Tỷ lệ giảm nghèo 3-4%/năm
Tỉnh Cà Mau có 65 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS được phân định theo 3 khu vực, trong đó có 127 ấp đặc biệt khó khăn. Tỉnh có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn; trong đó có 13 DTTS với hơn 53.200 người (11.448 hộ). Đồng bào DTTS đông nhất của tỉnh là dân tộc Khmer với hơn 9.600 hộ, gần 45.000 người.
Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả cao của đồng bào DTTS huyện Thới Bình. Ảnh: CTV
Theo ông Triệu Quang Lợi - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2014 - 2019, mặc dù kinh tế của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; nhưng dưới sự lãnh đạo kỳ quyết của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự đồng thuận cao trong nhân dân, cùng với truyền thống đoàn kết, thi đua yêu nước, các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, trong đó có đồng bào DTTS đã vượt qua khó khăn và nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thắng lợi quan trọng.
Theo số liệu rà soát, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh năm 2010 còn khá cao, với gần 36%. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người DTTS là 35,96 triệu đồng và hiện chỉ còn gần 15,6% hộ nghèo DTTS. Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm đạt từ 3-4%.
Cũng trong giai đoạn 2014-2019, Cà Mau đã tập trung xây dựng hoàn thành 256 công trình giao thông và duy tu 274 công trình khác trong vùng DTTS thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, với tổng nguồn vốn được phân bổ trên 220 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ hơn 160,6 tỷ đồng và vốn ngân sách của tỉnh là 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban dân tộc tỉnh cũng đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét xuất ngân sách hỗ trợ thêm ngoài Chương trình 135 khoảng 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hoàn thành một số tuyến đường giao thông bức xúc thuộc vùng DTTS.
Trong các năm qua, Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh luôn được ưu tiên về nguồn lực đầu tư; đặc biệt là nguồn vốn ngân sách hỗ trợ của Trung ương và nguồn vốn đối ứng của ngân sách tỉnh.
Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở vùng DTTS ở Cà Mau, phải kể đến huyện U Minh. Hiện toàn huyện có 1.469 hộ DTTS, với 6.419 khẩu, chiếm hơn 5,7% hộ dân toàn huyện. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng lớn nhất, phần lớn làm nghề nông, mua bán nhỏ và lao động phổ thông, tập trung đông nhất ở xã Khánh Lâm, Khánh Hoà, Nguyễn Phích và Khánh Thuận.
Từ năm 2015 đến nay, huyện đã cấp hỗ trợ hơn 2.000 lượt hộ DTTS mua giống, cây, con phát triển sản xuất. Tỉnh phân khai vốn Chương trình 135 cho 4 xã khu vực III và xã bãi ngang ven biển số tiền hơn 4 tỷ đồng, huyện đã cấp tiền hỗ trợ 572 lượt hộ nghèo nuôi tôm, nuôi heo hướng nạc, gà nòi thương phẩm, nuôi dê, nuôi vịt biển, trồng cây ăn trái phát triển kinh tế gia đình,…
Đào tạo việc làm, tăng thu nhập
Nhìn chung, những kết quả thu được trong việc thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất tại các địa phương trong các năm qua đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Tại Đại hội đại biểu DTTS tỉnh lần thứ III năm 2019,ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin: Kinh tế - xã hội vùng DTTS trong tỉnh đã có bước đột phá quan trọng; công tác quản lý Nhà nước về dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh có nhiều thành tựu nổi bật. Hiện nay, trong vùng đồng bào dân tộc cũng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả được điển hình và nhân rộng; trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc đã được cải thiện rõ nét, nhiều gia đình có con em học đại học và trên đại học..., đã có nhiều đóng góp cho xã hội và địa phương.
Cùng với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh trong vùng DTTS, tỉnh còn đẩy mạnh đào tạo, truyền nghề và giới thiệu việc làm. Trong giai đoạn 2014 – 2019, tỉnh đã giới thiệu, hỗ trợ và giải quyết việc làm cho hơn 2.700 lao động người DTTS; trong đó có hơn 1.300 người lao động ngoài tỉnh.
Nhân dịp Đại hội đại biểu DTTS tỉnh Cà Mau lần thứ III, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương những kết quả to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, Chính quyền, các dân tộc tỉnh Cà Mau đạt được. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng ghi nhận kết quả giảm nghèo toàn tỉnh Cà Mau, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS tỉnh.
“Tỉnh cần tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế về bản sắc văn hóa của các DTTS, nhằm phát triển du lịch sinh thái, cải thiện, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đào tạo, dạy chữ Khmer, dạy nghề, nâng cao dâng trí, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao trong vùng DTTS” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
|
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.