Thứ bảy, 01/06/2024

Nâng cấp nhãn hiệu Cao su Việt Nam thành thương hiệu nông sản quốc gia

21/04/2023 7:00 PM (GMT+7)

Cao su Việt Nam là ngành nông sản đầu tiên có nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ trong nước và các thị trường xuất khẩu. Đây là nỗ lực xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt khi thị trường quốc tế ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có chứng nhận phát triển bền vững.

Sau 7 năm, Việt Nam đã có 89 sản phẩm của 31 nhà máy, thuộc 19 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu Cao su Việt Nam. Nhãn hiệu này cũng đã được bảo hộ tại một số thị trường trọng điểm như tại Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Lào và Campuchia.

Khẳng định uy tín cao su Việt Nam

Theo Hiệp hội Cao su (VRA), Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng từ năm 2013, và thứ 3 về xuất khẩu cao su thiên nhiên từ năm 2015.

Đến nay, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí này (chỉ sau Thái Lan và Indonesia), với sản lượng hơn 1,2 triệu tấn, chiếm khoảng 8% tổng sản lượng cao su thiên nhiên của thế giới.

Lượng cao su xuất khẩu trong giai đoạn từ năm 2016–2021 trung bình ước đạt 1,6 triệu tấn, chiếm khoảng 13,0% thị phần thế giới. Năng suất cây cao su Việt Nam đạt bình quân 1,67 tấn/ha, tiếp tục dẫn đầu trong các nước sản xuất cao su quy mô lớn.

Thu hoạch mủ cao su ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Trần Khánh

Thu hoạch mủ cao su ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Trần Khánh

Ông Võ Hoàng An - Phó Chủ tịch VRA đánh giá, tuy đạt được những bước tiến về sản xuất, nhưng giá xuất khẩu bình quân của cao su Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực. Đây là thực tế đáng buồn, dù Việt Nam có những doanh nghiệp đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc gia cao hơn tiêu chuẩn quốc tế ISO.

Nguyên nhân là do khách hàng chưa tin cậy vào sự ổn định chất lượng và uy tín thương mại của doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, đối với nguồn cao su tiểu điền có chất lượng chưa ổn định, chưa đồng đều, và chưa có hệ thống kiểm tra chất lượng từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là nguồn cung đang chiếm trên 60% sản lượng cao su Việt Nam.

Mặt khác, bên cạnh yêu cầu đảm bảo chất lượng và uy tín kinh doanh, ngày càng nhiều khách hàng cần nguồn cao su có giấy chứng nhận sản xuất hợp pháp và bền vững do tổ chức độc lập đánh giá, xác nhận.

Nhận thức được xu thế này, từ năm 2016, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã triển khai Dự án Xây dựng và phát triển nhãn hiệu Cao su Việt Nam. Bộ tiêu chí của nhãn hiệu Cao su Việt Nam dựa trên các chuẩn mực về chất lượng và uy tín, đáp ứng theo xu hướng phát triển bền vững của thị trường trong nước và quốc tế.

Qua 7 năm xây dựng và phát triển, nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ trong nước và bảo hộ tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Sản xuất đệm cao su ở Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Sản xuất đệm cao su ở Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Trong bối cảnh hệ thống chứng nhận quốc tế cho cao su thiên nhiên bền vững chưa nhiều, nhãn hiệu Cao su Việt Nam là dấu chứng nhận tin cậy cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.

"Nhãn hiệu giúp nhận diện sản phẩm chất lượng, tăng uy tín và tính bền vững cho cao su Việt Nam", ông An nhận định.

Cần hỗ trợ đồng bộ cho nhãn hiệu Cao su Việt Nam

Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (Bình Phước) là một trong những đơn vị đã đạt chứng nhận nhãn hiệu Cao su Việt Nam cho tất cả các loại sản phẩm, và được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới.

Đặc biệt, sản phẩm cao su RSS của công ty sản xuất theo công nghệ Thái Lan đã cung cấp cho các nhà sản xuất vỏ xe lớn trên thế giới như Chengshine, Maxxis.

Ông Lê Văn Vui, Tổng Giám đốc - Công ty Cao su Bình Long cho biết chất lượng sản phẩm và chứng nhận nhãn hiệu giúp đơn vị tiếp cận thị trường thế giới tốt hơn.

Lãnh đạo Công ty Bình Long mong muốn Hiệp hội VRA sớm xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá dành riêng cho hai sản phẩm công nghiệp (lốp xe) và sản phẩm gỗ cao su.

Đồng thời, ông Vui cũng kiến nghị ngành công thương xem xét cụ thể hóa tiêu chí ưu tiên cho các sản phẩm được dán nhãn hiệu Cao su Việt Nam trong việc xét bình chọn sản phẩm thương hiệu quốc gia.

Ông Võ Hoàng An cho biết, VRA đang khuyến khích các hội viên, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cao su ở Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc và Lào, Campuchia cùng tham gia sử dụng nhãn hiệu Cao su Việt Nam đối với các sản phẩm đạt tiêu chí.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu ngành cao su thông qua hình ảnh Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ đồng bộ từ các cơ quan Bộ ngành.

Chế biến mủ cao su RSS. Ảnh: Trần Khánh

Chế biến mủ cao su RSS. Ảnh: Trần Khánh

VRA cũng kiến nghị các bộ ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ cao su Việt Nam trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh và đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác.

Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) đánh giá, việc xây dựng thương hiệu nông sản là cần thiết. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia hiện nay còn hạn chế.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ có trách nhiễm hỗ trợ để có thêm nhiều thành phần kinh tế, cả trong và ngoài Hiệp hội tham gia; đồng thời tham mưu xây dựng Nghị định khung để quản lý nhãn hiệu chung cho nông sản chủ lực Việt Nam.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), vấn đề quan trọng là thương hiệu phải có tác dụng hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu không sẽ rất lãng phí nguồn lực.

Ông Phú đánh giá, Hiệp hội Cao su là một trong số ít các hiệp hội ngành hàng đã chủ động xây dựng thương hiệu ngành từ rất sớm. Điều này cho thấy nhận thức cao của các doanh nghiệp đối với vấn đề thương hiệu trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Sắp tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp các bộ ngành liên quan, và các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm được gắn nhãn hiệu Cao su Việt Nam ra nước ngoài.
Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì về việc hơn 97.300 doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì về việc hơn 97.300 doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường?

Tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có trên 97.300 doanh nghiệp tháo chạy khỏi thị trường. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, "điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn".

TP.HCM yêu cầu tăng cường các giải pháp quản lý giá, cung cầu hàng hóa

TP.HCM yêu cầu tăng cường các giải pháp quản lý giá, cung cầu hàng hóa

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra việc lưu thông hàng hóa, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp điều tiết, từ đó ổn định giá cả.

Bia Sài Gòn đề xuất quy định khác cho nồng độ cồn bằng không

Bia Sài Gòn đề xuất quy định khác cho nồng độ cồn bằng không

Công ty Sabeco, được thị trường biết đến với tên Bia Sài Gòn, đề xuất Nhà nước bỏ quy định "không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe". Thay vào đó sẽ là một mức hợp lý nào đó.

Bắt 1 phụ nữ cho vay với lãi suất đến 1200%/năm

Bắt 1 phụ nữ cho vay với lãi suất đến 1200%/năm

Người phụ nữ cho vay tiền lãi suất "cắt cổ" rồi gọi điện chửi nếu chậm trả gốc và lãi.

VinFast ký kết hợp tác với 4 đại lý đầu tiên tại Philippines

VinFast ký kết hợp tác với 4 đại lý đầu tiên tại Philippines

Ngày 31/05/2024, VinFast Auto chính thức ký kết hợp tác với 4 đại lý đầu tiên ở Philippines, qua đó nhanh chóng thành lập mạng lưới bán lẻ để khẳng định sự hiện diện thương hiệu tại thị trường quốc gia Đông Nam Á.

VinFast vào top 100 công ty có tầm ảnh hưởng nhất thế giới

VinFast vào top 100 công ty có tầm ảnh hưởng nhất thế giới

Hãng xe điện VinFast của Việt Nam vừa được tạp chí TIME đưa vào danh sách 100 công ty có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2024 của TIME. Danh sách cũng có tên các đại công ty toàn cầu như Toyota, BMW, Google, Microsoft, Amazon, Nvidia ThyssenKrupp Nucera ...