Đã qua thời "con ngoan, trò giỏi"

Thứ hai, ngày 19/12/2016 11:11 AM (GMT+7)
GS. Trần Ngọc Thêm cũng chia sẻ những suy nghĩ sâu hơn về giáo dục cũng như những giá trị cần có của cá nhân trong thời kỳ mới.
Bình luận 0

img

GS Trần Ngọc Thêm

Kết quả và hậu quả của "con ngoan trò giỏi"

Triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” đã mang lại những kết quả gì, thưa ông?

- Trong gia đình, mục tiêu ngoan theo nghĩa biết vâng lời khiến cho người Việt Nam từ xưa đến nay hầu như chưa bao giờ được là chính mình.

Đứa con khi còn nhỏ đi học vì cha mẹ, chọn trường chọn nghề theo ý cha mẹ, lấy vợ vì cha mẹ, đẻ con, nuôi con có khi cũng vì cha mẹ, theo ý cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sống thì dù có lên ông lên bà rồi nhưng làm gì cũng vẫn phải hỏi ý kiến các cụ.

Nhờ thế mà có kết quả là gia đình cực kỳ ổn định, êm thấm, dù đôi khi chứa đựng cả một bi kịch bên trong.

Trong nhà trường, mục tiêu giỏi theo nghĩa thuộc bài đã đẻ ra các căn bệnh học gạo, học tủ, học lệch..., đẻ ra nghề luyện thi và các lò luyện thi... Nhờ thế mà có nhiều người đỗ đạt, nhận bằng. Xã hội có nhiều người thành đạt nhờ thuộc bài và biết vâng lời như thế là một xã hội rất ổn định.

Tóm lại, triết lý “con ngoan trò giỏi” đã giúp cho Việt Nam trong một thời gian dài có một nền văn hóa cực kỳ ổn định mà không một cuộc xâm lăng nào có thể phá đổ. Nền giáo dục theo triết lý “con ngoan trò giỏi” đã thực hiện được sứ mệnh xây dựng văn hóa bảo tồn đất nước, chống ngoại xâm.

Và ngày nay triết lý “con ngoan trò giỏi” để lại những hậu quả gì?

- Từ sau đổi mới chúng ta hướng đến một xã hội phát triển. Từ truyền thống “trọng tĩnh”, ở một số phương diện nào đó chúng ta đã chuyển sang “trọng động”. Ngày xưa giàu có phải giấu đi nhưng giờ thì khoe ra, phải tự hào. Dân giàu nước mạnh, triết lý sống đã thay đổi.

Trong khi đó thì triết lý giáo dục vẫn như cũ, không thay đổi gì cả. Với triết lý “con ngoan trò giỏi” thì mọi thứ đều bị rập khuôn (bài mẫu, cách giải mẫu, đề mẫu...), mọi hoạt động đều mang tính đối phó.

Sự độc lập suy nghĩ có thể được khuyến khích một cách hình thức, còn thực chất là thường bị thủ tiêu. Sự sáng tạo thường bị dập tắt. Độc lập suy nghĩ tất sẽ hình thành thói quen phản biện, mà phản biện thì sẽ không còn ngoan và biết vâng lời. Sáng tạo thì sẽ mới lạ, độc đáo, không theo khuôn mẫu nào. Không theo mẫu, không đúng đáp án là không thuộc bài, ít thầy cô dám xem là trò giỏi.

Để yên ổn, ổn định thì mọi người phải giống nhau. Nếu trồi lên khác người thì sẽ phá vỡ sự ổn định và do vậy sẽ bị dập xuống…

Nền giáo dục của chúng ta đã tạo được một số trường chuyên rất nổi tiếng. Các trường này có thể có tỉ lệ 100% (hoặc gần 100%) thi đỗ đại học, có thể có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Những học sinh này đều là những người rất giỏi, thông minh, nhưng điểm lại hầu như chẳng có mấy ai trở thành nhà khoa học lớn.

Những tài năng như GS.VS. Trần Đại Nghĩa, GS. nhạc sĩ Trần Văn Khê, GS. Ngô Bảo Châu…, nếu không được đào tạo tiếp nhiều năm ở phương Tây thì chắc cũng chẳng thành danh.

Văn hóa phương Tây là văn hóa hướng đến phát triển nên xã hội phương Tây khuyến khích học trò tranh luận, phản biện. Có phản biện, có tranh luận thì mới có phát triển.

Nhu cầu xã hội của Việt Nam thời nay là phát triển, nhưng nền giáo dục vẫn bị triết lý giáo dục thuở xưa chi phối, không thay đổi bao nhiêu, cho nên không còn thích hợp.

img

Cần có quan niệm khác về "con ngoan trò giỏi"? (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Cải cách giáo dục cần bắt đầu từ triết lý

Ông nói rằng giáo dục vẫn không thay đổi gì cả, trong khi giáo dục đã và đang trải qua những cuộc cải cách, đổi mới đấy chứ?

- Tôi nói giáo dục không thay đổi là nói về triết lý giáo dục. 

Trong khi các cuộc cải cách giáo dục lâu nay chỉ lo thay đổi những cái bề ngoài như cấu trúc hệ thống (10 năm, 12 năm); chương trình (thay đổi số môn bắt buộc/ tự chọn, có hay không có phân ban); SGK (mỗi lần lại tổ chức viết lại SGK); phương thức học (niên chế hay tín chỉ, thầy hay trò là trung tâm), phương thức thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh đại học (Bộ hay trường ra đề, thi riêng hay thi gộp)...

Mọi thứ chúng ta đều có nghiên cứu, tham khảo, đi học thế giới. 

Học theo thế giới trong khi điều quan trọng nhất rất ít được để ý là xuất phát điểm của thế giới rất khác với ta. Những nền giáo dục tiên tiến của các nước phát triển xây dựng trên xuất phát điểm là họ đã có một xã hội đô thị hóa rồi, công nghiệp hóa rồi, bây giờ người ta chỉ còn lo hiện đại hóa và hội nhập.

Còn xuất phát điểm của chúng ta là xã hội nông thôn, con người nông dân. Mà giữa nông thôn với đô thị, nông dân với thị dân, nông dân với công nhân thì văn hóa (suy nghĩ, hành động, ứng xử...) khác nhau rất nhiều. Tức là chúng ta bị hụt hẫng, có một khoảng cách rất xa về văn hóa - con người.

Ở các nước phát triển, khi người ta đã có xã hội công nghiệp - đô thị rồi thì con người rất tự giác, trung thực, tổ chức xã hội rất ổn định, nề nếp. Dễ hiểu là vì sao người ta chỉ cần lo phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Còn chúng ta không được như vậy… Thế nên, có đổ bao nhiêu tiền vào giáo dục cũng như muối bỏ bể. Bởi khoảng hụt hẫng giữa ta và thế giới là hụt hẫng về văn hóa - con người, chứ không phải là chương trình, SGK, càng không phải là tiền bạc. Mà xây dựng văn hóa - con người với những phẩm chất cần có của một xã hội đô thị và công nghiệp thì phải bắt đầu từ việc thay đổi một cách cơ bản triết lý giáo dục.

Trong các cuộc cải cách giáo dục cũng đã có bàn đến triết lý giáo dục, có đề ra một loạt những phẩm chất muốn hướng tới. Ông có ý kiến gì về điều này?

- Những phẩm chất và triết lý từng được nêu ra đều là tham khảo của thế giới.

Chẳng hạn, triết lý giáo dục mà nhiều người thường nhắc đến là triết lý do UNESCO đề xuất: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. 

Rất hay, rất thực tế, nhưng là thực tế phù hợp với xuất phát điểm của thế giới chứ không phù hợp với xuất phát điểm của ta, vì vậy mà càng cải cách càng rối.

Thực tế phù hợp với xuất phát điểm của chúng ta là như thế nào, thưa ông?

- Nếu xuất phát điểm của chúng ta là văn hóa - con người nông nghiệp - nông thôn và triết lý giáo dục xây dựng nên văn hóa - con người ấy là “con ngoan, trò giỏi”, thì cần xây dựng một triết lý mới bám sát vào thực tế ấy mới tạo nên được sự thay đổi. Con ngoan cần đổi thành con có bản lĩnh, trò giỏi cần đổithành trò sáng tạo.

imgHệ giá trị Việt Nam truyền thống cốt lõi (Trần Ngọc Thêm2015)

Bởi vì nếu ngoan là biết vâng lời, thì có bản lĩnh là biết và dám phản biện.

 Cần dạy cho trẻ em suy nghĩ bằng cái đầu của mình về tất cả những gì mà cha mẹ, thầy cô nói ra, về mọi thứ mà các em quan sát thấy ngoài xã hội. 

Dạy cho các em cách suy nghĩ, cách bình luận, phê phán, đưa ra ý kiến của mình, tức là sáng tạo. Giỏi không phải theo kiểu học thuộc bài nữa mà có ý kiến riêng, có tìm tòi, tức là sáng tạo.

Cha mẹ, thầy cô phải khuyến khích điều đó. Tập cho trẻ cách tư duy sao cho sắc sảo, lập luận sao cho chặt chẽ, thuyết phục.

Bản lĩnh là “dũng”, sáng tạo là “trí”, mang cái “trí” và “dũng” ấy phục vụ cho cộng đồng là “nhân”. 

Đi đến ba chữ “dũng-trí-nhân” không phải là trở lại với Nho giáo (kiểu Hán Nho: “Nhân-lễ-nghĩa-trí-tín”), cũng không hoàn toàn là trở lại với Khổng tử. 

Khổng tử bắt đầu bằng “nhân” vì văn hóa phương Bắc vốn quá thiên về dũng mà thiếu tình người. Còn văn hóa chúng ta thì ngược lại, mọi thứ đều lấy tình cảm làm đầu nên phải bắt đầu từ “dũng”.

10 giá trị cốt lõi để “lấp khoảng trống”

img

Hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm (Trần Ngọc Thêm2015)

Vậy thì những giá trị nào mà con người Việt Nam cần có trong giai đoạn hiện nay, cũng như để hướng tới sự hội nhập toàn cầu, thưa ông?

- Trong công trình của mình, tôi có đề xuất hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện gồm 35 giá trị, và hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm gồm mười giá trị.

Mười giá trị này chia thành năm cặp, bao gồm một cặp giá trị xã hội và bốn cặp giá trị cá nhân.

Cặp hai giá trị xã hội “dân chủ” và “pháp quyền” là cặp rất quan trọng. Dân chủlà tổ chức xã hội từ dưới lên trên. Pháp quyền là tổ chức xã hội từ trên xuống dưới. Quản lý phải theo đúng luật, mọi thứ tình cảm phải để ra ngoài. Thực hiện được cặp giá trị xã hội này sẽ là nền tảng cho việc thực hiện những giá trị khác, và bảo đảm cho việc lấp đầy khoảng hụt hẫng về văn hóa - con người.

Còn lại bốn cặp giá trị con người cá nhân là gì?

- Cặp thứ nhất là nhân ái và yêu nước. Đây là hai giá trị truyền thống điển hình, nhưng phải thay đổi nội hàm của nó. Yêu nước truyền thống là yêu nước trong chiến tranh. Yêu nước mới phải là cả trong chiến tranh và hòa bình. Nhân ái truyền thống là nhân ái của văn hóa làng xã giữa những người quen thân nhau, với người lạ thì vô cảm. Nhân ái mới phải là nhân ái trên tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội, đi ra đường cũng phải thương yêu giúp đỡ nhau.

Cặp thứ hai là trung thực và bản lĩnh. Thời hội nhập con người rất cần những giá trị này; không trung thực không làm việc được với ai, không có niềm tin làm gì có bạn bè. Và để trung thực cần phải bản lĩnh, biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình.

Cặp thứ ba là trách nhiệm và hợp tác, là hai giá trị của con người trong quan hệ với đồng loại.

Cặp thứ tư là tính khoa học và sáng tạo. Thời buổi kinh tế tri thức làm việc phải khoa học, cái gì cũng phải xem xét tính toán cân nhắc sao cho logic chặt chẽ.

Năm cặp giá trị này là những giá trị tối thiểu; tùy theo yêu cầu cụ thể, có thể có những bổ sung. Năm cặp giá trị này cần được thực hiện không chỉ trong giáo dục mà cần đưa vào tất cả các cơ quan đoàn thể, các cấp các ngành. Nếu đâu đâu cũng thực hiện được năm cặp giá trị này, chắc chắn sẽ thành công.

Xin cảm ơn ông.

GS. Nguyễn Thế Hữu, nguyên Giám đốc ĐH Huế, có bày tỏ sự ngạc nhiên khi giáo dục của chúng ta không nhắc đến phẩm chất cao thượng của con người. Ông Hữu đặt câu hỏi: “Vì chúng ta quên hay vì chúng ta không còn lòng tin con người có thể cao thượng?”.

Nếu câu hỏi này đặt ra cho ông, ông sẽ trả lời như thế nào?

Tôi không thích lắm phẩm chất “cao thượng”. Tôi thích từ mà đạo diễn Trần Văn Thủy từng dùng làm tiêu đề cho phim của mình hơn – đó là sự “tử tế”. “Cao thượng” xác lập vị thế đứng trên và cho đi. Còn “tử tế” là quan hệ giữa những người cùng chung sống.

Văn hóa âm tính hay nói đến sự cho đi, nhưng thực ra cho đi vẫn chứa đựng suy nghĩ về lấy lại. Ở Việt Nam ta, mỗi khi nhà ai có cưới hỏi, tang ma thì mọi người thân quen đều xúm lại giúp đỡ. Nhưng đừng quên rằng sau mỗi cuộc tang ma hay hôn nhân, gia chủ sẽ phải ngồi lại ghi sổ từng người một đã giúp mình bao nhiêu, để sau này còn có trách nhiệm trả lại bằng hoặc cao hơn.

Vì sao người Việt Nam ngồi ăn với nhau anh nào cũng tranh nhau trả tiền? Có phải hoàn toàn vì cao thượng hay không? Thực ra là vì trong tiềm thức có nguyên nhân từ văn hóa: Người trồng lúa nước vốn ở yên một chỗ, gắn bó lâu dài. Trong quan hệ ngang bằng, ai chi tiền thì người đó nắm lợi thế, tạo ra ơn nghĩa để thắt chặt quan hệ. Người kia mang mặc cảm của người mắc nợ và phải tìm cơ hội để mời lại. Nếu có người nào đi ăn mà cứ để người khác trả tiền vài lần thì sẽ bị mang tiếng là keo kiệt, “ăn chùa”.

Còn người Phương Tây cùng ăn với nhau xong thì cưa đôi, phần ai người ấy trả, rất tự nhiên và vô tư, vì văn hóa của họ là văn hóa đi, con người luôn di chuyển. Hôm nay gặp nhau đây mà có khi không có cơ hội gặp nhau lần thứ hai, vì vậy ứng xử sòng phẳng, không nợ nần, sẽ khiến cho cả hai đều thấy thoải mái.

Chi Mai (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem