- Hôm nay anh phải về sớm nấu cơm giúp vợ.
Anh đồng nghiệp của tôi giải thích khi nhanh chóng dọn dẹp tài liệu đứng lên khi đồng hồ vừa kịp chỉ năm giờ chiều. Cũng là anh, phàn nàn với chúng tôi trong buổi trà giữa giờ nghỉ trưa: “Mấy hôm nay vợ anh tăng ca về muộn, chiều nào về cũng phải giúp vợ nấu cơm, rửa bát mệt bã cả người”.
Đa phần đàn ông đang coi việc mình làm việc nhà là "giúp vợ" (Ảnh minh họa IT)
Trong một câu chuyện khác, cô bạn của tôi kể về chồng mình với giọng tự hào: “Chồng tớ thương vợ lắm. Hôm nào anh ấy cũng giúp vợ làm việc nhà”. Hạ giọng, cô nói với giọng điệu của kẻ “uốn nắn” được chồng: “Đàn ông ấy mà, chỉ cần khéo léo ngọt ngào nhờ vả là mấy ông ấy làm ngay”.
Hai ông chồng ấy, anh đồng nghiệp của tôi và chồng của cô bạn, quả thật đã là một người chồng mẫu mực đấy chứ. Biết động chân tay nấu cơm, rửa bát, dọn nhà… với các ông chồng nói chung đã là quá hoàn hảo. Tôi chẳng phủ nhận điều tích cực ấy. Thế nhưng tôi chỉ băn khoăn mãi một điều, dù là nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp… hay bất cứ việc gì đi chăng nữa thì đều được gọi bằng cái tên chung: “Việc nhà”.
Đã là việc nhà, đương nhiên nó là việc của bất cứ ai sống trong căn nhà ấy, ai cũng phải có trách nhiệm gánh vác, chia sẻ. Các ông chồng cũng ăn cơm, cũng cần quần áo sạch, cần chăn đệm sạch, cần sống trong cái nhà thơm tho tươm tất. Vậy thì tại sao khi các anh nhón tay làm một việc gì đó cho căn nhà của mình, lại cứ phải dùng từ “giúp”.
Quả thực, mỗi khi nghe ai đó dùng từ “giúp” khi một người đàn ông làm việc nhà, tôi lại cảm thấy lòng mình rất gợn. Chúng ta chỉ “giúp” ai đó làm việc nhà khi đó chẳng phải là nhà của mình, chẳng phải bữa cơm mình ăn, quần áo mình mặc, chăn đệm mà mình ngủ. Nhưng đây là nhà của các anh, là vợ con các anh chứ chẳng phải chị hàng xóm, cô đồng nghiệp. Vậy thì đó là việc của các anh chứ đâu phải giúp ai.
Đàn ông xưa nay vốn coi việc nhà chẳng phải của mình. Đó là việc của ai, các anh chẳng quan tâm, chỉ cần biết rằng đó chẳng phải là việc của mình. Họ quên mất rằng, mỗi khi họ đặt chân xuống nền nhà, nền nhà sạch bong, khi họ cần quần áo sạch thì quần áo đã thẳng thớm thơm tho trong tủ, khi họ đói bụng đã có mâm cơm thơm phức tinh tươm… tất cả những thứ ấy không phải do cô Tấm nào chui từ quả thị ra làm lụng, mà là do vợ.
Vợ không phải là người giúp việc toàn năng, đàn ông muốn ăn cũng nên lăn vào bếp (Ảnh minh họa IT)
Vợ - người cũng chung tay gánh vác kinh tế gia đình, cũng tất bật một ngày 8 tiếng ở văn phòng, nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó luôn có thể chăm lo cho nhà cửa gọn gàng, chồng con tươm tất, no đủ. Chẳng ai quy định rằng việc nhà nhất thiết phải là việc của phụ nữ, chỉ do đàn ông không làm nên mới bắt buộc phải dồn về tay cô ấy mà thôi.
Quan niệm ấy có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức của cả đàn ông lẫn phụ nữ từ khi còn bé. Trong khi các cô bé luôn được bố mẹ yêu cầu phải biết nữ công gia chánh, giúp đỡ việc nhà, thì các cậu con trai dường như chỉ chờ được phục vụ. Mỗi khi biết tin nhà ai sinh con gái, người ta lại thường nói: “Sinh con gái được nhờ”, hay “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”.
Tôi chẳng phủ nhận rằng các bé gái thì có thể sẽ chăm chỉ hơn, ngoan ngoãn hơn. Nhưng đâu vì thế mà gán cho các em cái tư tưởng rằng rồi việc nhà sẽ là của các em hoàn toàn ngay từ tấm bé. Một thế hệ các cậu con trai chỉ chờ được mẹ hay chị gái, em gái phục vụ, rồi sẽ trở thành các ông chồng luôn đòi hỏi vợ mình phục vụ. Một thế hệ các bé gái quen phục vụ bố, anh trai, em trai rồi sẽ lại thành những người vợ tất bật quay cuồng vì chồng con không một phút ngơi nghỉ cho riêng mình. Vòng lặp ấy chẳng dễ gì phá vỡ.
Hàng ngày, tôi đọc báo, thấy rất nhiều bài báo ca ngợi những tấm gương đức ông chồng mẫu mực biết “giúp” vợ việc nhà, nhiều bài báo dạy cho phụ nữ cách khiến chồng làm việc nhà “giúp” mình sao cho ông chồng vui vẻ nhất. Tôi đọc xong, thấy thực buồn. Đàn ông làm việc nhà là chuyện thường tình, chuyện cần làm, có gì mà phải ca ngợi.
Nếu các anh muốn có một người vợ thảnh thơi nhẹ nhõm, muốn cô ấy xinh đẹp dịu dàng trong chiếc váy ngủ thay vì ống thấp ống cao xộc xệch, muốn cô ấy thơm thoang thoảng nước hoa thay vì sực mùi dầu mỡ thịt cá thì hãy xắn tay áo lên mà nhặt rau, đổ rác, lau nhà.
Người ta bảo “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng cô gái xây tổ ấm đâu có nghĩa là phải làm người giúp việc toàn năng.
Cô giáo hơn học trò 8 tuổi nhưng vẫn nên duyên vợ chồng sau bao ngăn cấm của gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.