Xếp hàng dài chờ đợi, chen lấn để mua bánh
Chỉ còn một, hai ngày nữa là đến Tết trung thu, do sợ hàng tồn, nhan nhản cửa hàng bánh trên địa bàn thành phố với với đủ các tên hãng bánh có tiếng trên thị trường đua nhau cạnh tranh, giảm giá nhằm hút người mua. Mặc dù vậy, lượng người mua tại đa phần các điểm này vẫn khá thưa thớt.
|
Cảnh xếp hàng dài chờ đợi mua bánh trung thu truyền thống tại cửa hàng Bảo Phương (Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội) |
Trái ngược với tình trạng trên, tại các cửa hàng bánh trung thu truyền thống, mặc dù không cần biển quảng cáo cầu kỳ, bao bì bắt mắt nhưng những cửa hiệu này vẫn thu hút rất nhiều khách hàng.
Cửa hàng Bảo Phương trên phố Thụy Khuê là một ví dụ. Từ sáng sớm, đã có rất nhiều người đổ xô đến cửa hàng “xí chỗ đứng” chờ đến lượt mua bánh. Thậm chí khi cửa hàng đã treo biển “hết bánh”, nhiều người vẫn cố nán đứng chờ, đợi mẻ bánh sau, cố gắng mua bằng được bánh mới chịu ra về. Cảnh xếp hàng, chen lấn giữa thời tiết nóng nực vẫn không khiến người dân bỏ cuộc.
>> Chùm ảnh: Toát mồ hôi, bơ phờ xếp hàng chờ được mua bánh trung thu
Cô Nguyễn Thị Hải (Quốc Tử Giám, quận Ba Đình) - một khách hàng tại cửa hàng Bảo Phương cho biết: “Tôi đứng xếp hàng đã 3 giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa mua được chiếc bánh nào vì chưa đến lượt. Khi đến lượt mình thì cửa hàng hết bánh, đành phải chờ đến mẻ sau”. Khi được hỏi nếu đến tối cửa hàng mới tiếp tục bán hàng thì có chờ đợi không, người phụ nữ này cho biết sẽ sẵn sàng đợi đến khi nào mua được bánh mới ra về.
Bên trong cửa hàng, hàng chục thợ làm bánh hì hụi nhào bột, đổ khuôn, vã mồ hôi nhanh tay làm nốt những công đoạn cuối cùng để cho ra lò mẻ bánh mới.
Một người thợ cho biết, mỗi mẻ bánh ra lò, chỉ sau 20 phút đã hết nhẵn. Có người do chờ đợi lâu không mua được bánh bực bội cáu gắt trở nên quá khích, xông vào trong nhà khiến cửa hàng phải đóng cửa chính, chỉ để một lối nhỏ vừa đủ để bán hàng.
Bánh truyền thống “ngon, bổ, rẻ, an toàn”
Đứng xếp hàng tại cửa hàng Bảo Phương để chờ mua bánh, chị Vũ Thị Oanh (Hào Nam, quận Đống Đa) cho biết: “Tuy hình thức loại bánh cổ truyền có thể không bắt mắt bằng bánh của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường nhưng vị của bánh cổ truyền thì không thể lẫn vào đâu được. Những loại bánh thông thường khác khó có thể “bắt chước” hương vị đặc trưng của nó”.
|
Những chiếc bánh truyền thống mới ra lò tuy mẫu mã không bắt mắt nhưng có hương vị thơm, ngon rất đặc trưng, khó có thể tìm thấy ở những loại bánh hiện đại, cao cấp |
“Tết trung thu năm nào tôi cũng mua bánh tại cửa hàng này nên đã thành thói quen. Bánh vừa ra lò mình mua luôn, vừa nóng hổi lại để được lâu mà không sợ bị mốc hỏng. Hơn nữa, đây là thương hiệu có uy tín nhiều năm, nguyên liệu đảm bảo, yên tâm hơn khi thưởng thức”, chị Oanh cho biết thêm.
Bên cạnh chị Oanh, chị Nguyễn Thị Hải cũng đang chờ đợi đến lượt mua bánh. Chị cho biết bánh ở các cửa hàng truyền thống vừa ngon, vừa thơm, lại vừa rẻ (giá bánh nướng, bánh dẻo chỉ dao động từ 30.000 đồng đến 55.000 đồng/chiếc tùy nguyên liệu).
“Tôi không mấy ưa chuộng những loại bánh hào nhoáng bên ngoài, mẫu mã đẹp mà ăn lại không có vị đặc trưng. Bánh truyền thống tuy không dùng nhiều nguyên liệu đắt tiền, cao sang song có hương vị thơm ngon rất riêng. Hơn nữa, mình được tận mắt chứng kiến quy trình làm bánh, nhìn thấy nguyên liệu tươi, ngon cũng yên tâm khi sử dụng”, chị Hải nhận xét.
Anh Nguyễn Văn Thắng, thợ làm bánh của cửa hàng này cho biết thêm: “Không như nhiều loại bánh tân thời có màu nâu đậm và được phết lớp dầu bóng khiến bánh bóng lộn, bắt mắt, bánh truyền thống có kiểu bóng rất riêng được tiết ra từ nhân bánh, thấm dần vào cùi khiến bánh bở, mềm. Tất cả các nguyên liệu đều phải được kiểm duyệt chất lượng kỹ càng, 100% tự nhiên, không có chất bảo quản”.
“Với các loại bánh có chất bảo quản trên thị trường hiện nay thì có thể sử dụng trong vài tháng, nhưng với bánh cổ truyền do không dùng chất bảo quản nên hạn dùng không thể quá 20 ngày. Vì vậy, thông thường dịp này cơ sở làm theo đơn đặt hàng nhiều hơn là bày bán ngoài cửa hàng”, anh Thắng bật mí.
Vân Nga
Vui lòng nhập nội dung bình luận.