Muốn có 5 triệu Đảng viên chất lượng, cần dựa vào dân giám sát giúp

Quốc Phong Thứ sáu, ngày 04/01/2019 18:37 PM (GMT+7)
Hai năm qua được coi là “giông bão” với con số kỷ lục cán bộ cao cấp bị kỷ luật, nhưng chúng ta vẫn cứ phải làm và sẽ còn làm tiếp, vì chỉ có như vậy, nội bộ Đảng mới có thể sạch sẽ và mạnh lên, từ đó sẽ được dân tin, dân yêu hơn.
Bình luận 0

Đã nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” của quá trình  chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á, chúng ta chỉ  có 5 ngàn Đảng viên Cộng sản, bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng khi ấy bị địch bố ráp, bắt bớ và giết hại vô cùng tàn khốc, gần như Ban Thường vụ Trung ương ngày đó chỉ còn vài người, thế mà Đảng ta, đứng đầu là Tổng bí thư Trường Chinh vẫn có niềm tin lớn lao ở dân và đã thành công vang dội? 

Phải chăng, lúc đó tuy chỉ có 5 ngàn đảng viên thôi nhưng đó lại chính là 5 ngàn “bó đuốc” rực sáng trên bầu trời Việt Nam đang u ám vì lầm than do mất nước. 5 ngàn “bó đuốc” ấy đủ để soi đường giúp cách mạng tiến lên và làm nên những điều kỳ diệu, giành độc lập về cho dân tộc. Ngoài mục tiêu cao cả đó ra, họ không có mục tiêu và ham muốn vật chất nào khác cho cá nhân họ.

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Ban Bí thư Trung ương để cho ý kiến Tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Còn hôm nay, sau 88 năm hoạt động, với gần 5 triệu đảng viên mà sao có vẻ như Đảng ta không thật mạnh? Số cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất và đã sa ngã bởi quyền lực cùng vật chất ngày một nhiều (nói theo nghị quyết và văn kiện Đảng thì đó là một bộ phận không nhỏ). 

Phải chăng đã có điều gì không ổn ngay trong khâu phát triển đảng và có tư tưởng chạy theo số lượng? Cách “phân bổ” chỉ tiêu phát triển Đảng nhiều khi còn nặng hình thức. Điều này khiến cho chất lượng đảng viên kết nạp mới đuối dần khi mà cơ sở đó đã hết người thực lòng muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng để phấn đấu phụng sự Tổ quốc và nhân dân. 

Phải chăng vì Đảng lâu nay đã có dấu hiệu của việc xa dân, ít chịu lắng nghe dân phản ánh tâm tư nguyện vọng của mình cũng như phản ánh những gì dân thấy chưa được hay về hình ảnh, về phẩm chất của người đảng viên quanh họ?

 Những đảng viên này đã thiếu gương mẫu để cho họ học và làm theo, để rồi dân với Đảng cứ có gì đó dần xa nhau...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính vừa mới đây cho biết, trong quý I.2019, ngành Tổ chức Xây dựng Đảng phải tham mưu cấp ủy tiếp tục xây dựng, củng cố các loại hình tổ chức cơ sở Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Ban Bí thư, với sự tham mưu của ngành này, đang chuẩn bị ban hành Chỉ thị Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng...

Tôi thấy điều này rất đúng, rất cần thiết và quả thật cũng rất mừng. Nhất là vào thời điểm chúng ta đang ở giai đoạn bản lề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khoá tới, cần tinh lọc đội ngũ lãnh đạo tinh tuý, chất lượng hơn.

Tôi được biết, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng dự thảo chỉ thị nói trên theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Quá trình xây dựng, Ban đã nghiên cứu báo cáo từ 68 tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, khảo sát tại 10 Đảng bộ trực thuộc Trung ương. Kết quả cho thấy số lượng đảng viên thì tăng, nhưng công tác kết nạp đảng viên và sàng lọc, đưa ra những người không còn đủ tư cách chưa kịp thời. Tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận cán bộ chưa được ngăn chặn.

Tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo chỉ thị ngày 18.12.2018, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác cán bộ tuy được bàn nhiều, nhưng công tác đảng viên còn ít bàn đến, mặc dù nó rất quan trọng. Hiện cả nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có khoảng 5 triệu đảng viên, "đông nhưng không mạnh" - ông nhận xét.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải nâng cao chất lượng đảng viên, vì "đảng viên tốt mới có cán bộ tốt; chi bộ tốt thì Đảng mới mạnh, mới lãnh đạo đất nước phát triển". 

Tổng bí thư chỉ đạo phải nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, sàng lọc, kiên quyết đưa ra những người không còn đủ tư cách, động cơ không trong sáng, "vào Đảng không phải để chiến đấu hy sinh mà để được đề bạt, lên lương, thăng quan tiến chức..." thì quả là nguy cơ cho Đảng sau này. Và mấu chốt của sự suy thoái trong Đảng cũng là đây mà ra. 

img

5 Ủy viên Trung ương Đảng và cả Ủy viên Bộ Chính trị đương chức bị kỷ luật trong 2 năm qua.

Theo số liệu từ báo cáo, đến hết năm 2017, toàn Đảng đã có gần 5 triệu đảng viên. Trong các năm 2011-2017, gần 51.000 người bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên, trong đó xóa tên do vi phạm là hơn 38.519; gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ.

Năm 2017 và 2018 vừa qua có lẽ là năm “giông bão” với con số kỷ lục khi có đến 5 Ủy viên Trung ương Đảng và cả Ủy viên Bộ Chính trị đương chức bị kỷ luật và 4 trong số này ở mức cách chức, miễn chức hoặc vướng vòng lao lý.  Nhiều cán bộ cao cấp khác thuộc diện Ban bí thư quản lý cũng bị đưa “vào lò”, nhiều hơn cả mấy chục năm trước cộng lại.

“Đau xót lắm  đấy!” - nói như Tổng bí thư hôm kết luận Hội nghị Trung ương 7. Thế nhưng vì sự sống còn của chế độ, chúng ta vẫn cứ phải làm và sẽ còn làm tiếp. 

Chỉ có như vậy, nội bộ Đảng mới có thể sạch sẽ và mạnh lên, từ đó sẽ được dân tin, dân yêu hơn. Thực tế cũng đã chứng minh rất rõ hiện tượng này. Sau nhiều chục năm, chưa khi nào trong con mắt của người dân, uy tín của Đảng, Chính phủ được lấy lại nhanh và thực chất đến vậy. 

Nguyễn Trãi từng lưu ý với hậu thế: Trong lịch sử, người đẩy thuyển chính là dân mà người lật thuyền cũng chính là dân...

Nhà sử học Đặng Huy Vận (1930-1969) đã ghi lại trong di cảo của mình (sắp được xuất bản) những chuyện thú vị mà Phan Bội Châu cách đây cả trăm năm từng viết, bây giờ xem ra vẫn cứ là chuyện nóng hổi đầy tính thời sự.

Nhà chí sĩ yêu nước họ Phan từng viết: "Không có nhân dân thì đất đai không thể còn, chủ quyền không thể lập. Nhân dân còn thì nước còn, nhân dân mất thì nước mất. Muốn biết nhân dân còn mất như thế nào phải xem quyền dân còn mất như thế nào. Dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng mà nước cũng sẽ mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ, dân bị coi khinh thì nước sẽ yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất mà nước rồi cũng mất. Muốn cho phép nước cường thịnh thì vua chúa chỉ là công bộc của dân. Nhân dân có nhiệm vụ giám đốc chính phủ. Chính phủ chỉ là đại biểu của dân, còn quyền quyết định là ở dân. Vua phải lấy Dân làm Trời, Dân chính là Trời của vua. Nhưng dân quyền muốn được tôn trọng thì dân trí phải được đề cao...”.

Nhìn vào xã hội hiện đại hôm nay, dân trí của ta rất cao. Mạng xã hội, ngoài những sự tiêu cực cũng có những cái tích cực không thể phủ nhận. Nó giúp dân giám sát nhiều việc mà bộ máy trong hệ thống chính trị đang làm. Tốt xấu ra sao, hay dở thế nào họ đều có thể biết. Nếu người cán bộ, đảng viên mà gương mẫu, đạo đức và liêm chính thì đương nhiên sẽ trở thành tấm gương sáng để dân tôn trọng và noi theo. Ngược lại, sẽ là điều gây tổn hại đến thanh danh và uy tín của Đảng.

Nếu chúng ta tôn trọng dân, lắng nghe tiếng nói của dân (và cả dư luận xã hội thông qua phản ánh từ báo chí, truyền thông) thì sẽ còn làm được hơn năm nay. Chúng ta tin chắc  rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và tập thể Bộ Chính trị, Ban bí thư với tinh thần đoàn kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến nay, trong phần còn lại của nhiệm kỳ hy vọng sẽ tiếp tục thực hiện được nhiều thành công, không lo bị tụt hậu, đưa đất nước đi lên, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của toàn Đảng, toàn dân ta trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem