Hơn 54.000 doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội

23/08/2023 16:12 GMT+7
Ngày 8/8, Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội đã công bố danh sách các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Tự nguyện... từ 1 tháng trở lên trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tính đến ngày 31/7/2023, theo danh sách được Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội công bố, có tổng số 54.238 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, số tiền chậm đóng nhiều nhất là 54,7 tỷ đồng và thấp nhất là 18.000 đồng.

Dẫn đầu bảng là Công ty cổ phần Anh ngữ APAX (Apax Leaders), một thành viên trong hệ sinh thái Apax Holdings liên quan tới ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) đã đóng chậm 41 tháng với sô tiền lên đến hơn 54,7 tỷ đồng.

Ở vị trí thứ hai, chậm đóng 106 tháng là Công ty Cổ phần LILAMA3 với sô tiền chậm đóng là 43.7 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu VITE Garment (địa chủ: Khu Công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) chậm nộp 39 tháng, số tiền chậm nộp là 33,8 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có thời gian chậm nộp nhất là Công ty CP LISOHAKA. LISOHAKA đã chậm nộp tiền bảo hiểm 188 tháng, số tiền chậm nộp là gần 7,2 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp chậm tiền bảo hiểm trong bối cảnh kinh tế khó khăn

Quay trở lại với Apax Leaders, tại cuộc họp cổ đông và nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn – CEO Apax Leaders cho biết, chuỗi trung tâm tiếng Anh này ghi nhận mức doanh thu tăng liên tục. Cụ thể, doanh thu tăng từ mức 465 triệu đồng vào tháng 4 lên khoảng 2,8 tỷ đồng vào tháng 7.

Trước đó, Apax Leaders ghi nhận doanh thu bằng không do nhiều bê bối chất lượng giảng dạy không đồng đều, nợ lương giáo viên khiến thiếu hụt người giảng dạy, chậm bồi thường học phí cho phụ huynh khi đóng cửa chi nhánh.

Hơn 54.000 doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội - Ảnh 1.

Danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội được công bố. Nguồn: BHXHHN.

Ở vị trí thứ 4 trong danh sách là Công ty Cổ phần Cầu 12 (UPCoM: C12) chậm nộp bảo hiểm 77 tháng với số tiền là 30,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp xây dựng và bất động sản này chưa thể tổ chức Đại hội cổ đông năm 2023.

C12 xin hoãn tổ chức đến trước ngày 31/12/2023. Nguyên nhân được đưa ra là do C12 chưa thể hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán các năm từ 2019 – 2022. Bên cạnh đó, Công ty cần thời gian để chuẩn bị nhân sự tham gia HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.

Do chưa công bố BCTC kiểm toán, cổ phiếu C12 trên sàn UPCoM tiếp tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) duy trì diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần).

Một cái tên nữa trong ngành Xây dựng và Bất động sản là CTCP Sông Đà 6 (HNX: SD6) đang đóng chậm 39 tháng với số tiền là 21,2 tỷ đồng. Trong quý II, Sông Đà 6 báo lỗ hơn 32,7 tỷ đồng, cùng kỳ lãi mỏng 221,6 triệu đồng.

Sông Đà 6 giải trình do thực hiện quyết toán 2 công trình thủy điện với chủ đầu tư, bên cạnh đó, do công tác thi công không theo đúng tiến độ nên việc chậm tiến độ thi công so với kế hoạch làm phát sinh thêm các khoản chi phí, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Ngoài ra, do chưa thu xếp được về nguồn vốn nên Chủ đầu tư các công trình tại Lào và Kon Tum đã giãn tiến độ thi công, ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu.

Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (UPCoM: HNM) cũng ghi danh trong danh sách này. Nhìn vào kết quả kinh doanh quý II cho thấy, Sữa Hà Nội báo lãi đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế bán niên 2023, HNM ghi nhận doanh thu tăng 33,3%; lợi nhuận tăng 53% lên hơn 25 tỷ đồng. Dù vậy, Sữa Hà Nội vẫn xếp ở vị trí số 8 với số tiền chậm trả lên đến hơn 20,5 tỷ đồng, chậm trả 41 tháng.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục