Nhiều rủi ro khi giá hồ tiêu tăng “phi mã”

Thanh Phong Thứ tư, ngày 24/03/2021 19:57 PM (GMT+7)
Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, giá hồ tiêu bất ngờ tăng mạnh, theo nhận định của giới chuyên môn, điều này có thể khiến thị trường Việt Nam khó dự đoán và ẩn chứa rủi ro với nhà chế biến, sản xuất và nông dân.
Bình luận 0

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, giữa tháng 3/2021, nhu cầu nhập khẩu từ phía Trung Quốc tăng mạnh. Theo đó, giá hồ tiêu đen xuất khẩu tại các nước sản xuất tăng.

Cụ thể, tại cảng Kochi (Ấn Độ), giá hồ tiêu đen xuất khẩu tăng 4,7% so với ngày 26/2/2021, lên mức 5.073 USD/tấn. Giá hồ tiêu đen xuất khẩu ngày 18/3/2021 tại cảng Kuching của Malaysia lên mức 3.950 USD/tấn, tăng 2,6% so với ngày 26/2/2021,. Giá hồ tiêu trắng xuất khẩu tăng 1,0% so với ngày 26/2/2021, lên mức 5.300 USD/tấn.

Cùng ngày 18/3/2021, tại cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, giá hồ tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu tăng lần lượt 13,9% và 12,3% so với ngày 26/2/2021, lên mức 3.595 USD/tấn và 3.635 USD/tấn.

Nhiều rủi ro khi giá hồ tiêu tăng “phi mã” - Ảnh 1.

Giá hồ tiêu tăng mạnh nhưng có thể ẩn chứa nhiều rủi ro thời gian tới

Đến ngày 24/3, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước dù đã giảm tại các địa phương so với những ngày trước đó nhưng vẫn đang được giao dịch ở mức từ 69.000 - 73.000 đồng/kg. Đáng chú ý, ngay từ sau Tết Nguyên đán, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước tăng rất mạnh.

Về thị trường thế giới, giá hồ đang ghi nhận mức giảm mạnh so với một ngày trước đó khi giảm tới 125 Rupee/tạ. Cụ thể, ngày 24/3 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 38.075 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.225 Rupee/tạ (cao nhất).

Đánh giá về việc giá hồ tiêu Việt Nam tăng bất thường thời gian qua, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cảnh báo, khiến cho thị trường Việt Nam khó có thể dự đoán và ảnh hưởng đến nhà chế biến, sản xuất và nông dân

Cụ thể theo đánh giá của IPC, mặc dù người nông dân được lợi từ việc tăng giá nhưng một số đã găm hàng lại với hy vọng sẽ ở mức cao hơn. Qua đó, tình trạng này thúc đẩy người mua chuyển sang quốc gia sản xuất khác với mức giá hợp lý hơn. Kết quả cuối cùng, người ôm hàng có thể phải chịu nhiều rủi ro không ngờ tới.

Cũng theo nhận định từ phía IPC, nhiệm vụ chính của tất cả các bên liên quan trong ngành hồ tiêu là cung cấp nhiều thông tin hơn cho người nông dân về tình hình cung và cầu.

Ngoài ra, dự báo nguồn cung năm 2021 khan hiếm trầm trọng khiến giá tăng đang dần trở nên khó thuyết phục khi mùa vụ bắt đầu trễ với chỉ khoảng 30 - 40% đã thu hoạch.

Nhiều rủi ro khi giá hồ tiêu tăng “phi mã” - Ảnh 2.

Xuất hiện tình trạng tích trữ hồ tiêu để đầu cơ

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết thêm, việc giá hồ tiêu tăng "phi mã" là do nhiều yếu tố tác động.

Cụ thể ông Bính nhận định, giá hồ tiêu hiện nay vừa là thật nhưng cũng vừa là "giá ảo". Nguyên nhân là do ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua thì hiện có một lượng khách hàng ngoài ngành là người Việt Nam muốn mua hồ tiêu để đầu cơ.

Phân tích kỹ về nguyên do giá hồ tiêu "nhảy múa" thời gian qua, ông Bính cho rằng, có hai nguyên nhân chính là do diện tích trồng và năng suất giảm mạnh. Bên cạnh đó, thời tiết tác động rất lớn đến sản lượng, niên vụ hồ tiêu năm nay, thời tiết không thuận khiến năng suất giảm hơn 1/3 với với các niên vụ trước.

Về diện tích trồng, những năm qua, giá hồ tiêu xuống quá thấp khiến nhiều chủ vườn không còn "mặn mà" đầu tư. Qua đó, tình trạng nguồn cung thiếu hụt diễn ra khiến giá hồ tiêu liên tục tăng giai đoạn đầu năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem