Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đi cơ sở: Xem bồ thóc, mâm cơm thế nào

Thu Hà ghi Thứ ba, ngày 02/10/2018 11:16 AM (GMT+7)
"Đặc biệt, đồng chí Đỗ Mười rất quan tâm đến chất lượng đời sống của nông dân. Mỗi khi đi cơ sở, nhất là đi đến vùng sâu vùng xa, đồng chí chú ý đến chất lượng bữa ăn của đồng bào dân tộc bằng cách xem trong buồng có thóc không, hay mở mâm cơm ra xem thế nào..."-ông Nguyễn Đức Triều, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, ông Nguyễn Đức Triều rất buồn, vì thế những kỷ niệm về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười càng hiện lên rất rõ ràng...
Bình luận 0

Sinh thời, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất quan tâm tới nông dân, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về nông thôn, đến với bà con nông dân với phong thái gần gũi...

"Tôi còn nợ nông dân nhiều quá..."

Đồng chí Đỗ Mười là một con người tiêu biểu cho mẫu mực của người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đồng chí là nhà lãnh đạo tài năng, tư duy nhạy bén, sắc sảo, lý luận gắn liền với thực tiễn sâu sát thực tế, sống gần dân, thân dân, con người luôn luôn suy tư hành động, hành động quyết liệt, hết lòng vì nước vì dân.

img

Ảnh: Tư liệu của ông Nguyễn Đức Triều với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Đặc biệt, trên bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí Đỗ Mười cũng dành nhiều thời gian đi cơ sở để nắm chắc tình hình, giúp Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách thiết thực cho nông nghiệp. Đồng chí đánh giá rất cao vai trò của nông dân. Giai cấp nông dân Việt Nam chiếm số lượng lớn trong cơ cấu dân số và cơ cấu xã hội nghề nghiệp. Họ là quân chủ lực, giàu lòng yêu nước, đi theo cách mạng, bảo vệ cách mạng, theo Đảng đến cùng.

Khi cách mạng thành công, người nông dân đã có ruộng. Tuy vậy, đại đa số nông dân còn nhiều khó khăn. Trong nhiều cuộc họp đồng chí Đỗ Mười rất trăn trở, nói lên suy nghĩ của mình, đại ý: “Tôi còn nợ nông dân nhiều quá! Một bộ phận nông dân còn nghèo, mù chữ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”.

Khi làm Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), rồi trên cương vị cao lãnh đạo cao nhất của Đảng – Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã luôn suy nghĩ bằng mọi cách tiếp tục nghiên cứu về quy hoạch phát triển kinh tế nói chung, nhất là về quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, đồng chí Đỗ Mười đặc biệt quan tâm đến quy hoạch thủy lợi.

Những đề xuất của đồng chí Đỗ Mười về vấn đề thủy lợi đã được đưa vào nghị quyết của các hội nghị Trung ương, cũng như các kỳ đại hội của nông dân. Trong những năm làm Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và cho đến sau này là Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã đi nhiều nơi trên đất nước và có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng các công trình thủy lợi như: Thạch Nham, Dầu Tiếng…; thủy điện như: Thác Bà, Hòa Bình… Hệ thống thủy điện, thủy lợi đã giúp nông dân  chủ động tưới, tiêu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Khi làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Đỗ Mười càng quan tâm đến phát triển nông nghiệp nhiều hơn. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng đồng chí vẫn đi đến các tỉnh.

Mỗi lần đi cơ sở gặp bà con nông dân đồng chí thường dành nhiều thời gian trò chuyện với bà con nông dân để nghe bà con chia sẻ những mặt thuận lợi, khó khăn trong sản xuất nông; những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào thực tế cuộc sống đến đâu; vấn đề được mùa mất giá, được giá mất mùa thì còn diễn biến như thế nào, nâng trình độ của bà con nông dân lên được khá chưa, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa?

img

Ông Nguyễn Đức Triều lưu giữ rất nhiều ảnh kỷ niệm về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với nông dân, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.

Đặc biệt, đồng chí Đỗ Mười rất quan tâm đến chất lượng đời sống của nông dân. Mỗi khi đi cơ sở, nhất là đi đến vùng sâu vùng xa, đồng chí chú ý đến chất lượng bữa ăn của đồng bào dân tộc bằng cách xem trong buồng có còn thóc không, hay mở mâm cơm ra xem bà con ăn uống thế nào.

Theo đồng chí Đỗ Mười, vấn đề kinh tế hộ rất quan trọng, nhưng nếu chỉ phát triển kinh tế hộ sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước. Đồng chí Đỗ Mười nhấn mạnh cùng với phát triển kinh tế hộ cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết liên doanh với nhau và có văn hóa trong liên doanh liên kết thì mới tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Từ đó, gợi mở cho địa phương cùng với Nhà nước ghé vai vào gánh vác cùng với nông dân.

Còn mãi lời động viên, khuyến khích nông dân

Mỗi khi có Hội nghị biểu dương nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tôi và các đồng chí Thường trực T.Ư Hội NDVN đến mời Tổng Bí thư dự hội nghị. Đồng chí Đỗ Mười rất phấn khởi. Đồng chí Đỗ Mười nói: Hội nghị biểu dương nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi nhất định tôi sẽ đến.

img

Ảnh lưu niệm về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với Hội Nông dân Việt Nam do ông Nguyễn Đức Triều lưu giữ.

Ngày diễn ra hội nghị, khi đồng chí Đỗ Mười bước vào hội trường, hàng trăm đại biểu nông dân đồng loạt đứng dậy, nhiều tiếng vỗ tay vang lên. Nhiều đại biểu, nhất là những nông dân giỏi người dân tộc thiểu số, vùng xa, đến từ Tây Nguyên, miền Nam rất xúc động. Nói chuyện với nông dân, đồng chí rất cởi mở và căn dặn những việc rất chi tiết, tỉ mỉ và thực tế. Chính vì thế, các đại biểu nông dân nhìn thấy đồng chí là xúm lại vây quanh để được nghe đồng chí nói chuyện.

Tôi hết sức cảm động khi mỗi khi được đồng chí Đỗ Mười gọi đến báo cáo về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng chí Đỗ Mười thường nhắc: “Ông là thủ lĩnh nông dân, ông xem lãi ròng của nông dân bao nhiêu? Một ha các ông tính ra bao nhiêu ngày công? Hiệu quả ra sao? Bộ máy lãnh đạo ở nông thôn như thế nào? Dân có tin Đảng không? Đảng có tin dân không? Các cậu phải nhớ dân chủ là động lực, là mục tiêu của cách mạng? Đặc biệt, các cậu phải quan tâm đến mô hình mới, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nông dân ta rất năng động, chính nông dân đã sáng chế ra máy bóc đỗ, máy cày. Ông Nghĩa ở Long An còn cải tiến máy gieo hạt...".

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn căn dặn chúng tôi: "Cán bộ Hội Nông dân phải tâm huyết làm việc, trách nhiệm cao, đi sâu đi sát cơ sở; phải nâng cao hiểu biết kiến thức để phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng và lan tỏa những điển hình, mô hình tiêu biểu...".

Hay những lần đến dự Đại hội của Hội Nông dân Việt Nam, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn nhấn mạnh, các cấp Hội Nông dân phải đổi mới nội dung phương thức, hoạt động theo hướng thiết thực, đáp ứng lợi ích và nhu cầu của nông dân, giải quyết những việc mà nông dân mong đợi.

Còn nhớ ngày 18/11/1993, đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Đỗ Mười đã đánh giá cao vai trò, vị trí của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh; tích cực vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất giỏi kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vũng; nông dân thi đua tham gia xây dựng nông thôn mới… góp phần tích cực tạo ra những chuyển biến trong nông nghiệp, nông thôn.

img

Nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, ông Nguyễn Đức Triều rất buồn. Những ký ức của ông về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười hiện lên rất rõ và ông kể về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với nhiều câu chuyện cảm động liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam.

Theo nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, trong nông thôn đang diễn ra xu hướng phát triển kinh tế hàng hóa, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, với sự khôi phục, nâng cao các nghề truyền thống và sự xuất hiện nhiều ngành nghề mới từ trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp đến công nghiệp, dịch vụ… rất phong phú và đa dạng. Sản xuất càng phát triển, phân công lao động càng sâu rộng thì nông dân càng có nhu cầu hợp tác để tạo điều kiện phối hợp trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nau phát triển sản xuất.

Theo đồng chí Đỗ Mười, để đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH nông nghiệp, bản thân nông dân phấn đấu sản xuất tốt chưa đủ, mà cần phải có sự tham gia liên kết tích cực giữa nhà nông với nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước.

Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười dặn dò, để hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam phải tự đổi mới tìm tòi cách thức tổ chức, xác định nội dung hoạt động thiết thực và phù hợp, đáp ứng những lợi ích kinh tế - xã hội thân thiết của nông dân, tạo ra động lực mạnh mẽ trong từng hộ, từng thôn xóm, từng tổ chức hợp tác. Trên cơ sở đó mà củng cố tổ chức Hội, thu hút đông đảo nông dân vào Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh trên khắp các địa bàn, trong các ngành nghề và các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở nông thôn.

"Nghe những lời của Tổng Bí thư Đỗ Mười dặn dò, chúng tôi rất thấm thía. Từ tấm gương và những lời căn dặn của đồng chí Đỗ Mười đã giúp tôi và cán bộ Hội Nông dân Việt Nam phấn đấu rèn luyện; nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm phục vụ nông dân ngày một tốt hơn. Đồng chí Đỗ Mười là một nhà lãnh đạo của Đảng luôn dành nhiều tình cảm và trí tuệ cho nông dân, Hội Nông dân Việt Nam. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã ra đi nhưng hình ảnh, lời nói của đồng chí với giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam sẽ mãi còn ở lại…", ông Nguyễn Đức Triều, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem