trước khi có Covid-19 - Ảnh 2.

Mức tiêu thụ bia hàng tháng (Nguồn: SSI)

Cũng theo dữ liệu từ SSI Research, quý 1 là quý xấu nhất đối với lợi nhuận của SAB, do SAB không tích cực đẩy mạnh kênh bán hàng và phân phối trong quý 1. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bia gần như đã phục hồi về mức trước khi có dịch Covid-19 vào tháng 6. Biên lợi nhuận cao hơn cũng được ghi nhận do nỗ lực cắt giảm chi phí của công ty.

Đến năm 2021, mức tiêu thụ bia cũng khó phục hồi như trước khi có Covid-19 - Ảnh 3.

Tăng trưởng tiêu thụ bia so với tăng trưởng doanh thu của SAB theo quý (Nguồn: SSI)

Ngoài ra, SSI Research cũng cho rằng, trong năm 2021, ngành bia có thể phục hồi 20% do sự phục hồi từ mức cơ sở thấp ước tính trong năm 2020. Mặc dù vậy, mức tiêu thụ bia sẽ khó đạt mức trước khi có dịch Covid-19 trong năm 2021.

Cổ phiếu ngành bia vẫn… hút

Kể từ cuối tháng 4, khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại, giới đầu tư kỳ vọng hoạt động kinh doanh của ngành bia rượu sẽ dần khôi phục. Từ đó, dòng tiền đầu tư bắt đầu phản ứng một phần vào giá cổ phiếu.

Tại phiên giao dịch hôm nay 28/8, cổ phiếu SAB của Sabeco giao dịch ở mức giá 184.700 đồng/CP. Mức giá này đã phục hồi mạnh so với thời điểm cuối tháng 3 (phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu SAB chỉ 115.500 đồng/CP). Việc cổ phiếu SAB phục hồi mạnh đến từ thông tin Sabeco sẽ tiếp tục thoái 36% vốn còn lại của Bộ Công thương trong thời gian tới và việc nhóm cổ đông Vietnam Beverage sẽ tham gia mua nốt 36% vốn này.

Ðược biết, tính tới ngày 14/2, trong cơ cấu cổ đông của Sabeco có hai cổ đông lớn là Công ty TNHH Vietnam Beverage nắm giữ 53,59% vốn điều lệ và Bộ Công thương nắm giữ 36% vốn điều lệ.

Không chỉ Sabeco, một loạt mã cổ phiếu ngành bia khác cũng đang hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đà tăng giá các mã cổ phiếu bia này lại đến từ việc chia cổ tức.

Chẳng hạn, Bia Sài Gòn Miền Tây (WSB) hiện đang giao dịch ở mức giá 36.800 đồng/CP. Năm 2019, công ty quyết định chia cổ tức tỷ lệ 50% thay cho mức 40% như kế hoạch, và đã quyết toán xong phần cổ tức năm 2019 vào tháng 4.

Gần đây nhất ngày 21/8, công ty cũng chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1 cũng bằng tiền tỷ lệ 10%.

Hoặc, Bia Sài Gòn Miền Trung (SMB) hiện cũng giao dịch ở mức giá 31.600 đồng/CP, tăng mạnh so với vùng giá 28.000 đồng/CP hồi cuối tháng 3.

Còn với "ông lớn" Bia Hà Nội (BHN), kết thúc phiên giao dịch 28/8, giá cổ phiếu BHN ở mức 52.200 đồng/CP, phục hồi đáng kể so với vùng giá 48.000 đồng/CP cách nay vài tuần.

Một DN ngành bia quyết định chia cổ tức "khủng"

Bia Sài Gòn Sông Tiền (SST) mới đây đã quyết định chi trả cổ tức tỷ lệ lên tới 347,6% bằng tiền mặt. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 28/8 và tiền được chi trả vào ngày 15/9 tới. Đây không phải là lần đầu Bia Sài Gòn Sông Tiền để lại dấu ấn về cổ tức. Trước đó, năm 2017, công ty trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 207% và năm 2018 trả cổ tức cũng bằng tiền tổng tỷ lệ 239%.

Bia Sài Gòn Sông Tiền cũng được xếp vào top những DN đạt tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao trong mấy năm gần đây. Cụ thể, năm 2019, công ty có EPS thuộc hàng "khủng" với 34.937 đồng. Năm 2018, tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của DN này cũng rất cao với mức 20.805 đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem