Từ trưa đến chiều 13/7, nhiều siêu thị tại TP.HCM khá đông khách. Người mua xếp hàng dài bên ngoài và phải chờ gần cả tiếng đồng hồ mới được vào bên trong.
Tại siêu thị Big C miền Đông (quận 10, TP.HCM) trưa nay, khách nối đuôi xếp hàng dài. Người mua cầm theo tờ phiếu khai báo y tế đã ghi sẵn thông tin. Nhiều người chờ gần 1 tiếng đồng hồ vẫn chôn chân tại chỗ, không nhích được bước nào.
Do bên trong vẫn đông khách hàng nên siêu thị chưa giải quyết cho vào. Nhân viên phát loa thông báo có thể phải chờ thêm do bên trong còn đông người. Vài khách không đủ kiên nhẫn đã bỏ về.
Bà Thủy, trên tay cầm túi thực phẩm không nhiều đồ nhưng bà cho biết vào được từ hồi 11h nhưng 14h30 mới thanh toán xong.
"Bên trong đông với xếp hàng chờ thanh toán lâu lắm. Tôi mua đồ dùng đủ 2-3 ngày nhưng hết mấy tiếng đồng hồ, đứng đói bụng lả người luôn", bà Thủy nói với vẻ mệt mỏi.
Cảnh xếp hàng cũng diễn ra tương tự tại siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10). Do siêu thị hạn chế lượt người vào để giãn cách bên trong nên bên ngoài, dòng người đứng cách nhau 1 - 2m nối dài từ cổng chính ra đến bãi giữ xe. Nhiều người vừa chạy xe đến thấy "hoảng" nên chạy về. Một phụ nữ cho hay, bà canh giờ trưa đi cho vắng nhưng không ngờ lại quá đông.
Tại Co.opXtra Sư Vạn Hạnh (quận 10), Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) trưa 13/7, dù không quá đông nhưng siêu thị vẫn thực hiện giãn cách, điều phối người vào mua sắm theo từng đợt. Rau củ các loại vẫn đầy trên quầy, tuy nhiên, một số mặt hàng như trứng gia cầm, thực phẩm chế biến hết sớm.
Bước sang ngày thứ năm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhưng nhiều người cho biết vẫn khó mua thực phẩm tại các siêu thị. Một phần thêm nhiều siêu thị đóng cửa, một phần chờ xếp hàng quá lâu để mua hàng.
Anh Thịnh (quận Phú Nhuận) cho hay hết giờ làm, anh tranh thủ ghé siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu mua thực phẩm nhưng nơi này đã đóng cửa, siêu thị Satra trên đường Ba Tháng Hai cũng ngưng hoạt động. Hoảng vì cảnh xếp hàng dài ở Big C miền Đông, anh ghé qua siêu thị VinMart Ba Tháng Hai.
"Siêu thị này vắng nhưng rau xanh hết trơn, chỉ còn lại rau mùi các loại nên tôi không mua được gì", anh phàn nàn.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, việc thiếu hàng chỉ xảy ra tại các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, nhất là các cửa hàng tiện lợi. Nguyên nhân là cửa hàng có diện tích nhỏ, không có kho dự trữ nên trong một thời điểm nhiều người cùng mua hàng sẽ làm hàng hóa bị gián đoạn hoặc thiếu cục bộ.
Còn các hệ thống siêu thị lớn có kho hàng dự trữ lớn, số lượng quầy kệ nhiều nên nguồn hàng dự trữ đầy đủ, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng.
Đại diện Saigon Co.op cho hay, hiện lượng khách hàng đến mua hàng tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food giảm so với hai ngày đầu TP.HCM thực hiện giãn cách.
Theo doanh nghiệp, lượng hàng hóa đang đổ về các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food rất nhiều. Các thủ tục vận tải, vận chuyển ngày càng được khai thông nên công tác phân phối hàng hóa đến tay người dân ngày càng được thuận lợi hơn.
Lãnh đạo Saigon Co.op khẳng định, hàng hóa tại các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op không bao giờ thiếu nhưng hệ thống siêu thị cũng cần có sự phối hợp từ người dân như mua sắm vừa phải đúng nhu cầu để hạn chế tắc nghẽn, tuân thủ hướng dẫn an toàn mua sắm tại siêu thị để giảm thiểu nguy cơ lây lan, tham gia mua sắm online để giảm tải cho siêu thị.
Đại diện Saigon Co.op cũng chia sẻ, hiện số lượng nhân sự của hệ thống này tại TP.HCM chưa đến 10.000 người nhưng đang phục vụ ước tính cho 3 - 5 triệu người dân TP. Ngoài phục vụ tại siêu thị, bán hàng online, hệ thống siêu thị còn chịu trách nhiệm cung cấp hơn 10.000 suất ăn và nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
"Vì vậy, Saigon Co.op rất mong người dân tuân thủ hướng dẫn an toàn mua sắm tại siêu thị để giảm thiểu nguy cơ lây lan, tham gia mua sắm online để giảm tải siêu thị, hưởng ứng giãn cách", vị này nói.