Đua phí 0 đồng, ngân hàng sắp hết thời “tận thu”?

H.Anh Chủ nhật, ngày 21/03/2021 18:10 PM (GMT+7)
“Sân chơi” phí 0 đồng không còn dành riêng cho các ngân hàng có quy mô nhỏ, gần đây các “ông lớn” như: Vietcombank, Vietinbank... đã tham gia vào "cuộc chơi". Có ý kiến cho rằng, động thái này là một tín hiệu cho thấy cánh cửa “tận thu” của các ngân hàng đang dần khép lại.
Bình luận 0

"Sân chơi" phí 0 đồng, ngân hàng quốc doanh nhập cuộc

Chị H.A hiện đang là nhân viên văn phòng nhưng có thêm nghề tay trái là bán hàng online. Chị lập một group trên facebook với khoảng gần 1.000 thành viên là người quen trong chung cư, bạn bè, người thân… rồi bán các mặt hàng quần áo, đồ gia dụng, trái cây.

Nhờ khách hàng phần lớn là người quen biết nên chị có lượng khách đặt hàng online ổn định. Nhu cầu thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ qua online cũng thường xuyên.

Thời gian trước, chị H.A có "sở thích" mở tài khoản tại ngân hàng quốc doanh như BIDV, Agribank, Vietcombank hay Vietinbank. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chị không còn duy trì "sở thích" này với lý do "tiết kiệm chi phí".

"Mỗi ngày, khách chuyển tiền qua Internet Banking, Mobile Banking… để đặt hàng, thanh toán tiền hàng, rồi tôi lại chuyển tiền cho mối sỉ. Điều tôi ngại nhất là phí chuyển tiền, vì bán món hàng online cho người quen lời không bao nhiêu, nếu khoản nào chuyển đi cũng mất phí sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Như các ngân hàng quốc doanh mà tôi từng sử dụng, phí giao dịch chuyển tiền từ 2.200 đồng – 7.700 đồng. Trung bình mỗi ngày tài khoản bị trừ từ 20.000 – 30.000 đồng tiền phí dịch vụ, chưa kể các khoản phí khác như: phí duy trì thẻ, phí thường niên...

So với thu nhập "tay trái" thì đây cũng là khoản phí đáng phải cân nhắc. Vì vậy, gần đây tôi chuyển sang dùng tài khoản của Techcombank và TPBank vì được miễn phí 100% dịch vụ", bà chủ bán hàng online này chia sẻ.

Câu chuyện của chị H.A không phải cá biệt, xu hướng sử dụng tài khoản ngân hàng được miễn phí dịch vụ đang ngày càng thịnh hành.

Theo khảo sát của Dân Việt, có tới hơn 80% người dân được hỏi đều ưu tiên lựa chọn các ngân hàng đang "free" phí dịch vụ để mở tài khoản.

Trong khi đó, chỉ 1 phần nhỏ khách hàng mở tài khoản tại các ngân hàng mất phí vì các lý do khác như cơ quan yêu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng A; ngân hàng B nhiều khuyến mại khi quét QR Code;…

Nắm bắt được nhu cầu, kể từ cuối năm 2020 cho đến nay cuộc đua phí 0 đồng trở nên sôi động tại nhiều ngân hàng.

Tiêu biểu như đầu thàng 3, HDBank áp dụng chương trình miễn 100% các loại phí gồm phí dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking, phí chuyển tiền trong hệ thống và ngoài hệ thống, phí rút tiền ATM nội mạng, phí SMS và ATM thường niên (theo gói)… cho khách hàng mở mới tài khoản HDBank Pro hoặc chuyển đổi tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản HDBank Pro.

Hay như khách hàng của SHB sử dụng Combo Smore được miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng nhanh 24/7 trọn đời mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào, bao gồm phí quản lý gói tài khoản như thông thường.

Đặc biệt, "sân chơi" phí dịch vụ 0 đồng hiện nay đã xuất hiện thêm "ông lớn" ngân hàng có vốn nhà nước. Đơn cử như VietinBank, ngay từ đầu năm nhà băng này triển khai chương trình ưu đãi chưa từng có khi miễn hoàn toàn phí giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử VietinBank eFAST.

Tương tự, từ đầu tháng 2/2021 Vietcombank tung ra 4 gói tài khoản tương ứng với các ưu đãi dịch vụ khác nhau như: Gói VCB Eco dành cho khách hàng có nhu cầu giao dịch cơ bản với ưu đãi miễn phí chuyển khoản trong hệ thống Vietcombank…

Đua phí 0 đồng, ngân hàng sắp hết thời “tận thu”? - Ảnh 2.

Hàng loạt ngân hàng gia nhập "sân chơi" phí 0 đồng

Ngân hàng hết thời "tận thu"?

Việc ngày càng nhiều nhà băng tung ra các chương trình miễn, giảm các loại phí như phí dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking, phí chuyển tiền trong hệ thống và ngoài hệ thống, phí rút tiền ATM nội mạng,…theo nhìn nhận của giới chuyên gia là xu thế khó tránh khỏi khi áp lực cạnh tranh đang ngày càng lớn do sức ảnh hưởng của công nghệ số.

"Cạnh tranh bằng cách giảm phí dịch vụ, thậm chí 0 đồng phí là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhiều kênh thanh toán không tiền mặt, nhiều dịch vụ trung gian thanh toán cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại cũng bằng phí 0 đồng", TS. Nguyễn Trí Hiếu đề cập.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối kinh doanh NamABank, nhận xét từ thực tế cho thấy, phí giao dịch chính là một trong những yếu tố khách hàng quan tâm khi sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Hưng,Tổng Giám đốc TPBank nhấn mạnh, một trong những giá trị của đổi mới số là gia tăng trải nghiệm khách hàng, trong đó bên cạnh việc hoạt động 24/7 và có phản hồi ngay lập tức với yêu cầu khách hàng, hay tốc độ xử lý giao dịch, thủ tục nhanh chóng thì có một phần nằm ở việc ngân hàng có phí giao dịch thấp.

Còn nhớ, tại không ít các Hội thảo diễn ra trong thời gian qua, cũng đã không ít chuyên gia kinh tế đều "tố" các ngân hàng đang "tận thu" với hàng loạt các loại phí như phí phát hành thẻ, phí sao kê, phí chuyển tiền, phí rút tiền…

Chẳng hạn, mua một chai nước lọc với giá 10.000 đồng, nhưng phải thêm khoảng 3.000 tiền phí giao dịch chuyển khoản, tức là 30% giá trị của món hàng – theo TS. Nguyễn Trí Hiếu đó là việc "hết sức vô lý". Điều này làm trở ngại cho quá trình phát triển thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam thời gian qua.

Đua phí 0 đồng, ngân hàng sắp hết thời “tận thu”? - Ảnh 4.

Các ngân hàng gia nhập "sân chơi" phí 0 đồng hút khách hàng

"Ngày càng nhiều ngân hàng tham gia "sân chơi" phí 0 đồng. Động thái này là một tín hiệu cho thấy cửa "tận thu" phí của các ngân hàng đang ngày càng hẹp. Bởi nếu ngân hàng vẫn "cố tận thu", khách hàng sẽ rời bỏ ngân hàng để tìm đến các ngân hàng có mức phí thấp hoặc các ngân hàng phí 0 đồng.

Ngược lại, phí 0 đồng, nhưng ngân hàng sẽ thu hút được nhiều khách hàng, từ đó gia tăng được các nguồn thu nhập khác bền vững như bán chéo sản phẩm về vay vốn, bảo hiểm, thẻ tín dụng, số dư tiền gửi thanh toán không kỳ hạn… Trong cuộc đua này, ngân hàng nào "nhanh nhạy" sẽ có lợi thế", ông Hiếu nhận xét.

Thực tế, hầu hết các ngân hàng triển khai chương trình phí 0 đồng đều thừa nhận lượng khách mới sử dụng dịch vụ Banking tăng vọt.

Đơn cử, số lượng giao dịch qua LiveBank của TPBank năm 2020 là khoảng 7 triệu giao dịch (tăng 130% so với năm 2019), với giá trị giao dịch 330 nghìn tỷ đồng (tăng 140% so với năm 2019).

Kết thúc năm 2020, Techcombank tăng thêm gần 1,1 triệu khách hàng, nâng tổng số khách hàng phục vụ lên hơn 8,4 triệu. Một con số khá ấn tượng cho thấy sự vượt trội của nhà băng này trong bối cảnh nhiều thách thức của dịch Covid-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem