Thầy Giáp Văn Dương là tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật của ĐH Công nghệ Vienna (Áo), từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore. Về nước từ năm 2013, ông dành nhiều thời gian và tâm huyết cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo và đã có nhiều nhận định cấp tiến về giáo dục được nhiều người quan tâm.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương đã chia sẻ với PV báo Dân Việt câu chuyện về sự xuất hiện của “cỗ máy biết tuốt” Chat GPT trong giáo dục.
Gần đây Chat GPT đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Người ta có phần lo ngại rằng AI sẽ có khả năng thay thế con người và nhiều công việc vốn là hot hiện tại có thể sẽ biến mất, Tiến sĩ đánh giá như thế nào?
- Tôi không hề cảm thấy lo lắng, vì như một quy luật, công việc này mất đi thì công việc khác sẽ xuất hiện. Thực tế cho thấy, số lượng công việc mới thường đa dạng và phong phú hơn nhiều sau mỗi phát triển đột phá về công nghệ.
Chẳng hạn, khi các máy dệt ra đời, năng suất lao động tăng lên. Hàng loạt công nhân mất việc. Họ đã đập phá máy móc, và cho rằng các máy dệt chính là nguyên nhân làm họ mất việc. Nhưng rõ ràng, đó chỉ là hiện tượng nhất thời. Số lượng việc làm trực tiếp trong nhà máy dệt giảm, nhưng các công việc mới lại phát sinh, nhiều hơn rất nhiều.
Như vậy, thay cũ đổi mới là quy luật. Luôn luôn phát triển cũng là quy luật. Không ai chống lại được quy luật. Vấn để chỉ là thích nghi được với nó hay không mà thôi. Ai thích nghi được thì sẽ phát triển. Còn không thì sẽ chật vật. Nhưng cũng chỉ là chật vật trong một thời gian thôi. Bản năng sống của cá nhân, các vận động của thị trường và chính sách quản lý của nhà nước sẽ tự sắp xếp, cấu trúc lại vai trò, vị trí của mỗi người để phù hợp với một thực tế mới.
Tiến sĩ cũng gọi Chat GPT là “cỗ máy biết tuốt”. Tiến sĩ cũng đã thử và thấy chúng có khả năng viết văn, làm toán ngoài mong đợi, điều này theo ông là nguy hay cơ?
- Tôi thấy đó vừa là nguy, vừa là cơ. Trong nguy có cơ, đó là tổng kết của người xưa. Ngày nay, điều này vẫn còn đúng. Ai thích nghi được, nhìn ra và khai thác được những cơ hội mới thì đó là cơ. Còn ai không thích nghi được, thì đó là nguy. Nếu xét trên phạm vi toàn xã hội, thì theo tôi, cơ vẫn nhiều hơn nguy, nếu Chat GPT và các phần mềm AI nói chung, được quản lý và sử dụng theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm.
Tuy nhiên, hiện chúng ta còn quá sớm để nói về tác động của Chat GPT và các phần AI đến sự phát triển chung của con người. Các tác động này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của công nghệ, luật và chính sách quản lý đối với AI trong thời gian sắp tới. Đôi khi chỉ một thuật toán AI mới ra đời, hoặc một đạo luật về AI mới được ban hành, thì sự phát triển của AI sẽ rẽ sang một hướng khác hẳn mà ta chưa thể hình dung được.
Điều nhiều người quan tâm là có thể sử dụng Chat GPT trong việc học tập hay không và cách sử dụng như thế nào là hợp lý để hỗ trợ cho tư duy, cách học của trẻ?
- Chat GPT, hay quen thuộc hơn là Google, không thể thay thế được vai trò của người thầy trong giáo dục. Chat GPT cùng lắm chỉ có thể cung cấp thông tin và một phần tri thức, tức “dạy chữ”, chứ không thể “dạy người”. Chỉ có con người mới có thể dạy con người để làm sống và ứng xử như một con người.
Vì thế, ít nhất là trong vài năm nữa, Chat GPT chỉ là công cụ hỗ trợ việc học cho học sinh, sinh viên. Hãy sử dụng Chat GPT như một công cụ hỗ trợ việc học, thay vì cho rằng, đã có một “cỗ máy biết tuốt” bên cạnh, thì không cần học gì nữa.
Chỉ cần đối diện với câu hỏi “Tôi là ai?” hay đơn giản hơn, với một người thầy hỏi thi bằng hình thức vấn đáp, thì cỗ máy biết tuốt cũng trở nên bất lực.
Suy cho cùng, những gì Chat GPT cung cấp là những gì nằm trên các “đám mây”, tức các máy chủ đang đặt đâu đó trên thế giới. Còn tri thức thực sự của ta thì nằm bên trong đầu óc, tâm trí, hành vi, thái độ sống của chúng ta. Nó ở đây, bên trong chúng ta. Những thứ ở bên trong chúng ta thì mới thực sự là của ta. Những thứ đó, ta phải học, phải thực hành, phải trải nghiệm, phải chăm chỉ thì mới có được.
Người ta vừa mừng vừa lo vì AI có thể thay thế con người, nhưng theo Tiến sĩ có những điều gì AI không thế thay thế và truyền thống mãi còn giá trị?
- Việc AI có thể thay thế được con người hay không thì hiện vẫn còn quá sớm, thậm chí quá xa vời để nói đến. Nhưng một số công việc mà con người đang làm sẽ được thay thế bởi các phần mềm AI hoặc các robot AI, thì chắc chắn sẽ xảy ra.
Vậy những gì mà AI không thể thay thế? Rất nhiều. Bản thân cơ thể này của con người AI cũng không thể thay thế. AI chỉ có thể thay thế một số công việc, tức một số thao tác, hành động của con người, chứ không thay thế được rất nhiều chức năng, thuộc tính của con người.
Cụ thể, AI hiện không có cảm xúc, không có ước mơ, không có tình yêu thương, không có lòng trắc ẩn. AI cũng không hiểu được giá trị của các tập tục truyền thống, văn hóa được truyền lại từ ngàn đời.
AI cũng không có được cảm thức về cái Thiện, cái Mỹ, hay Tự do và Công lý. Đặc biệt, AI chưa có khả năng tự nhận thức bản thân mình, chưa thể trả lời những câu hỏi cơ bản của nhân sinh như “Tôi là ai?”, “Tôi sống để làm gì?”…
Đó là những thứ AI không thể thay thế. Đó cũng là thứ tạo ra chúng ta như một con người.
Từ Chat GPT và những công nghệ hiện đại khác cũng như sự thay đổi của thời cuộc, Tiến sĩ có những nhìn nhận nào về sự thay đổi hay một cuộc cách mạng “dịch chuyển” về phương pháp học tập phù hợp khi nhiều cách học cũ đã lỗi thời?
- Chắc chắn sẽ có một sự thay đổi lớn về phương pháp giáo dục, đặc biệt với học sinh trung học, sinh viên đại học và những người đi làm. Các học kiểu đọc-chép, ôn luyện văn mẫu – toán dạng phổ biến hiện thời sẽ không còn giá trị. Cách đánh giá, thi cử cũng thay đổi. Hình thức thi vấn đáp, đánh giá theo quá trình học tập… sẽ trở nên quan trọng.
Học tập suốt đời trở nên cần thiết và dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng với học sinh Mầm non và Tiểu học, cách học sẽ bị ảnh hưởng ít hơn nhiều. Ở các bậc học này, sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò, các kiến thức và kỹ năng cơ bản về đọc, viết, tính toán, quan sát… là tối quan trọng và đều phải tự hình thành dưới sự tương tác, hướng dẫn của người thầy.
Một cách ngắn gọn, các phương pháp giáo dục sẽ phải dịch chuyển theo hướng tiếp cận đồng kiến tạo mà ở đó, Chat GPT hay các phần mềm AI tương tự, sẽ đóng một vai trò quan trọng bên cạnh người dạy và người học.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!