Từ ngày có vườn rau, gia đình chị thu nhập tuy không cao nhưng bù lại ổn định, có tiền nuôi con ăn học.
Bằng cách trồng nhiều loại rau, xen canh, gối vụ nên gia đình chị Phương lúc nào cũng có rau cung cấp cho người mua.
Mỗi ngày tầm 3 đến 4 giờ chiều, vợ chồng chị lại tất bật cắt rau, phân loại rồi bó, bày bán ngay trước cổng nhà để phục vụ người tiêu dùng trong vùng. Với lợi thế đầu tư chi phí thấp nên giá rau cũng rẻ hơn so với ngoài chợ, mỗi kg rau chị bán giá từ 10-15 ngàn đồng tùy loại nên được người mua ủng hộ.
Mỗi ngày, hộ chị bán được vài chục kilôgam rau các loại, cho thu nhập tương đối ổn định.
Giá tiêu xuống thấp, lại không có vốn để tái đầu tư và chăm sóc, gia đình bà Cao Thị Thương ở thôn 5, xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) đã chuyển 3.000m2 đất sang canh tác các loại rau.
Hiện trong vườn của gia đình bà có rất nhiều loại rau trồng theo phương pháp hữu cơ nên rau được người dân chọn mua nhiều.
Mỗi ngày bán cho người dân lân cận và bỏ mối cho thương lái ở chợ từ 100-150kg rau các loại với giá từ 10-15 ngàn đồng/kg, gia đình bà thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Còn gia đình ông Vũ Bá Ẩn ở thôn Tân Nhân, xã Tân Tiến có hơn 7 sào đất được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp hỗ trợ theo diện mô hình sản xuất nông nghiệp trong chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Cụ thể, gia đình ông được hỗ trợ vốn, phương tiện, công cụ, kỹ thuật, hạt giống trồng và chăm sóc các loại rau. Mô hình thực hiện trồng các loại rau cải, xà lách, đậu que, khổ hoa, dưa leo...Vốn đầu tư ban đầu trên 200 triệu đồng.
Sau hơn 2 năm gia đình ông Ẩn, xã xã Tân Tiến (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) thu hoạch rau và cung ứng ra thị trường mỗi ngày khoảng từ 150-250kg rau các loại. Hằng ngày có 3 công chăm sóc thường xuyên, trừ chi phí gia đình vẫn có mức thu nhập ổn định, sống khỏe nhờ trồng rau.