Dân Việt

Nhà báo Phan Đăng: "World Cup năm nay quá nhiều cái lạ…"

Thanh Tùng - Thúy Phương 13/12/2022 10:56 GMT+7
"Xem bóng đá với tôi không chỉ là xem bàn thắng, xem chiến thuật mà là trải nghiệm văn hóa, là nghiền ngẫm về cách mà một cầu thủ, một HLV đối diện với nghịch cảnh và số phận… Quả bóng đời lắm! Đời hơn chúng ta vẫn nghĩ rất nhiều!", nhà báo Phan Đăng chia sẻ với Dân Việt.

Sau gần 1 tháng tranh tài, vòng chung kết World Cup 2022 đã đi tới những trận cuối cùng. Anh đánh giá thế nào về chất lượng chuyên môn của từng trận đấu đã qua tại giải đấu năm nay?

- Câu hỏi của bạn làm tôi chợt nhớ đến đánh giá của ông Gianni Infantino - Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA): "Chúng ta vừa được chứng kiến một vòng bảng hay nhất lịch sử World Cup. Các trận đấu rất tuyệt vời, chất lượng chuyên môn cao diễn ra trên các sân vận động lớn. Tôi tin là ai trong chúng ta cũng nhận thấy điều đó".

Tôi cho rằng đây là một nguồn tham khảo rất quan trọng vì dẫu sao đây cũng là một nhận định của người đứng đầu tổ chức bóng đá thế giới. Nhưng cũng chỉ để tham khảo mà thôi, bởi khái niệm "trận đấu hay" vô cùng lắm! Với một số người thì trận đấu phải có nhiều bàn thắng mới là hay. Một số người khác cho rằng phải tạo ra những phát kiến chiến thuật chưa từng có mới là hay. Lại có người bảo, có nhiều bàn thắng, có phát kiến chiến thuật, nhưng không có những khoảnh khắc kiểu như "Samba Brazil" hay "Tango Argentina…" thì không thể là hay. 

Trái bóng – trận đấu là một cái lõi bản chất, hay hay dở là thế giới chủ quan của mỗi người trong việc phản ánh cái lõi bản chất ấy. Cho nên rất khó so sánh, đánh giá một giải đấu này có hay hơn một giải đấu khác hay không.  

Nhà báo Phan Đăng: "World Cup năm nay quá nhiều cái lạ…" - Ảnh 1.

Nhà báo Phan Đăng. Ảnh: NVCC

Tôi dùng một khái niệm có thể ít gây tranh cãi hơn, đó là "lạ". Tôi nghĩ, quả thật World Cup năm nay có nhiều cái lạ. Lạ vì lần đầu tiên giải đấu diễn ra vào mùa đông thay vì mùa hè. Lạ vì đội bóng chủ nhà bị loại từ rất sớm và cũng là đội chủ nhà có thành tích kém nhất từ trước tới nay. Lạ vì lần đầu tiên châu Á có đến ba đại diện lọt qua vòng bảng. Lạ vì lần đầu tiên châu Phi có một đại diện vào bán kết.

Riêng câu chuyện một đội bóng châu Phi vào đến bán kết làm sống dậy cả một lịch sử. Bạn nhớ năm 1990, đội tuyển Cameroon đã vào tứ kết và để thua tuyển Anh. Năm 2002, Senegal vào tứ kết rồi lại thua. Đến năm 2010, Ghana vào tứ kết và tưởng như đã cầm chắc vé vào bán kết nhưng phút cuối lại không thắng nổi… cái tay của Luis Suarez (Uruguay). Ghana tiếc. Cả châu Phi tiếc. Bây giờ, phải sau đúng 22 năm kể từ cái ngày Cameroon giúp Châu Phi làm lên lịch sử thì Maroc mới lại giúp lịch sử sang trang mới.

Một điểm chú ý nữa là tại World Cup này, chúng ta thấy được tâm trạng đặc biệt của rất nhiều ngôi sao trong kỳ World Cup cuối đời: Một Neymar buồn bã sau trận thua cay đắng của Brazil, một Ronaldo khóc ròng đi vào đường hầm sân vận động vì thêm một lần lỡ hẹn với cúp vàng thế giới, một Messi với rất nhiều hỉ nộ ái ố sau trận bán kết "tra tấn" thần kinh với đội tuyển Hà Lan. Mà bây giờ rất nhiều người chờ xem lần này Messi có thắng được cái "định mệnh World Cup" của mình không? Rất đáng chờ đợi!

Tất cả những điều như thế đã tạo nên bức tranh World Cup đa sắc màu, mà màu nào cũng phải khiến người ta ngẫm ngợi.

Lượt trận tứ kết vừa qua đã chứng kiến rất nhiều bất ngờ, đặc biệt nhất phải kể đến hành trình "ngã ngựa" của những "ông lớn" như Brazil và Bồ Đào Nha. Theo anh, đâu là nguyên nhân dẫn tới thất bại của hai đội bóng lớn này?

- Tôi lại muốn đặt ra câu hỏi ngược lại: Croatia thắng Brazil và Maroc thắng Bồ Đào Nha có xứng đáng hay không? Tôi đã theo dõi kĩ hai trận đấu này và cho rằng, cả hai chiến thắng trên đều xứng đáng. Cái xứng đáng của Croatia đến từ ý chí của một tập thể không bao giờ bỏ cuộc và với ý chí đó, họ đã kéo được trận đấu về những kịch bản sở trường.

Cách đây 4 năm, tại World Cup 2018, Croatia đều kéo các trận đấu loại trực tiếp của mình đến hiệp phụ hoặc luân lưu 11m. Năm nay, họ tiếp tục làm điều đó với Nhật Bản ở vòng 1/8 và vừa rồi là trận tứ kết với Brazil. Rõ ràng là họ đã làm được và làm đúng những điều họ muốn.

Còn với Maroc cũng thế, tôi nghĩ họ đã thành công với một thứ bóng đá rất kỷ luật, dựa trên nền tảng phòng ngự thực dụng theo đúng kiểu châu Âu. Dễ hiểu vì họ có đến 14/26 cầu thủ trong đội hình là kiều bào, trưởng thành và chơi bóng ở châu Âu.

Nhà báo Phan Đăng: "World Cup năm nay quá nhiều cái lạ…" - Ảnh 2.

ĐT Maroc ăn mừng kỳ tích lọt vào bán kết World Cup 2022. Ảnh: Getty

Tại vòng 1/8 và tứ kết đã chứng kiến những trận đấu kịch tính khi các đội bóng đưa nhau tới hiệp phụ và loạt sút luân lưu để phân định thắng thua. Theo anh, kịch bản này liệu có tiếp diễn ở hai trận bán kết và chung kết sắp tới?

- Trong bóng đá, không ai nói trước được điều gì. Tất cả những gì nói trước đều chỉ là những dự đoán rất chủ quan thôi. Với sự chủ quan đó, tôi nghĩ rằng ở trận bán kết đầu tiên giữa Croatia và Argentina, khả năng diễn ra hiệp phụ là có thể. Vì một phần Croatia rất thích làm điều đó, một phần vì Argentina cũng chỉ nhỉnh hơn Croatia đôi chút, chứ không vượt trội, nên cũng không dễ giải quyết đối thủ trong 90 phút.

Với cặp đấu thứ hai giữa Pháp và Maroc thì tôi nghĩ mọi thứ có thể được định đoạt trong 90 phút. Theo dõi các trận đấu của Maroc, tôi nhận ra rằng tất cả các đối thủ của họ đều gặp vấn đề tốc độ tấn công. Từ Croatia, Bỉ (vòng bảng) đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha (vòng tứ kết) vì những lý do khác nhau đều không thể đẩy cao tốc độ tấn công để khoan phá hàng thủ 3 tầng của Maroc. Nhưng đội tuyển Pháp với hàng tấn công mạnh với "cái máy chạy" mang tên Kylian Mbappe có thể làm được điều đó. Tôi tin rằng thắng thua ở trận này sẽ được phân định ngay trong thời gian thi đấu chính thức.

Hai trận đấu bán kết giữa ĐTCroatia - Argentina và ĐT Pháp - Maroc diễn ra lần lượt vào 2 giờ ngày 14 và ngày 15 tới đây. Anh dự đoán hai cái tên nào sẽ giành quyền vào chơi trận chung kết World Cup 2022?

- Cá nhân tôi dự đoán hai đội đi tiếp sẽ là Croatia và Pháp. Nếu như điều này thực sự xảy ra thì trận chung kết của năm 2018 giữa hai đội tuyển này sẽ được tái hiện ở năm nay. Khi đó chúng ta sẽ lại thấy một điều lạ nữa của một giải đấu có quá nhiều cái lạ.

Nhà báo Phan Đăng: "World Cup năm nay quá nhiều cái lạ…" - Ảnh 4.

"Tôi nghĩ rằng hoạt động tâm trí quyết định rất lớn tới thành – bại trong bóng đá, đặc biệt là một môi trường bóng đá với những áp lực tứ bề, khủng khiếp như hiện nay", nhà báo Phan Đăng chia sẻ với Dân Việt. Ảnh: NVCC

Tại vòng chung kết World Cup năm nay, anh dành sự quan tâm đến cầu thủ và đội tuyển nào?

- Tôi rất ấn tượng với các cầu thủ Maroc. Ấn tượng đầu tiên là họ đã đưa bóng đá châu Phi sang một trang mới như tôi đã nói ở trên. Ấn tượng thứ hai là họ thể hiện một sự tự tin đến kinh ngạc. Khi theo dõi cầu thủ mang áo số 4 của Maroc là Sofyan Amrabat đánh chặn, tôi cho rằng đây là một phát hiện rất lớn  của World Cup năm nay. Xem anh ấy thi đấu, tôi có cảm giác cầu thủ này như một "người không phổi" và tôi tự hỏi vì sao anh lại giàu có thể lực đến như thế? 

Không chỉ tham gia đánh chặn, anh ấy còn có khả năng cầm bóng, đi bóng qua 2 hoặc 3 cầu thủ của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vào những thời điểm căng thẳng nhất. Chính sự tự tin này đã truyền cảm hứng cho cả đội bóng của mình. Maroc và Amrabat thực sự đã tạo nên những ấn tượng rất lớn với tôi.

Được biết, nhà báo Phan Đăng là một trong những gương mặt quen thuộc với khán giả khi thường xuyên là khách mời của những chương trình bình luận bên lề World Cup. Anh đã phải chuẩn bị như thế nào khi tham gia những chương trình đặc biệt này?

- Không! Từ "thường xuyên" không đúng rồi! Hiện nay, tôi không còn là nhà báo thể thao, chuyên theo dõi mảng thể thao như 10 năm trước nữa. Công việc chính của tôi bây giờ là quan sát và thực hành tâm trí để cùng một số người thoát khỏi những bức bối tâm trí trong một cuộc sống hiện đại nhiều áp lực. Do vậy World Cup năm nay tôi xem trên tư cách một khán giả chứ không phải tư cách một nhà báo thể thao như ngày xưa.

Lâu lắm rồi, tôi cũng mới nhận lời trở lại tham gia bình luận một vài trận đấu trên truyền hình, đơn giản chỉ để chia sẻ và góp thêm một tiếng nói, từ góc nhìn khán giả thôi. Nhưng có lẽ vẫn chịu ảnh hưởng ít nhiều của những thao tác nghề nghiệp ngày xưa, nên trong các buổi bình luận tôi cũng chuẩn bị thông tin, tư liệu khá đầy đủ.

Còn có điều mới mẻ là bây giờ tôi quan sát và lý giải tâm trí cầu thủ nhiều hơn. Ví dụ sau hiệp 1 trận Maroc – Bồ Đào Nha, tôi phát biểu trên đài rằng: cầu thủ Bồ Đào Nha đang gặp vấn đề về tâm trí. Họ ức chế vì bất ngờ thua ngược và ức chế vì cho rằng trọng tài đã bắt không công bằng với mình. 15 phút nghỉ giữa hiệp, nếu không giải phóng được tâm trí, họ rất khó chơi bóng thanh thoát. Hiệp 2 trận đấu ta thấy rồi, cầu thủ Bồ Đào Nha dứt điểm rất vội nên đã bỏ lỡ những cơ hội mười mươi. Và sau trận HLV Santos thừa nhận, các cầu thủ của ông đã có phần lớn hiệp 2 nôn nóng.

Tôi nghĩ rằng, hoạt động tâm trí quyết định rất lớn tới thành – bại trong bóng đá, đặc biệt là một môi trường bóng đá với những áp lực tứ bề, khủng khiếp như hiện nay.

Nhà báo Phan Đăng: "World Cup năm nay quá nhiều cái lạ…" - Ảnh 4.

ĐT Pháp ăn mừng chiến thắng trước Anh và sẽ gặp "hiện tượng" Maroc ở vòng bán kết. Ảnh: Getty

Với những kỳ World Cup đã qua, anh có kỷ niệm khó quên nào cùng giải đấu này trong quá khứ?

- Tôi nhớ mãi một kỳ World Cup trong quá khứ, đó là mùa bóng năm 1994. Khi đó tôi mới 10 tuổi và rất thích đội tuyển Italia của anh chàng Roberto Baggio. Trong trận chung kết năm đó giữa tuyển Italia và Brazil, Roberto Baggio là người sút quả luân lưu thứ năm và đã đưa bóng đi vọt xà ngang. Vì thế, Italia  mất ngôi vô địch vào tay Brazil. 

Sau trận đấu, cầu thủ này đã trở thành tội đồ và phải chịu sự trách mắng của các fan hâm mộ. Thậm chí, có một câu chuyện kể rằng, những đứa trẻ Italia đã từng vẽ những vòng tròn trên đường, ghi tên Roberto Baggio ở trong, sau đó thi nhau nhổ nước bọt vào cái tên đó.

Bốn năm sau, Baggio cùng tuyển Italia tiếp tục tham dự World Cup. Ngay ở trận đấu đầu tiên, tuyển Italia lại được hưởng một quả phạt đền và người bước lên chấm 11m lại là Roberto Baggio. Lúc này, anh ta phải đối diện với "bóng ma" thất bại của mình ở bốn năm về trước. Áp lực là khủng khiếp nhưng Baggio đã vượt qua áp lực để sút phạt thành công.

Khi nhớ lại câu chuyện này, tôi thấy đây là một câu chuyện rất xúc động và có khả năng truyền cảm hứng với những người đã hoặc đang thất bại. Khi gặp thất bại, chúng ta không nên chìm đắm hoàn toàn trong thất bại đó, tuyệt đối hóa thất bại đó. Trái lại, cần nhận thức đúng về thất bại, và hiểu rằng thất bại nếu được "xử lý" đúng có thể là hạt giống của thành công. Một ví dụ nóng hổi cho điều này: 4 năm trước Maroc đã thất bại trước Bồ Đào Nha sau một pha đánh đầu của Ronaldo. Vậy mà 4 năm sau họ đã thắng Bồ Đào Nha cũng bằng một cú đánh đầu đã khiến Ronaldo phải khóc và đã giúp lịch sử sang trang.

Tuyệt đối hóa thất bại, do vậy là một sai lầm ghê gớm. Bóng đá cũng như cuộc đời, đều như thế cả! Xem bóng đá, chúng ta không chỉ xem những vận động 4-4-2, 4-2-3-1, những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp… cho dù tất cả những điều đó đều rất đáng xem mà xem bóng đá còn để chiêm nghiệm và đúc rút những ứng xử nhân sinh cho chính mình.

Cuộc đời này, rất nhiều lúc chúng ta cũng phải đứng trên chấm luân lưu 11m tra tấn thần kinh. Nó là những bước ngoặt mà nếu sút trúng, đời ta rẽ sang hướng tích cực, nếu sút hỏng có thể rẽ sang hướng tiêu cực. Nào lúc đó bạn sút quả 11m cuộc đời mình như thế nào đây? Một tập hợp những hình ảnh – những kết quả của những cầu thủ từng đứng trước 11m sẽ cho bạn những bài học, những sự sẻ chia quan trọng đấy.

Với tôi những lúc như thế tôi nghĩ đến 2 quả 11m của Baggio.

Cảm ơn nhà báo Phan Đăng về những chia sẻ!