Dân Việt

Rót vốn vào Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, CII kỳ vọng gì?

Quốc An 28/12/2020 12:54 GMT+7
Là huyết mạch quan trọng bậc nhất khu vực phía Đông TP.HCM để kết nối các tỉnh thành, việc TP.HCM lựa chọn CII làm nhà đầu tư dự án mở rộng tuyến đường xa lộ Hà Nội là lựa chọn đúng đắn và phù hợp với năng lực vượt trội của công ty này.

Không phải ngẫu nhiên mà khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố là điểm nóng về xe quá tải.

Giải tỏa "điểm nóng" kẹt xe

Đơn giản do khu vực này tiếp giáp các tỉnh lận cận như Bình Dương, Đồng Nai vốn có lưu lượng phương tiện giao thông lớn trên các tuyến trọng điểm như quốc lộ 1, quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, Khu Công nghệ cao, Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2…

Rót vốn vào Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, CII kỳ vọng gì? - Ảnh 1.

Trục đường chính Xa lộ Hà Nội (từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao thông tại cổng chính Đại học Quốc Gia TP.HCM) đã đưa vào khai thác.

Chưa kể, cửa ngõ phía Đông còn có đặc thù tập trung hàng loạt luồng tuyến xe khách đi các địa phương miền Trung và phía Bắc. Xa lộ Hà Nội thường xuyên trở thành điểm nóng về trật tự an toàn giao thông, nhất là trong các dịp lễ tết và cuối năm.

Đặc biệt, khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố còn là nơi có nhiều bến cảng, kho bãi hàng hóa như: cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng ICD Sotrans, Khu công nghiệp Cát Lái… Những địa chỉ này thường xuyên có lưu lượng phương tiện vận tải hàng hóa, nhất là loại phương tiện xe đầu kéo container ra vào các kho bãi, cổng cảng để thông thương hàng hóa là rất lớn. Các chuyên gia ước tính lúc cao điểm, tại cảng Cát Lái, tính bình quân có đến 20.000 - 22.000 lượt phương tiện ra vào cảng.

Vì vậy, việc đầu tư mở rộng xa lộ Hà Nội được TP.HCM đặc biệt quan tâm, xem đây là dự án trọng điểm để tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông. Đồng thời, việc lựa chọn nhà đầu tư uy tín cũng không kém phần quan trọng.

"TP.HCM tỏ rõ quyết tâm sẽ xây dựng dự án đô thị sáng tạo tại khu Đông dựa trên lợi thế về vị trí trung tâm kết nối tứ giác kinh tế năng động gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do vậy, để xây dựng nền tảng cho đô thị sáng tạo, hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố then chốt", chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định.

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có chiều dài 15,7km, từ chân cầu Sài Gòn (quận 2) đến nút giao thông Tân Vạn. Mặt đường hiện hữu rộng 23m cho bốn làn xe đã được nâng cấp mở rộng lên thành 113m đến 153m cho 12 - 16 làn xe. Đến nay, dự án đã hoàn thành trục đường chính cho 8 - 10 làn xe lưu thông và một số làn xe ở hai bên đường song hành. 

Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 44 nghìn lượt xe vẫn đang lưu thông miễn phí qua tuyến đường này. Riêng tuyến đường song hành hai bên đã hoàn thành hơn 90%, còn một số điểm chưa xong do vướng mặt bằng trùng lắp với tuyến Metro số 1, với dự án vệ sinh môi trường thành phố, giai đoạn 2 và một số hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Ông Nguyễn Thanh Nam – Phó Giám đốc ban điều hành dự án xa lộ Hà Nội cho biết: "Để dự án mang lại hiệu quả tốt nhất, CII đã thành lập Doanh nghiệp dự án là Công ty Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội theo quy định,  để thực hiện chủ đầu tư quản lý đầu tư và khai thác vận hành dự án. Mục tiêu của CII là góp phần giúp giải tỏa cho cửa ngõ phía Đông trước tình trạng kẹt xe thường xuyên. 

Tất nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng kẹt xe cục bộ ở một số điểm nóng những khu vực giao lộ (ngã tư) vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, nếu được bàn giao hết mặt bằng để hoàn thành tất cả các hạng mục của dự án, cùng với việc phân luồng hợp lý, tình trạng này sẽ được giải quyết ổn thỏa".

Sức bật cho hạ tầng khu Đông

Hiện tại, tuyến xa lộ Hà Nội sau khi được nâng cấp, mở rộng, và cùng với cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc được xây dựng mới đưa vào sử dụng đã góp phần giảm áp lực giao thông, khắc phục ùn tắc tại cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Phương tiện di chuyển rất thuận tiện, giao thông thông thoáng khác hẳn với hình ảnh ùn tắc giao thông liên tiếp như trước đây. 

Rót vốn vào Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, CII kỳ vọng gì? - Ảnh 2.

Đường hầm hở dài 1km, rộng 36m cho 8 làn xe chạy với tốc độ 80km/h.

Đặc biệt, từ cuối năm 2019, hạng mục hầm chui trên quốc lộ 1, đoạn qua Khu du lịch Suối Tiên (quận 9) - nút giao Đại học Quốc Gia TP.HCM được đưa vào sử dụng, đã góp phần quan trọng giải tỏa áp lực kẹt xe kinh niên tại khu vực Suối Tiên.

Cụ thể, công trình có chiều dài hơn 1,8km, nằm trên địa bàn quận 9, quận Thủ Đức và Thị xã Dĩ An (Bình Dương), được rải nhựa mới rộng thênh thang. Tầng dưới hầm hở, ô tô, xe tải, xe container chạy rất thông thoáng. Tầng trên, hai bên là đường song hành, dành cho xe máy và ô tô sang đường, hình thành dòng xe lưu thông liên tục. 

Với 8 làn xe chính, chưa kể 6 làn đường song hành hai bên, đây là một trong những tuyến quốc lộ có lộ giới rộng nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại, trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Đông, TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Được biết, ngoài trục đường xa lộ Hà Nội được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch, khu Đông còn có hàng loạt trục giao thông chiến lược như: Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn 4km đầu), Metro Bến Thành - Suối Tiên, Vành đai 2, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh… là cú hích tạo động lực phát triển khu vực này.

"Sức bật hạ tầng khu Đông TP.HCM đã góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai, Bình Dương - địa phương giáp ranh với khu Đông TP.HCM", ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản đánh giá.