Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam 50 tỷ USD có khả thi? (Ảnh: IT)
Cần hơn 1,1 triệu tỷ đồng
Phát biểu tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dựa trên nghiên cứu của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), dự kiến, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư lên tới hơn 50 tỷ USD (khoảng 1.114.000 tỷ đồng). “Sau khi nghiên cứu thiết kế cụ thể, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc vào năm 2019”, ông Đông nói.
Theo đó, nghiên cứu đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất qua báo cáo của liên danh tư vấn Tedi - Tricc - Tedisouth cho thấy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã tính toán đến việc cạnh tranh với hàng không, thông qua các chính sách giá vé.
Giá vé được liên danh đưa ra 3 lựa chọn. Một là bằng 50% giá vé máy bay giai đoạn đầu, giai đoạn sau bằng 75%; hai là bằng 50% giá vé máy bay; ba là bằng 75% giá vé máy bay.
Theo liên danh tư vấn, các chính sách giá vé liên quan đến hiệu quả tài chính (tỷ lệ nội hoàn kinh tế), phụ thuộc vào khả năng, tỷ lệ vốn đầu tư được nhà nước trợ cấp, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng.
JICA nhận định, về mức độ thuận tiện, nếu hành khách tham gia tuyến ngắn (dưới 800km) thì ưu thế rất lớn so với hàng không.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, cùng đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khách đi máy bay phải ra sân bay chờ làm thủ tục mất 2 tiếng cộng thời gian đi 1 tiếng, vào đến nơi để thoát ra khỏi sân bay mất thêm 30 phút. Trong khi đi tàu tốc độ cao chỉ mất 3 tiếng, đó là chưa kể vận chuyển được khối lượng hành khách lớn hơn máy bay.
Tuy nhiên, đối với cự ly trên 800 đến 1.000km, ông Đông nhận định đường sắt tốc độ cao không hiệu quả hơn so với hàng không về mặt thời gian do đi máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM chỉ mất 4 tiếng còn đường sắt mất tới 5-6 tiếng.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt (VNR) cho rằng, nhà nước nên lựa chọn khoản đầu tư nào mang lại lợi ích trước mắt, đồng thời kết hợp xã hội hóa để giảm chi phí đầu tư. “Hiện nay Nhà nước đầu tư 5 tuyến đường bộ thì có nhất thiết phải 5 tuyến hay không? Hay chỉ nên đầu tư 2-3 tuyến và dồn tiền đầu tư đường sắt tốc độ cao để đường sắt có tuyến đôi thì sẽ phát huy hiệu quả rất nhiều”, đại diện VNR cho biết.
Theo dự án, đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ có đường đôi (Ảnh: IT)
Tiếp cận theo hướng phân kỳ đầu tư
Trước đó, Dự án đường sắt cao tốc đã từng được đề xuất nhưng sau đó Quốc hội đã không thông qua và dự án này chỉ được “khởi động” lại từ năm 2016. Hàng loạt các lo ngại đối với tính hiệu quả, công nghệ…đặc biệt là việc lấy đâu ra tiền để đầu tư dự án này với số tiền rất lớn cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trước đó. Với việc khởi động lại dự án này, dự kiến Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và cho ý kiến vào năm 2019 tới đây.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, với địa hình trải dài từ Bắc vào Nam, việc đầu tư đường sắt là cần thiết nhưng cần căn cứ vào hiệu quả thực tế để phân kỳ đầu tư. Theo ông Thanh, vùng có lợi thế tốc độ di chuyển nhanh như hàng không nhưng đường sắt tốc độ cao dễ được chấp nhận hơn vì ít thủ tục, thời gian chờ đợi và kết nối trực tiếp với đường sắt đô thị, vận tải công cộng… thuận tiện hơn. “Hiện các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, dù có hàng không và đường bộ cao tốc phát triển, nhưng người dân vẫn sử dụng đường sắt tốc độ cao”, ông Thanh nói.
Theo chiến lược phát triển GTVT đường sắt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc-Nam.
Trong đó, Chính phủ sẽ chuẩn bị các điều kiện để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, nhất là khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.
Giai đoạn 2020-2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160km/h đến dưới 200km/h, đường đôi khổ 1.435mm; điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350km/h trong tương lai...
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc-Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350km/h.
Là đơn vị đang được giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT cho rằng, để đầu tư hiệu quả cần thiết phải phân kỳ đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang trước do 2 đoạn tuyến này đến năm 2030 cần phải có phương thức vận tải mới. Theo đó, Bộ GTVT sẽ tiếp cận theo hướng phân kỳ đầu tư để hài hoà trong việc tiếp cận công nghệ, huy động vốn sao cho đầu tư hiệu quả.
Theo tư vấn đề xuất của JICA, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xây dựng sẽ đi qua 20 tỉnh, thành. Tốc độ chạy tàu trong giai đoạn đầu cao nhất là 200km/h, giai đoạn sau cao nhất 320km/h. Sức chở giai đoạn đầu bố trí đoàn tàu sử dụng 10 toa và giai đoạn sau là 16 toa, thời gian khai thác từ 6-24h.
Các đoạn ưu tiên, Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2032; các đoạn còn lại (Vinh - Nha Trang) sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2040-2045.
Đại diện VNR cho rằng, không có nước nào trong vòng vài năm đầu tư xong được hệ thống đường sắt cao tốc quốc gia. Bởi, nhanh nhất cũng mất 20 năm mới làm xong. Mỗi nhiệm kỳ phân bổ 5-7 tỷ USD (khoảng 11.000-15.000 tỷ đồng) thì hoàn toàn làm được dự án đường sắt cao tốc.
Tại thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây nêu rõ, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phải được đầu tư phát triển đồng bộ, tối ưu hóa chi phí vận tải.
Với điều kiện địa hình tự nhiên của Việt Nam trải dài trên trục Bắc - Nam, tình hình mưa lũ thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và việc đi lại của người dân; đồng thời, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên hành lang trọng yếu này.
Do đó, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, với tính chất kỹ thuật phức tạp và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, quá trình nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu kỹ để có sự đồng thuận cao của các chuyên gia, nhà khoa học, của người dân và xã hội.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tổ chức thêm các diễn đàn, hội thảo để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp thêm ý kiến về sự cần thiết đầu tư dự án, lựa chọn kịch bản, công nghệ phát triển và phương án tổ chức khai thác...; đồng thời, tranh thủ ý kiến góp ý của người dân để tạo sự đồng thuận về việc đầu tư dự án.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.