Vụ việc mới nhất - hai chị em sinh năm 2004 và 2008 bị bố bạo hành dã man xảy ra ngay giữa thủ đô, ở quận Long Biên, và chỉ bị phát giác khi bà ngoại của hai cháu gửi đơn kêu cứu. Theo những người hàng xóm, hai cháu bé thường xuyên bị bố “đấm, đá, tát, đập đầu vào tường, dùng gậy sắt vụt vào người con đến mức cong cả cây gậy” vì những lý do rất nhỏ nhặt. Những trận đòn dã man khiến hàng xóm chỉ “nghe âm thanh cũng thấy rùng mình”.
Trước đó khoảng 1 tuần, là vụ việc còn đau lòng hơn ở Cần Giuộc (Long An), khi một bé gái 10 tuổi bị chính cha đẻ hiếp dâm nhiều lần trong một thời gian dài. Vụ việc vỡ lở khi chính bé gái không chịu đựng được, đã chạy qua nhà một người hàng xóm khóc kể lại sự việc, được chị này ghi lại clip dài hơn 4 phút đăng lên mạng. Công an huyện Cần Giuộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giữ hình sự người cha thú tính này.
Những vết thương của hai cháu nhỏ bị bố bạo hành dã man ở Long Biên, Hà Nội và lá đơn kêu cứu của bà ngoại.
Một ngày trước đó, trên diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam công bố con số mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó 1.300 - 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục và ông nói đây chỉ là “tảng băng chìm” mà thôi.
Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết trong 6 tháng đầu năm 2018, Viện đã truy tố 753 vụ với 805 bị can, đưa ra xét xử 648 vụ, 690 bị can. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay giai đoạn 2013 - 2017, ngành tòa án đã xét xử 8.100 tội phạm liên quan xâm hại tình dục trẻ em và có 549 vụ việc tòa phải trả hồ sơ (chiếm khoảng 6,6%).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thì cho hay số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2017 đã giảm 7,74%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận diễn biến xâm hại tình dục trẻ em rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái mà cả trẻ em trai cũng bị.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt câu hỏi: “Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách chứ không chỉ riêng Bộ LĐTBXH, nhưng dường như các gia đình nạn nhân mà tôi gặp rất đơn độc”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga còn chỉ rõ một số vụ việc cơ quan tư pháp không tích cực, chỉ khi dư luận bức xúc, có ý kiến của lãnh đạo cấp cao, như vụ việc ở Cà Mau phải khi Thủ tướng có ý kiến rồi dư luận lên án mới vào cuộc. Khi đó, nạn nhân đã tự tử.
Hay vụ việc Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu cũng phải khi Chủ tịch nước có ý kiến và dư luận sục sôi phản đối mới được giải quyết thấu đáo. “Vậy những vụ mà lãnh đạo cấp cao không có ý kiến, dư luận không vào cuộc thì sao?”, bà Lê Thị Nga chất vấn.
Bé 10 tuổi kể lại việc bị cha xâm hại nhiều lần ở Long An (ảnh cắt từ clip).
Cũng cần nhắc lại rằng, ngoài 17 cơ quan phụ trách vấn đề trẻ em, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào.
Việt Nam cũng đã xây dựng khung pháp lý để bảo đảm mọi trẻ em có môi trường sống an toàn như: Luật Trẻ em 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em… Đặc biệt, tổng đài điện thoại quốc gia về trẻ em đang chuẩn bị được vận hành. Là chưa nói “khung pháp lý để xử lý tình trạng trên là hoàn toàn đầy đủ” theo như khẳng định của Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung.
Vậy 17 cơ quan và những bộ luật, nghị định đang làm gì, vận hành như thế nào để xảy ra con số 2.000 vụ trẻ em bị bạo hành, trong đó có 1.500 vụ là xâm hại tình dục mỗi năm và “nhiều vụ việc kéo dài, chưa được xử lý nghiêm minh. Nhiều vụ việc khi có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao mới được xử lý” như thừa nhận của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung? Và ông “đề nghị các ngành, cơ quan chức năng kiểm điểm, đánh giá lại hoạt động của mình”!
Có thể, mới hơn 2 tuần, việc “kiểm điểm, đánh giá” chưa kịp thực hiện, khi hai đứa trẻ bị bố đánh dã man ở ngay thủ đô, những người hàng xóm đã báo với chính quyền địa phương, “nhưng sau 2 lần trình báo từ khoảng 17h, thì đến hơn 20h tối cùng ngày, cơ quan chức năng mới có mặt. Lúc đó ông bố đã bỏ đi…”, đến giờ vẫn chưa thấy tung tích. Chủ tịch phường sở tại thì “mới chỉ nắm được thông tin vào ngày nhận được trình báo, do gia đình anh này mới chuyển đến tạm trú tại phường được 1-2 tháng”. Trong khi hàng xóm cho biết anh này và các con đã chuyển đến đây sinh sống gần 2 năm và thường xuyên đánh đập con dã man từ đó tới nay. Phó chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội của phường còn bảo “ông ấy đánh thật nhưng không đến nỗi gọi là bạo hành, đánh con nhưng vẫn thương con… ".
Vụ việc cháu bé 10 tuổi bị cha xâm hại ở Long An, đau lòng hơn, khi nhiều người ở ấp có nghe chuyện, còn chính quyền xã không hay biết. Người hàng xóm giúp phanh phui sự việc, trong cuộc nói chuyện với một người được cho là cán bộ ấp, cho hay đã có người ở ấp báo lên chính quyền. Còn chị đã chọn cách khác, là tung clip lên mạng để bảo vệ cô bé, bảo vệ những đứa con, đứa cháu trong xã được sống bình yên, dù chị cũng “mệt dữ lắm”, bị phiền toái, áp lực sau khi tung clip.
Có thể, rồi đây, khi “các ngành, cơ quan chức năng kiểm điểm, đánh giá lại hoạt động của mình”, các nạn nhân và gia đình họ sẽ không còn đơn độc nữa. Nhưng liệu có kiểm điểm, đánh giá nào có thể giúp được những đứa con phòng tránh được đòn roi, móng vuốt của chính những người cha ruột đẻ ra mình như cô bé 10 tuổi ở Long An hay hai chị em ở Long Biên, Hà Nội?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.