NH gặp khó vì “chiêu” dùng mạng xã hội gây sức ép chây ỳ trả nợ, chuyên gia hiến kế hóa giải nợ xấu

Huyền Anh Thứ năm, ngày 24/06/2021 15:58 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, để Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả hơn nữa, Quốc hội nên xem xét việc kéo dài hiệu lực của nghị quyết, có thể nâng lên thành luật.
Bình luận 0

Sau 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu.

Theo đó, từ cuối năm 2018 đến ngày 30/04/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với trước đó.

Ngân hàng gặp khó vì "chiêu" dùng mạng xã hội gây sức ép, chây ỳ trả nợ

Trao đổi tại tọa đàm "Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp", do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 23/6, bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro của Techcombank nhìn nhận, Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết "cục máu đông" tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính 2011-2013.

Riêng tại Techcombank, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, hơn 70% các khoản nợ xấu được xử lý thông qua áp dụng Nghị quyết 42.

NH gặp khó vì “chiêu” dùng mạng xã hội gây sức ép chây ỳ trả nợ, chuyên gia hiến kế hóa giải nợ xấu - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro của Techcombank chia sẻ về quá trình xử lý nợ xấu tại Techcombank. (Ảnh: tienphong)

Mặc dù vậy, theo bà Lan khi thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết 42, có nghĩa là ngân hàng "cực chẳng đã" phải áp dụng các biện pháp rất kiên quyết để có thể xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ.

Bởi các khách hàng lúc này đều là các khách hàng hoặc không thể có khả năng trả nợ hoặc rất chây ì. Thông thường thời gian xử lý đều đã kéo dài 3-5 năm, nhiều trường hợp lên đến 9-10 năm. Việc khách hàng chống lại biện pháp xử lý của ngân hàng là dễ hiều thường xuyên xảy ra. 

Chưa kể, thời gian xử lý kéo dài, tài sản thanh lý không thu đủ nợ, ngân hàng tốn rất nhiều chi phí và nhân lực.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn phải chịu nhiều sức ép khác nhau. Đặc biệt, nhiều khách hàng tận dụng sự phát triển của mạng xã hội để gây sức ép cho Ngân hàng, đưa thông tin một chiều, sai sự thật khiến dư luận nhìn nhận không khách quan, thiếu sự đồng cảm chia sẻ với những khó khăn của công tác xử lý thu hồi nợ xấu.

"Những thông tin sai lệch này ảnh hưởng không tốt đến uy tín, gây tổn thương cho hình ảnh thương hiệu của ngân hàng. Điều này, khiến công tác thu hồi nợ xấu đã khó càng khó hơn. Ngân hàng là tổ chức lớn và hoạt động chịu sự quản lý rất chặt chẽ bởi pháp luật. Chúng tôi luôn đề cao tinh thần tuân thủ pháp luật, ủng hộ chính sách của nhà nước. Tuy vậy, ngân hàng cũng là pháp nhân dễ bị tổn thương bởi các thông tin sai lệch, không khách quan", bà Lan nhấn mạnh.

NH gặp khó vì “chiêu” dùng mạng xã hội gây sức ép chây ỳ trả nợ, chuyên gia hiến kế hóa giải nợ xấu - Ảnh 2.

Nhiều khách hàng tận dụng mạng xã hội để gây sức ép cho Ngân hàng trong quá trình thu hồi nợ. (Ảnh: TCB)

Đề cập quan điểm của mình, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng. 

Hiện tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất đến 1-3%. Như vậy, 97- 99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt.

Ngoài ra, việc có thể sớm xử lý các khoản nợ xấu giúp chính sách cho vay, giá cả cho vay và thủ tục vay vốn đối với khách hàng được thiết kế phù hợp hơn rất nhiều.

Dù vậy, sau gần 4 năm triển khai Nghị quyết 42, vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ xuất phát từ các nguyên nhân như: Sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi Nghị quyết gặp không ít khó khăn; Vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo; Khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và TSĐB khó khăn.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ; làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này; khiến quá trình mua – bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.

Còn theo luật sư trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, các quy định pháp luật đã có tác dụng rất tốt trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, chính sách vẫn có những điểm "xấu" và vẫn cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành Ngân hàng cần tốt hơn.

Riêng với Nghị quyết 42, được ban hành chậm nhưng tốt, thể hiện qua kết quả xử lý nợ xấu – theo ông Đức. Tuy nhiên, điểm cần thiết đó là xử lý nợ xấu theo "thủ tục rút gọn" lại không làm được.

Đề xuất nâng Nghị quyết 42 thành luật

Từ thực tế kể trên, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị, cần tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào hệ thống tòa án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn.

"Cần quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn. Giờ không làm ngay thì lại không kịp", luật sư Đức nhấn mạnh.

NH gặp khó vì “chiêu” dùng mạng xã hội gây sức ép chây ỳ trả nợ, chuyên gia hiến kế hóa giải nợ xấu - Ảnh 4.

TS Cấn Văn Lực kiến nghị, luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. (Ảnh: LT)

Đồng tình, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.

Trên cơ sở thực tế áp dụng chính sách tại Nghị quyết 42 và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg đến hết năm 2020, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống các TCTD và chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như đã nêu tại Quyết định 986/QĐ-TTg.

Theo đó, các TCTD tiếp tục rà soát chính sách, quy trình về tín dụng, tăng cường kiểm soát rủi ro (nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19) nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai.

"Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế - một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Về phía Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc cũng đề nghị nên tiếp tục duy trì và xây dựng luật xử lý nợ xấu.

"Chúng tôi kiến nghị, nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm. Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng phải được hoàn thiện. Hiện nay, có thể mua bán nợ theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai", ông Thắng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem