Doanh nghiệp nội tấn công đại gia bán lẻ ngoại, “miếng bánh” trăm tỷ USD vẫn nằm trong tay người Việt?

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 26/05/2021 14:43 PM (GMT+7)
Nhiều đại gia bán lẻ ngoại phải tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp nội địa có phần thắng thế vì am hiểu thị trường.
Bình luận 0

Các đại gia bán lẻ ngoại từng được đánh giá rất cao khi tấn công thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, "cuộc chiến" tranh giành miếng bánh bán lẻ trị giá hàng tỷ USD dường như không dễ dàng trước những doanh nghiệp nội.

Doanh nghiệp nội tấn công đại gia bán lẻ ngoại

Đại diện Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương xác nhận mua lại 100% cổ phần Công ty Emart Việt Nam đang thuộc sở hữu của Emart Hàn Quốc. Thương vụ dự kiến hoàn tất trong tháng 5, điều này đồng nghĩa, đại gia bán lẻ Hàn Quốc sẽ rút lui.

Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành bán lẻ vốn đã quen thuộc tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trái ngược thời gian trước, các thương vụ M&A vài năm trở lại đây đều chứng tỏ doanh nghiệp nội có phần thắng thế, thậm chí đảo chiều khi mua đứt đại gia ngoại.

Đại gia bán lẻ ngoại bị tấn cống, miếng bánh" trăm tỷ USD vẫn nằm trong tay người Việt? - Ảnh 1.

Saigon Co.op thâu tóm Auchan hồi tháng 6/2019. Ảnh: Hồng Phúc.

Thương vụ ồn ào nhất của xu hướng này chính là Saigon Co.op mua lại hệ thống 18 siêu thị Auchan (Pháp) hồi tháng 6/2019. Auchan có mặt tại Việt Nam từ năm 2015. Dù được mệnh danh là Walmart của nước Pháp nhưng sau 4 năm, "gã khổng lồ" này vẫn còn loay hoay, liên tục đổi tên từ S.Mart thành Simply và sau đó là Auchan nhưng không hiệu quả.

Năm 2017, doanh thu của Auchan Việt Nam đạt 50 triệu USD và vẫn thua lỗ sau 4 năm gia nhập thị trường. Dù trước đó, Auchan nhận định ngành bán lẻ Việt Nam là một miếng bánh rất hấp dẫn, thậm chí có kế hoạch mở rộng đến 300 siêu thị, chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.

Cũng trong năm 2019, một thương vụ M&A đình đám khác không kém đó là Vingroup mua lại hệ thống 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go - thương hiệu bán lẻ từ Singapore do Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống quản lý. Ra mắt năm 2005, sau một thời gian dài kinh doanh không có lãi, đến cuối năm 2016, Shop&Go lỗ lũy kế 205 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có vỏn vẹn 1,27 tỷ đồng.

Thương vụ Vingroup mua lại Shop&Go khá đặc biệt, bởi theo công bố, phía Shop&Go đã chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi với giá tượng trưng chỉ 1 USD, không bằng một tô phở. Trước Shop&Go, tháng 10/2018, Vingroup cũng đã thâu tóm hoàn toàn chuỗi siêu thị Fivimart khi Fivamart liên tục làm ăn thua lỗ, và nhà bán lẻ Aeon (Nhật Bản) quyết định chấm dứt đầu tư vào hệ thống này.

Không chỉ bị mua lại, hàng loạt đại gia bán lẻ khác như Casino (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức) cũng đành chấp nhận tháo chạy, rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau nhiều năm rót tiền đầu tư.

Bán lẻ nội thắng thế

Số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho thấy top 4 siêu thị, đại siêu thị chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam hiện nay là Saigon Co.op, Central Retail, The CrownX (doanh nghiệp hợp nhất Vincommerce và Masan Consumer) và Bách Hóa Xanh. 4 doanh nghiệp bán lẻ dẫn đầu, chiếm 3/4 đã là các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ nội phần nào vẫn làm chủ cuộc chơi.

Đại gia bán lẻ ngoại bị tấn cống, miếng bánh" trăm tỷ USD vẫn nằm trong tay người Việt? - Ảnh 2.

VinMart, Co.opmart, Bách Hoá Xanh là 3 doanh nghiệp trong top 4 siêu thị, đại siêu thị chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Saigon Co.op, doanh nghiệp bán lẻ được đánh giá có nhiều kinh nghiệm nhất thị trường hiện nay, đang sở hữu khá nhiều mô hình: Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers… Toàn hệ thống của Saigon Co.op hiện có hơn 800 điểm bán, phân bổ hầu như khắp cả nước. Kế hoạch của Saigon Co.op là có ít nhất 2.000 điểm bán trong năm 2025.

Tổng giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức, cho biết năm 2020, tổng doanh thu Saigon Co.op ước tính vượt 33.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, cao hơn so với kế hoạch ban đầu. Đáng chú ý, doanh thu của hệ thống Co.opmart tại thị trường TP.HCM chiếm trên 45% thị phần ở kênh siêu thị.

Về độ phủ, dẫn đầu hiện nay là hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ (do Vincommerce quản lý) với tổng cộng gần 2.400 điểm bán. Dù đang sở hữu nhiều điểm bán nhất nhưng tham vọng của Masan kể từ khi tiếp nhận Vincommerce từ Vingroup còn nhiều hơn thế, theo đó, 5 năm tới của Masan là phát triển mạng lưới 10.000 cửa hàng do công ty tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa.

Kể từ khi về tay Masan cuối năm 2019, hiệu quả kinh doanh đã cải thiện vượt bậc. Doanh thu thuần của Vincommerce năm 2020 tăng 14%, từ mức 27.130 tỷ đồng năm 2019 lên 30.978 tỷ đồng vào năm 2020. Năm 2021, Vincommerce dự kiến đạt doanh thu thuần hợp nhất từ 36.000 - 40.000 tỷ đồng với EBITDA cả năm 2021 đạt mức dương.

Còn Bách Hóa Xanh, dù là tay chơi mới của thị trường bán lẻ nhưng bước tiến vài năm qua cho thấy chuỗi này "không phải dạng vừa". Tốc độ mở mới của Bách Hóa Xanh rất thần tốc, tính đến cuối tháng 4, chuỗi có tổng cộng 1.803 cửa hàng, doanh thu 4 tháng đầu năm hơn 8.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Bách Hóa Xanh sẽ còn nhiều bất ngờ khi Thế Giới Di Động tuyên bố đây là động lực tăng trưởng trong tương lai của công ty.

Vì sao bán lẻ nội đang có phần thắng thế?

Báo cáo của McKinsey&Company từng nhận định ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, trong ngắn hạn, được dự báo có tăng trưởng lũy kế khoảng 7,3%/năm.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 mức tăng thị trường bán lẻ Việt Nam dù không bằng mức tăng 12,7% của năm 2019, nhưng quy mô của thị trường này đã tăng thêm hơn 11 tỷ USD. Các chuyên gia dự báo, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ 2 năm nữa thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.

Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Vietnam - bà Đặng Thúy Hà, nhận định thị trường bán lẻ của Việt Nam đang rất sôi động và tiềm năng bởi người dân có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn cho hàng tiêu dùng và thực phẩm hàng ngày.

Theo bà Hà, những năm trước, các đại gia ngoại được xem là nỗi lo lớn của các nhà bán lẻ nội bởi thị trường chứng kiến dồn dập các quyết định đầu tư. Tuy nhiên, thực tế, các đại gia ngoại có tiềm lực tài chính lớn, khả năng quản trị tốt nhưng chưa chắc hiểu được tâm lý người tiêu dùng Việt Nam. Về khoản am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp nội chiếm ưu thế hơn.

Bà Đặng Thúy Hà cho rằng các thương vụ M&A trong ngành bán lẻ Việt Nam gần đây có nhiều khả quan hơn, bởi chứng kiến các "ông lớn" nội địa bắt tay nhau, điều này làm cho doanh nghiệp Việt thêm mạnh hơn, người tiêu dùng được phục vụ tốt hơn.

Đặc biệt, về lâu dài, theo chuyên gia này, các doanh nghiệp bán lẻ nên tập trung vào giá trị dành cho khách hàng hơn là giá cả; sự thấu hiểu, gắn kết khách hàng hơn là chạy hàng loạt các chương trình khuyến mãi. Có như vậy, các nhà bán lẻ nội mới có thể cạnh tranh trực tiếp và sòng phẳng với các doanh nghiệp bán lẻ ngoại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem