Anh Phong - một chủ shop ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chuyên kinh doanh rắn kiểng xuất xứ từ Thái Lan cho biết, anh bắt đầu kinh doanh các loại bò sát này ở Hà Nội từ năm 2012, đối tượng khách hàng chủ yếu của anh là học sinh, sinh viên và khách trung tuổi.
Cận cảnh loài rắn bạch long có giá trên dưới 1,5 triệu tại shop của anh Phong.
“Nhiều người sợ rắn nhưng các loại rắn thú cưng này rất hiền, không có độc nên chơi rất thích mà lại không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường” – anh Phong chia sẻ.
Một chú rắn thạch anh vàng dài 1,7m được anh Phong bày bán trong tủ với giá 1 triệu đồng.
Cũng theo anh Phong, các loại rắn có mẫu mã và giá cả khá đa dạng. Ví như rắn bạch long có giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/con, rắn ngô trên dưới 1 triệu đồng/con, rắn vua và sữa trên dưới 3 triệu đồng/con. “Do nhu cầu của người chơi nên hiện tôi đang kinh doanh khá nhiều các loại rắn là ngô, sữa và rắn vua” – anh Phong tiết lộ.
Rắn Burmese Python Baby đang uốn lượn trên tay người có giá bán trên dưới 500.000 đồng/con.
Chú rắn ngô có giá bán trên dưới 1 triệu đồng/con mang màu sắc rực rỡ đang được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Cận cảnh một con rắn ri cá cực hiền có giá 200.000 đồng/con.
Cả bày rắn kim xanh lục (loài thú cưng cực hiền có xuất xứ từ Thái Lan) leo trèo lúc nhúc tại shop của anh Phong.
Ngoài bán thú cưng, anh Phong còn kinh doanh thêm thức ăn cho rắn là thạch sùng.
Phụ kiện mùn dừa lót chuồng cho các loài bò sát.
Anh Phương - một chủ shop bò sát ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) đánh giá: Các loài bò sát như rắn, rồng Nam Mỹ… mới xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu nhưng đã thu hút được khá nhiều khách mua. Tuy nhiên, để biết và chơi được các loại rắn thì ngoài có điều kiện, khách hàng cũng cần có đam mê mới chơi được.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Quảng Trường - một chuyên gia nghiên cứu về rắn thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng: Với các loài rắn cảnh (hay còn gọi là rắn thú cưng) mà một số người dân nhập về kinh doanh chủ yếu là rắn hiền, không có nọc độc.
“Tuy nhiên, khi nuôi động vật người nuôi cũng có thể gặp rủi ro như lây nhiễm ký sinh (sán, giun có thể có ở rắn). Một số loài ngoại lai nếu không được kiểm soát có thể trốn thoát ra ngoài, từ đó sinh sôi nảy nở và có thể ảnh hưởng đến các loài bản địa. Nuôi không kiểm soát trong khu dân cư cũng có thể làm ảnh hưởng đến người khác” – ông Trường khuyến cáo thêm.
|
Ảnh: NVCC
Vui lòng nhập nội dung bình luận.