Giải mật hồ sơ điệp viên “hai mang” Phạm Chuyên (Phần 1)

Thứ ba, ngày 13/06/2017 18:30 PM (GMT+7)
Nhằm chống phá miền Bắc Việt Nam, năm 1961, CIA đã tung vào miền Bắc một điệp viên được đào tạo bài bản mang bí danh Ares.
Bình luận 0

Nhằm thu thập thông tin, “lót ổ”, gây cơ sở, chuẩn bị lực lượng phá hoại miền Bắc Việt Nam, năm 1961, CIA và chính quyền Ngô Đình Diệm mà trực tiếp là Phòng 45 đã tung vào miền Bắc điệp viên mang bí danh Ares. Gần 10 năm hoạt động ở Quảng Ninh, Ares đã được tặng thưởng 12 huân chương, trong đó có Huân chương “Anh dũng Bội tinh” và cung cấp về “tổng bộ” nhiều tin tức.

Vậy, điệp viên này đã hoạt động thế nào, số phận hiện giờ ra sao? Loạt bài sự thật về điệp viên Phạm Chuyên sẽ làm rõ vấn đề này.

img

Chân dung Phạm Chuyên.

Chọn mặt gửi vàng

Trong cuốn “Cuộc chiến bí mật - Hồ sơ Lực lượng đặc biệt Quân đội VNCH", tác giả Vũ Đình Hiếu đã đề cập tới việc CIA và tình báo VNCH tuyển chọn Phạm Chuyên. Năm 1959, Phòng 45 (cơ quan làm nhiệm vụ tuyển chọn, huấn luyện tình báo của chính phủ Việt Nam Cộng hòa) lập kế hoạch 5 năm để xâm nhập vào vùng hậu phương miền Bắc. Trung úy Đỗ Văn Tiên (mật danh Francois) có nhiệm vụ tìm, huấn luyện và phái một điệp viên đơn tuyến xâm nhập miền Bắc Việt Nam.

Francois tìm được một người thích hợp là Phạm Chuyên, nguyên là một Đảng viên biến chất, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Chuyên bị vợ bỏ nên anh ta di cư vào Nam. Thoạt đầu Phạm Chuyên từ chối, mặc dù Trung tá Lê Quang Tung đã cho đàn em theo dõi, dụ dỗ suốt nửa năm trời. Trung úy Tiên (Francois) buộc phải cộng tác với 1 nhân viên CIA là Edward Reagan tìm cách thuyết phục Chuyên. Sau hơn 6 tháng CIA trổ tài, Phạm Chuyên nhận lời. Anh ta được đưa ra Nha Trang để làm kỳ trắc nghiệm tâm lý. Chuyên đạt được điểm xuất sắc trong kỳ trắc nghiệm. Sau đó Chuyên còn phải trải qua hai kỳ khảo nghiệm nữa, một ở Sài Gòn và một ở Nha Trang. Tiếp theo CIA huấn luyện cho Chuyên 6 tháng về kỹ năng truyền tin.

Trong bản báo cáo ngày 5.7.1961 có đóng dấu "tối mật" của Sở Công an khu Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh), đã trình bày lại chi tiết quá trình trốn vào Nam của Phạm Chuyên như sau:

Ngày 25.6.1959, sau khi được Tòa án nhân dân huyện Yên Hưng cho về viết kiểm thảo, Phạm Chuyên quyết định bỏ trốn.

Ban đầu Chuyên lên Hà Nội rồi mua vé xe khách đi vào Vinh. Từ Vinh, Chuyên đi theo đường số 8 lên biên giới rồi vượt biên sang Lào. Sang Lào, sau khi được tiếp nhận, Chuyên được đưa về Savanakhet để thẩm vấn. Sau 9 tháng ở Lào và qua nhiều vòng thẩm vấn, Chuyên được đưa về trung tâm tiếp đón đồng bào vượt tuyến ở Sài Gòn. Tháng 5.1960, sau khi trải qua nhiều vòng thẩm vấn, Chuyên đề đạt nguyện vọng được có một việc làm để sinh sống, khi nào cần sẽ tình nguyện về miền Bắc làm việc, nếu không xin cứ cho nằm lại ở trung tâm.

Công việc mà Chuyên được Sở Nghiên cứu chính trị giao cho làm sau đó là đi nói chuyện ở một số địa phương với nội dung xuyên tạc về chính sách thuế nông nghiệp, hợp tác xã ở miền Bắc.

Sau vài tháng đi nói chuyện, một ngày đầu tháng 9.1960, một người tên là Phan đến gặp Chuyên. Phan giới thiệu là nhân viên của Sở Nghiên cứu chính trị thuộc Phủ Tổng thống (thực chất là cơ quan tình báo, phản gián chiến lược của chính quyền VNCH được thành lập năm 1956.

Câu chuyện của Phan vẫn chỉ xoay quanh việc Chuyên vượt tuyến, việc Chuyên từng học điện đài thời Pháp thuộc. Cuối cùng, Phan mới lật bài ngửa với Chuyên khi hỏi thẳng có dám mạo hiểm trở lại miền Bắc không. Sau khi Chuyên đồng ý, Phan hẹn lần sau sẽ gặp để bàn tiếp công việc.

Vài ngày sau, Phan lại tới và yêu cầu Chuyên tự viết bản kế hoạch hoạt động khi quay trở lại miền Bắc. Chuyên lập tức viết một bản kế hoạch, trình bày chi tiết từ kế hoạch vượt tuyến trở lại miền Bắc, tới phương pháp gây dựng cơ sở khi ra Bắc, cách thức lãnh đạo đấu tranh, phương tiện liên lạc để cung cấp tin cho trung tâm ở Sài Gòn và cả dự trù kinh phí hoạt động… Cầm bản kế hoạch này, Phan ra về và hẹn sẽ gặp lại sau khi nghiên cứu.

Một buổi chiều giữa tháng 9.1960, Phan quay trở lại gặp Chuyên và đưa Chuyên đến khách sạn Majestic để gặp một người Mỹ. Người Mỹ này lại hỏi Chuyên những câu hỏi mà Phan đã hỏi nhiều lần; gã người Mỹ còn hỏi Chuyên về ấn tượng với chính thể miền Nam rồi sau đó câu chuyện kết thúc. Một tuần sau, Phan lại đưa Chuyên đến gặp gã người Mỹ nhưng địa điểm là ngôi biệt thự trên một con phố. Gã người Mỹ lại đặt những câu hỏi trắc nghiệm tâm lý. Khi kết thúc, gã nói với Chuyên rằng "cán bộ của chính phủ sẽ gặp ông nữa. Riêng tôi, chúc ông thành công".

Theo hồ sơ lưu tại Cơ quan Công an thì Phạm Chuyên sinh năm 1922, thời Pháp thuộc đi lính khố xanh và được huấn luyện về điện đài. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chuyên tham gia Cách mạng và được kết nạp vào Đảng và có một thời gian làm ở Ty Công an Quảng Yên. Tháng 10.1947, Chuyên bị Pháp bắt, sau được tha và làm thư ký hội đồng ở thị xã Hồng Gai. Tháng 5.1948, Chuyên bỏ về quê, sau đó chạy vào căn cứ địa cách mạng ở huyện Hoành Bồ và được kết nạp Đảng lại.

Cuối năm 1948, Chuyên được phân công phụ trách 3 xã ở huyện Yên Hưng, đầu năm 1949, Chuyên được điều về làm ở Ban Thi đua tỉnh, đầu năm 1950 chuyển sang làm ở Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Yên. Năm 1953, khi được cử đi học trường Đảng, Chuyên bị tố hủ hóa sau đó đã cùng tình nhân bỏ vào vùng địch nên lại bị khai trừ Đảng. Sau hòa bình, dù được bố trí công tác trong một cơ quan, nhưng cuối năm 1957, Chuyên bất mãn, nên bỏ cơ quan về và gọi cả em trai là Phạm Ốc lúc đó đang học y sĩ bỏ học về nhà.

Về quê, sẵn tư tưởng bất mãn nên Chuyên sáng tác ca dao, hò vè đả kích, khích động quần chúng đấu tranh. Tháng 6.1959, sau khi bị Tòa án nhân dân huyện Yên Hưng gọi lên xét hỏi về hành động chống đối chính quyền, khi được cho về viết kiểm điểm, Chuyên đã bỏ trốn đi Nam. Thời gian sau đó, có bưu thiếp của Chuyên gửi về báo tin Chuyên làm ăn phát đạt.

img

Báo cáo của Sở Công an Hồng Quảng gửi Bộ Công an về việc bắt Phạm Chuyên.

Còn trong cuốn tự chuyện của mình, Phạm Chuyên viết: Kháng chiến chống Pháp tôi là Nguyễn Thiết. Hòa bình lập lại, trên báo Việt Nam Độc lập, tôi là Phạm Văn. Vào Sài Gòn, năm 1959 tôi mang tên Nguyễn Bảo Thùy. Trong kháng chiến chống Mỹ, chính xác là trong nhiệm vụ điệp viên, người ta đặt cho tôi bí danh là Hạ Long, mang mật danh Ares, mà Cơ quan Tình báo Mỹ cũng biết đến tôi qua mật danh này. Còn tên "cúng cơm" của tôi (cha mẹ đặt) là Phạm Chuyên.

Trong lúc Chuyên được huấn luyện các kỹ năng thì Trung úy Tiên và Reagan bận rộn phác thảo kế hoạch đưa điệp viên xâm nhập miền Bắc. Theo kế hoạch, Chuyên sẽ nằm vùng dài hạn ở tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh ven biển Bắc Bộ, nơi Chuyên rất quen thuộc. CIA cho rằng việc phái Chuyên xâm nhập miền Bắc bằng đường biển là rất hợp lý. Với niềm hứng khởi ấy, hai chuyên viên tình báo bay ra Đà Nẵng tìm địa điểm xuất phát. Họ thuê một biệt thự kín đáo, có tường bao quanh làm mật cứ.

Đầu tháng 4.1961, Chuyên lên tàu Nautilus 1, rời Đà Nẵng, theo hành trình hai ngày về phía bắc. Không may cho Chuyên do gặp phải thời tiết xấu, chiếc Nautilus 1 đành quay trở vể nơi xuất phát. Vài hôm sau thời tiết đẹp trở lại. Chuyên lại lên đường. Cả hai viên sĩ quan Tiên và Reagan đều ra bến tàu tiễn đưa Chuyên. Sau này Tiên nhớ lại là khi chia tay với Chuyên, anh ta đã chúc Chuyên may mắn nhưng Chuyên không nói nửa lời.

Đại Dương (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem