Nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn trở thành hàng hóa

Chiến Hoàng Thứ hai, ngày 20/06/2022 15:36 PM (GMT+7)
Để sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn trở thành hàng hóa, nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực trong việc quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đầu tư về trang thiết bị, đào tạo nâng cao nhận thức, năng lực cho người lao động và thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại.
Bình luận 0

Biến nông sản trở thành hàng hóa

Những năm qua, ngành nông nghiệp Bắc Kạn đang dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hoạt động chế biết nông sản, tổ chức sản xuất hàng hóa bước đầu đã có sự liên kết giữa các khu vực nông thôn. Đây cũng là kết quả của sự nỗ lực biến nông sản trở thành hàng hóa theo chuỗi giá trị của tỉnh Bắc Kạn.

Nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn trở thành hàng hóa - Ảnh 1.

Vùng chuyên canh cây lúa bao thai huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn: Ảnh: Đại Lượng

Với những điều kiện thuận lợi để phát triển các cây đặc sản, đặc hữu như khẩu nua Lếch Ngân Sơn, gạo bao thai Chợ Đồn, bí xanh thơm Ba Bể, hồng không hạt, quýt Quang Thuận… Tỉnh Bắc Kạn đã và đang nỗ lực biến những sản phẩm nông nghiệp của địa phương trở thành hàng hóa.

Thông qua việc tổ chức, đưa các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại hội chợ của tỉnh, khu vực và toàn quốc, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đã từng bước xuất hiện tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm dừng chân và thậm chí xuất khẩu được sang châu Âu.

Đặc biệt, sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể đã nhiều năm được trưng bày tại các gian hàng của một số siêu thị lớn ở Hà Nội và có thị trường tương đối ổn định, giúp sản phẩm bí xanh thơm có cơ hội phát triển theo chuỗi giá trị, gây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn trở thành hàng hóa - Ảnh 2.

Vườn bí xanh thơm nhà bà Đoàn Thị Tuyền, thôn Bản Váng, xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Mở ra cơ hội mới

Theo thống kê của ngành chuyên môn tỉnh Bắc Kạn, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 3.000 ha lúa có chất lượng cao, hơn 3.100 ha cây cam quýt, 680 ha hồng không hạt, 290 ha cây mơ vàng, hơn 1.000 ha dong riềng…

Trong đó có không ít sản phẩm được bảo hộ thương hiệu, cấp chỉ dẫn địa lý như: cam quýt Bắc Kạn, hồng không hạt, gạo Bao Thai Chợ Đồn, nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn... Hiện Bắc Kạn có 155 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao đến 5 sao.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nông sản còn khá hạn chế, hầu hết chỉ là những thị trường lân cận của tỉnh, việc đưa sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn vào các siêu thị cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về thiết bị, máy móc chế biến sâu, việc phát huy các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý chưa được mạnh.

Nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn trở thành hàng hóa - Ảnh 3.

Sản phẩm Tinh bột nghệ của Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết, bên cạnh thành tựu đạt được trong sản xuất nông lâm sản, thời gian vừa qua còn có những khó khăn, hạn chế nhất định như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu ốn định.

Ông Cương đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để có giải pháp khắc phục. Theo ông Cương, sự gắn kết giữa hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực sự bền vững, đặc biệt là trong việc liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm sản xuất chưa đồng đều về chất lượng cũng như mẫu mã, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chi sẻ, chúng tôi mong muốn rằng, thông qua việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, qua các hội chợ cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng sản phẩm của chúng tôi sẽ được người tiêu dùng biết đến, và đặc biệt là các chuỗi siêu thị, cửa hàng, tổ chức bán lẻ sẽ quan tâm, ký kết những hợp đồng dài hạn.

Nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn trở thành hàng hóa - Ảnh 4.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn trở thành hàng hóa. Ảnh: Chiến Hoàng

Việc công bố thành lập cụm công nghiệp Cẩm Giàng và cụm công nghiệp Quảng Chu đã cho thấy nỗ lực của tỉnh Bắc Kạn trong việc thu hút các nhà đầu tư trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến để biến sản phẩm nông, lâm sản của Bắc Kạn trở thành sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và đủ điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài.

Việc tuyên truyền, vận động các hộ nông nghiệp mạnh dạn dầu tư, thay đổi tư duy, nhận thức để sản xuất nông sản, thực phẩm sạch an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường cùng với việc thành lập hai cụng công nghiệp đang hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho ngành nông nghiệp Bắc Kạn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem