Giữa những mảnh ruộng bậc thang treo leo theo sườn núi cao gần 1.500 m ở thôn Chí Cà Hạ, diện tích măng tây sau hơn nửa năm trồng nay đã cao hơn 1 m với nhiều búp măng nhô lên khỏi mặt đất.
Dẫn chúng tôi đi tham quan 1 vòng khu vườn trồng măng tây của gia đình, anh Vương Văn Hiếu nhiệt tình cho biết: Trước đây, mảnh đất này được gia đình trồng ngô, sau đó trồng mướp đắng nhưng hiệu quả không cao. Đầu tháng 7.2020, sau khi kết thúc vụ mướp đắng, gia đình quyết định chuyển đổi cây trồng với mong muốn nâng cao thu nhập.
Để lựa chọn cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế, anh Hiếu bắt đầu dành nhiều thời gian tìm hiểu trên các trang báo mạng về nông nghiệp và những người bạn đang công tác ở các tỉnh.
Anh nhận thấy, cây măng tây được trồng khá nhiều ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, ngay cả tại thành phố Hà Giang cũng đã được người dân trồng. Còn trên địa bàn huyện Xín Mần, giống cây trồng này chưa được phổ biến. Sau nhiều ngày tìm hiểu, anh Hiếu quyết định đặt mua giống măng tây và trồng thử nghiệm.
Trên mảnh đất khá rộng của gia đình, anh Hiếu mạnh dạn thử nghiệm trồng 0,3 ha măng tây với chi phí ban đầu trên 15 triệu đồng.
Anh Hiếu chia sẻ: Trước khi trồng, tôi đã tìm hiểu kỹ và xác định những khó khăn bước đầu như: Việc gieo hạt đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong cách gieo, đóng bầu, làm đất và phải cung cấp nước tưới đầy đủ. Khi trồng phải đảm bảo khoảng cách 50x50 cm, đánh luống cẩn thận để thoát nước.
Ngoài ra, để cây măng tây phát triển tốt, anh Hiếu tận dụng mạch nước nguồn, đầu tư hệ thống ống dẫn nước tưới tự động, nhằm đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho diện tích cây trồng. Từ lúc trồng đến lúc cho thu hoạch khoảng 8 tháng, nếu được trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây măng tây có khả năng cho thu hoạch kéo dài được nhiều năm.
Tháng 3 vừa qua, gia đình anh Hiếu bắt đầu có măng tây thu hoạch rải rác. Mỗi ngày thu được khoảng trên dưới 4 kg măng tây, trung bình mỗi kg bán được gần 100.000 đồng.
Theo các tài liệu khoa học, cây măng tây là loại rau cao cấp có chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, gồm: Protein, đường và nhiều khoáng chất.
Búp măng tây có một số công dụng, như: Tốt cho tim mạch, đường ruột và có tác dụng nhuận tràng vì Măng tây chứa nhiều chất xơ; tăng cường hệ miễn dịch; tốt cho hệ hô hấp; có tác dụng chống viêm; ngăn ngừa lão hóa, loãng xương và có tác dụng làm đẹp...
Không chỉ bởi cây măng tây có nhiều dinh dưỡng, tác dụng rất tốt đối với sức khỏe mà măng tây còn có hương vị thơm ngon, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn.
Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất của cây măng tây đó là thị trường tiêu thụ, bởi lẽ đây là nguồn thực phẩm mới lạ và giá thành khá cao so với mức thu nhập của người dân trên địa bàn.
Hiện tại, gia đình anh Hiếu đang kết nối với các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Hà Giang để tìm đầu ra khi diện tích cho thu hoạch được mở rộng.
"Nếu giải quyết được vấn đề đó, thời gian tiếp theo gia đình sẽ xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương và hy vọng cây măng tây sẽ mang lại nguồn thu nhập mới cho người dân địa phương…", anh Vương Văn Hiếu chia sẻ thêm.