Lý do cổ phiếu ngân hàng vẫn là "hàng hot"

18/03/2021 14:52 GMT+7
Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng có sức "bật" tốt và liên tiếp vượt đỉnh cũ kể từ cuối năm 2020 đến nay. Thế nhưng, “sóng” cổ phiếu ngân hàng được dự báo vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và đang có thêm nhiều trợ lực mới.

Đúng với tên gọi cổ phiếu "vua", nhiều mã cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2020, góp phần đưa cổ phiếu ngân hàng trở lại thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng vượt đỉnh

Theo dữ liệu từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), có tới 21 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá trong năm 2020.

Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội là mã tăng mạnh nhất ngành ngân hàng, khởi đầu năm với mức giá 5.350 đồng/cp nhưng đến cuối năm, cổ phiếu này đã tăng lên 17.000 đồng/cp, tương ứng mức tỷ suất sinh lời gần 218%.

VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng là một gương mặt gây ấn tượng với mức tăng gần 125% trong năm 2020, còn LPB của LienVietPostBank cũng nằm trong danh sách 3 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất năm 2020 khi tăng giá gấp 2 lần trong năm qua.

Bước sang năm 2021, làn sóng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng khi liên tiếp vượt qua các đỉnh cũ và hình thành nên vùng đỉnh mới.

Đơn cử như cổ phiếu MBB của MB, hiện đang giao dịch quanh mức đỉnh lịch sử gần 30.000 đồng/cp. Tương tự, thị giá của cổ phiếu ACB hiện đã chạm ngưỡng 34.000 đồng/cp, trong cuối năm 2020 chỉ giao dịch dưới 30.000 đồng/cp.

Ngày hôm qua, CTG của Vietinbank cũng đã có phiên giao dịch với thanh khoản cao nhất lịch sử, mức giá cũng theo đó tăng vượt đỉnh cũ, cán mốc 39.550 đồng/cổ phiếu và đến thời điểm hiện tại, thị giá của CTG đã gần chạm ngưỡng 40.500 đồng/cp.

Thống kê tại 25 nhà băng đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán theo số liệu chốt phiên ngày 17/3, có đến 18 mã đang có thị giá cao hơn hồi đầu năm nay. 

Có 8 mã có lợi nhuận trên 20%, trong đó, nhiều cổ phiếu tăng trên 40% như cổ phiếu BAB của ngân hàng Bắc Á (53%); VNB (40%) và VIB (41%).

Lý do cổ phiếu ngân hàng vẫn là "hàng hot" - Ảnh 2.

Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng có sức "bật" tốt và liên tiếp vượt đỉnh cũ kể từ cuối năm 2020 đến nay.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm của thị trường?

Thực tế, có khá nhiều nguyên nhân để lý giải về sức nóng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua, bên cạnh kết quả kinh doanh tốt thì với đặc thù là "huyết mạch kinh tế", nhóm cổ phiếu này còn đang phản ánh kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.

Có ý kiến cho rằng, đây là lần đầu tiên cổ phiếu ngân hàng thực sự trở lại đường đua mà nó đã từng tạo dựng cách đây 15 năm, không chỉ đóng vai trò quyết định thúc đẩy thị trường chứng khoán, mà còn là vùng trũng thu hút dòng vốn đầu tư nhàn rỗi trong xã hội.

Lý do cổ phiếu ngân hàng vẫn là "hàng hot" - Ảnh 3.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm của thị trường?

Kỳ vọng vào cổ phiếu ngân hàng, ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích chứng khoán CTCK VPS đánh giá, ngân hàng là ngành rất nhạy với tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế hồi phục, nhóm ngành ngân hàng vẫn là tâm điểm thị trường trong thời gian tới. Bởi khi đó, hệ thống ngân hàng càng có nhiều doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, cho vay doanh nghiệp, cho vay mua sắm tiêu dùng. Cùng với đó, rủi ro nợ xấu hay áp lực trích lập dự phòng cũng sẽ giảm.

Ngoài hưởng lợi từ vĩ mô, sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới từ nội tại của chính các ngân hàng. Hoạt động hệ thống ngân hàng đang có nhiều cải thiện về chất lượng: giảm tỷ lệ sở hữu chéo, áp dụng chuẩn mực Basel II…

"Cổ phiếu ngân hàng là nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ vừa an toàn mà vẫn mang lại lợi nhuận. Các tiêu chí này đáp ứng nhu cầu nhiều nhà đầu tư khuyến khích họ nắm giữ cổ phiếu ngân hàng. Không chỉ các nhà đầu tư nội ưa thích cổ phiếu ngân hàng, mà nhiều quỹ ngoại cũng lựa chọn đầu tư vì đáp ứng được nhiều tiêu chí an toàn tài chính và luôn nằm trong top nhóm ngành kinh doanh tốt nhất trên thị trường", ông Khánh đề cập.

Mới đây, trong Báo cáo "Vietnam-Asia's New Success Story", PYN Elite Fund cho biết, quỹ này đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục lên gần 40%. Ngoài triển vọng tích cực của ngành, cơ sở để quỹ này nâng tỷ trọng đầu tư nhóm cổ phiếu ngân hàng Việt Nam.

Đó là các yếu tố vĩ mô thuận lợi như tăng trưởng GDP ở mức cao, mức định giá của thị trường còn hấp dẫn so với các nước trong khu vực và tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, VN-Index hoàn toàn có thể tăng lên mức 1.800 điểm vào năm 2022.

Không chỉ vậy, cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ngoại được tăng lên khi qua EVFTA các ngân hàng châu Âu cũng như các ngân hàng nước ngoài được phép nâng tỷ trọng sở hữu cổ phần các ngân hàng Việt Nam. Theo chia sẻ của ông Khánh, gần đây đang có thông tin một số ngân hàng đến từ châu Âu đang muốn mua cổ phần của nhóm NHTMCP tư nhân.

Những thông tin này hứa hẹn tạo luồng gió mới cho giá cổ phiếu ngân hàng.

N.Minh
Cùng chuyên mục