Everland (EVG) trình kế hoạch lãi tăng 271%, chia cổ tức 4,2% năm 2024

08/04/2024 16:12 GMT+7
CTCP Tập đoàn Everland (HoSE: EVG) đã công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Theo thông báo, Đại hội được tổ chức ngày 24/4 tại TP. Hà Nội.

Tại dự thảo, HĐQT Everland trình cổ đông thông qua mục tiêu tổng doanh thu 1.250 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 94,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 84% và 271% so với thực hiện năm 2023 là 678 tỷ đồng doanh thu và 25,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Chia cổ tức năm 2024 dự kiến tỷ lệ 4,2%.

Everland (EVG) trình kế hoạch lãi tăng 271%, chia cổ tức 4,2% năm 2024- Ảnh 1.

Kế hoạch trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Everland trình kế hoạch không chia cổ tức năm 2023. Theo đó, sau khi trích các quỹ đầu tư, khen thưởng và thù lao HĐQT, Ban kiểm soát, lợi nhuận còn lại sẽ được dùng để tái đầu tư.

Cổ phiếu EVG chuyển sang diện kiểm soát

Ngày 2/4/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu EVG của Everland. Theo thông báo, cổ phiếu EVG sẽ chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 9/4/2024 do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC hợp nhất 2 năm liên tiếp (2022 và 2023).

Trước đó, cổ phiếu EVG bị vào diện cảnh báo theo Quyết định số 179/QĐ-SGDHCM ngày 17/4/2023 do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2022 của Everland.

Đến ngày 14/9/2023, HoSe quyết định giữ nguyên diện cảnh báo theo Quyết định số 179 do tổ chức kiểm toán có kết luận ngoại trừ đối với BCTC soát xét bán niên năm 2023, chưa đáp ứng quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, tại BCTC hợp nhất năm 2023 sau kiểm toán, Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam cho biết, đơn vị này được bổ nhiệm kiểm toán BCTC hợp nhất năm 2023 của Everland vào ngày 20/12/2023, dẫn đến đơn vị kiểm toán đã không được chứng kiến việc kiểm kê thực tế số lượng tiền mặt tồn quỹ và hàng tồn kho tại đầu năm.

"Các thủ tục kiểm toán thay thế cũng không cung cấp cho chúng tôi đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp đối với số lượng tiền mặt tồn quỹ và số lượng hàng tồn kho tại ngày 2022. Do số dư tiền mặt và hàng tồn kho đầu năm có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ trong năm của Tập đoàn, chúng tôi không thể xác định định liệu có cần điều chỉnh đối với lợi nhuận cho năm tài chính được báo cáo trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất hay không", trích ý kiến của Kiểm toán AFC.

Ngoài ra, do được bổ nhiệm là kiểm toán viên sau và xa ngày kết thúc năm tài chính 2022 nên Kiểm toán AFC cho hay, họ không thể thực hiện được thủ tục chứng kiến kiểm kê tiền mặt và hàng tồn kho tại các công ty thuộc Everland ngày 31/12/2022 cũng như các thủ tục kiểm toán thay thế cần thiết khác.

Số dư tiền mặt và hàng tồn kho tại ngày 31/12/2022 của Everland lần lượt là 9,8 tỷ đồng và 184,2 tỷ đồng. Theo đó, Kiểm toán AFC không đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của các khoản mục này tại ngày 31/12/2022, cũng như ảnh hưởng của các khoản này đến các khoản mục khác trên BCTC năm 2022 của Everland. Kiểm toán AFC cho rằng, vấn đề này tiếp tục ảnh hưởng đến BCTC hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 và đã được kiểm toán viên nêu ý kiến.

Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, Everland nói gì?

Trước ý kiến của Kiểm toán AFC, Everland giải trình: Tại công văn số 55/2023/CV-EVG ngày 31/7/2023, tổ chức kiểm toán (Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam) đã có ý kiến ngoại trừ trong BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 đối với các chỉ tiêu số dư tiền mặt và hàng tồn kho của Công ty tại ngày 31/12/2022.

Cơ sở ý kiến ngoại trừ đối với các chỉ tiêu này là do tổ chức kiểm toán được bổ nhiệm sau ngày kết thúc năm tài chính năm 2022 nên không thể thực hiện thủ tục chứng kiến kiểm kê tiền mặt và hàng tồn kho của công ty mẹ Everland và các công ty con tại ngày 31/12/2022 cũng như các thủ tục kiểm toán thay thế khác.

Theo đó, tổ chức kiểm toán không đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của các khoản mục này tại ngày 31/12/2022 cũng như ảnh hưởng của chúng đến các khoản mục khác.

Theo chuẩn mực kế toán hiện hành thì số dư tiền mặt và hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2022 được chuyển sang là số dư đầu kỳ năm 2023. Do số dư tiền mặt và hàng tồn kho đầu năm có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ trong năm của công ty nên kiểm toán chưa có đủ cơ sở để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ tại kỳ BCTC năm 2023 của công ty.

"Vấn đề này sẽ được khắc phục tại kỳ kiểm toán BCTC gần nhất trong năm 2024 của công ty", Everland cho biết.

Linh Anh
Cùng chuyên mục