Hanoimilk muốn phát hành 14,4 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ, đẩy mạnh marketing

18/06/2023 06:19 GMT+7
Năm 2023, Hanoimilk lên kế hoạch doanh thu dự kiến 700 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,8% và 33% so với thực hiện năm 2022. HNM dự định phát hành 14,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ.

Ngày 17/6, CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, HNM) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023. Trong năm nay, Hanoimilk tiếp tục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại để tự động hóa, nâng cao công nghệ sản xuất, tăng công suất Nhà máy chế biến Sữa chua ăn và Sữa chua tiệt trùng UHT.

Công ty cũng triển khai đầu tư Dự án trồng cỏ chăn nuôi bò sữa tự nhiên tại Mê Linh, phấn đấu hoàn thành công tác hỗ trợ đền bù và giải phóng mặt bằng trong quý III/2023. Trồng cỏ nuôi bò vào quý IV/2023 và khởi công xây dựng trang trại vào năm 2024.

Công ty xác định năm nay cần tiếp tục đầu tư Ngân sách marketing lớn hơn để PR, quảng cáo cho thương hiệu Hanoimilk cùng với các thương hiệu con IZZi, Yotuti, Dinomilk, Yoha để tăng doanh số bán hàng trong nước và xuất khẩu.

Hanoimilk muốn phát hành 14,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, đẩy mạnh marketing để tăng doanh số - Ảnh 1.

Năm 2023, Hanoimilk lên kế hoạch doanh thu dự kiến 700 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,8% và 33% so với thực hiện năm 2022

Chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cụ thể được thông qua với doanh thu dự kiến 700 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,8% và 33% so với thực hiện năm 2022.

Về phân chia cổ tức năm 2022, Đại hội nhất trí sẽ không chia cổ tức do Công ty vẫn lỗ lũy kế gần 41 tỷ đồng. Công ty cố gắng phấn đầu có lãi trong năm nay và những năm tiếp theo để bù đắp khoản lỗ lũy kế và có nguồn chia cổ tức cho cổ đông.

Đại hội cũng nhất trí với tờ trình phát hành 14,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, cải thiện chỉ số tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, Công ty dự kiến chào bán 10 triệu cổ phiếu. Mục đích chào bán cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn nhằm phục vụ việc mua sắm máy móc thiết bị cho nhà máy chế biến sữa và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Số tiền 100 tỷ đồng dự kiến sẽ dùng 70 tỷ đồng để mua sắm thiết bị máy móc; bổ sung vốn lưu động 30 tỷ đồng.

Kế hoạch này đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhưng do chậm thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm báo cáo và công bố thông tin. Đến ngày 26/4/2023, Công ty mới được chấp thuận và công bố hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Do đó HNM chưa thực hiện được kế hoạch này. Theo đó, trong năm 2023 Công ty sẽ tiếp tục thực hiện xong phương án này.

Phiên thảo luận

- Lô đất cho Công ty cổ phần Thiết bị ô tô Việt Nam thuê đã giải quyết như thế nào?

Hội đồng quản trị cũ do ông Trần Đăng Tuấn làm Chủ tịch có góp vốn và cho Công ty cổ phần Thiết bị Ô tô Việt Nam (EMC) thuê diện tích nhà đất tiếp giáp mặt đường Bắc Thăng Long- Nội Bài, Công ty này đã chây ì chưa trả hết tiền góp vốn, tiền thuê nhà đất và chưa bàn giao diện tích nhà đất đã thuê cho Hanoimilk.

Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường và Thanh tra thành phố Hanoimilk đã tiến hành kiểm tra và có Kết luận thanh tra. UBND Thành phố Hà Nội đã có Văn bản chỉ đạo và giao cho UBND huyện Mê Linh xử lý các vi phạm, trong đó có việc xử lý vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng. Hiện Tổ công tác do UBND huyện Mê Linh quyết định thành lập đang khẩn trương xử lý các vi phạm. Tài sản nhà đất mà Hanoimilk đã cho thuê sẽ được thu hồi và sử dụng đúng mục đích đã được Nhà nước giao và cho thuê đất.

Ngoài ra, Hanoimilk đã khởi kiện đòi tiền chuyển nhượng cổ phần (góp vốn) đối với bà Nguyễn Thị Hồng Yên và EMC tại Tòa án Nhân dân huyện Đông Anh và chuẩn bị xét xử. Hanoimilk cũng đã nộp đơn khởi kiện đòi tiền cho thuê nhà đất đối với EMC và đã được Tòa án Nhân dân huyện Mê Linh tiếp nhận.

- Sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế năm 2022 để trả cổ tức cho cổ đông.

Theo quy định của Pháp luật thì khi Công ty còn lỗ lũy kế sẽ không được chia cổ tức. Công ty cố gắng trong năm 2023 bù đắp hết lỗ lũy kế và sẽ còn một phần lợi nhuận để chia cho cổ đông.

Đối với tổng số nợ hơn 195 tỷ đồng thì 144 tỷ được hoán đổi ngay trong năm nay. Số nợ còn lại của các Ngân hàng (khoảng 64 tỷ đồng) sẽ được trả dần trong năm 2023 và 2024.

- Doanh thu gia công chiếm bao nhiêu % trên tổng doanh thu? Biên lợi nhuận phần gia công là bao nhiêu?

Về tỷ lệ doanh thu gia công chiếm bao nhiêu % trên tổng doanh thu? Chủ tọa Đại hội đã trả lời Cổ đông Nguyễn Thị Hồng Vân nên Cổ đông nhất trí không cần trả lời lại. Biên lợi nhuận gia công chiếm hơn 20% doanh thu gia công.

- Lợi nhuận, doanh thu dự kiến 6 tháng đầu năm 2023.

Dự kiến 6 tháng đầu năm hoàn thành ít nhất 50% kế hoạch doanh thu năm 2023, đạt trên 350 tỷ đồng. Lợi nhuận sơ bộ ước tính đạt khoảng 25-26 tỷ đồng.

- Chúng tôi kiến nghị Hội đồng quản trị, Ban giám đốc nên đầu tư nhiều hơn cho việc PR, quảng cáo thương hiệu để nhân viên có thể bán được nhiều hàng hơn với giá cao hơn.

Chủ tọa Đại hội giải thích thêm rằng từ nhiều năm nay Hanoimilk đã kiên trì đi theo chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng, Công ty đã hy sinh một phần lợi nhuận để làm ra các hộp sữa có chất lượng tốt với giá hợp lý bán cho người tiêu dùng. Chiến lược này đã bước đầu phát huy tác dụng, nhất là từ khi có dịch Covid, do thu nhập bị giảm đáng kể nên người tiêu dùng phải lựa chọn thông minh hơn và họ đã lựa chọn sản phẩm của Hanoimilk. 

Đây là chiến lược phát triển Công ty và phát triển thương hiệu một cách bền vững nhưng sẽ mất rất nhiều năm. Nay, Công ty đã vượt mốc doanh thu 500 tỷ năm 2022 và có cơ hội vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ năm 2023 và các năm tiếp theo nên Công ty có thể dành ngân sách marketing nhiều hơn để đầu tư cho PR, quảng cáo thương hiệu để giúp cho việc bán hàng được thuận lợi hơn và đạt doanh số cao hơn. Tuy vậy, Công ty vẫn tiếp tục kiên trì đi theo chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng.

Với tốc độ phát triển sản xuất kinh doanh như hiện nay, chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng đến hết năm sau Hanoimilk sẽ trả hết khoản nợ gốc của các Ngân hàng (khoảng 64 tỷ đồng) và chia cổ tức cho các cổ đông.


An Vũ
Cùng chuyên mục