Trao "cần câu xịn”
Từ “chiếc cần câu” được vay trị giá 50 triệu đồng của NHCSXH, gia đình ông Phạm Thanh Tân ở xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Tân cho biết, với số vốn ưu đãi vay được từ ngân hàng, cộng thêm một ít vốn sẵn có của gia đình, ông Tân mua 3 con bò sinh sản về nuôi, chỉ sau một thời gian chăm sóc, bò mẹ đã sinh bò con.
Nhờ được hỗ trợ vay vốn phát triển đàn bò, nhiều hộ dân tỉnh Ninh Bình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Ảnh: Hải Đăng
Hiện ông Tân đã trả gần hết nợ gốc và lãi của ngân hàng, đồng thời có tiền trang trải sinh hoạt gia đình. Ông Tân hồ hởi cho biết, dù số tiền mà ngân hàng cho vay không quá lớn nhưng cũng đã giúp gia đình ông có được một "chiếc cần câu xịn", có vốn làm kinh tế rất hiệu quả.
Câu chuyện của gia đình ông Tân là một trong vô vàn những câu chuyện về khách hàng đang thụ hưởng vốn ưu đãi từ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Ninh Bình.
Cũng được ngân hàng cho mượn “cần câu cá”, gia đình anh Phùng Đức Chính ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô đã biến hơn 14.000m2 đất chuyên canh trồng lúa thành khu chuyên canh trồng rau củ mỗi năm cho thu lãi tới cả trăm triệu đồng.
Anh Chính cho biết, đất trồng lúa 2 vụ thu nhập không cao, nhiều người dân đã bỏ ruộng. Riêng anh Chính thấy bỏ đất không rất lãng phí nên đã quyết định vay thêm vốn ưu đãi trồng rau củ theo mùa.
"Sau khi có vốn đầu tư, tôi mở rộng sản xuất, giờ tôi đã không những thoát được nghèo mà còn có thu nhập ngày càng tăng qua mỗi năm", anh Chính chia sẻ.
Tâm sự thêm với chúng tôi, ông Trần Văn Thêm, hộ nghèo ở huyện Kim Sơn cho biết, nhờ chương trình cho vay học sinh sinh viên mà gia đình ông vay được 90 triệu đồng để cho 2 con đi học đại học. Đến giờ các con ông đã ra trường, xin được việc làm ổn định và đã trả được nợ cho ngân hàng.
"Chương trình cho vay vốn này thực sự đã hỗ trợ hiệu quả cho gia đình và con chúng tôi. Mong trong thời gian tới ngân hàng tiếp tục cho vay vốn cao hơn để bà con đầu tư làm nông nghiệp, có thu nhập tăng cao hơn", ông Thêm kiến nghị.
Nghề nuôi con đặc sản như vịt trời đang mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Hải Đăng
Tiếp tục hỗ trợ người dân
Là xã miền núi, lại nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, thường xuyên bị úng lụt nên đời sống nhân dân ở xã Gia Lâm (huyện Nho Quan) gặp rất nhiều khó khăn khi có tới l.840ha đất, song chỉ có 300ha cấy lúa một vụ, vụ còn lại người dân tận dụng nuôi cá, song nếu phải năm mưa nhiều, thì cá cũng trôi theo mưa lũ.
Ông Phạm Đức Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết: Với đặc thù như vậy nên chuyển đổi cây trồng vật nuôi là con đường mà những người dân lựa chọn. Với nguồn vốn tín dụng chính sách, đặc biệt với sự vào cuộc và đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền địa phương ở đây đã góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 10% năm 2015 xuống còn 2,15% cuối năm 2018.
Được biết, tính đến 30/06/2019, tổng nguồn vốn NHCSXH Chi nhánh tỉnh Ninh Bình đạt 2.324 tỷ đồng, tăng 674 tỉ đồng (+41%) so với trước khi có Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tổng dư nợ đạt hơn 2.318 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho hay: Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách ở Ninh Bình rất thuận lợi từ cấp tỉnh xuống cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Trên cơ sở nội dung của Chỉ thị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban ngành, Hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; chỉ đạo việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trụ sở và điều kiện làm việc cho hệ thống NHCSXH từ tỉnh đến các huyện, thành phố…, giúp cho hoạt động của NHCSXH ngày càng ổn định và phát triển bền vững.
Theo bà Hằng, để tạo thêm nguồn lực về vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tạo việc làm cho hộ mới thoát nghèo, chống tái nghèo, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, mỗi năm ngân sách các cấp đều trích bổ sung cho nguồn vốn vay tín dụng để phục vụ chương trình giảm nghèo: Cụ thể cấp tỉnh tối thiểu 5 tỉ đồng/năm, cấp huyện tối thiểu 500 triệu đồng/năm.
"Dòng vốn từ ngân sách địa phương đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm phát triển kinh tế bền vững cho người dân tại địa phương", bà Hằng khẳng định.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, thực tế triển khai cũng cho thấy vẫn còn tình trạng lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa được sâu sát, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là việc quản lý đối với các hộ gia đình còn dư nợ NHCSXH nhưng đã chuyển đi khỏi địa phương. Một số huyện, thành phố chưa ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Chính vì vậy, để hiệu quả triển khai Chỉ thị số 40 sâu rộng hơn nữa, bà Hằng đề nghị các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH; đồng thời ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
"Đồng thời thường xuyên chỉ đạo củng cố và kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, huyện và nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác", bà Hằng nói.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.