Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường
Sử dụng phân bón hữu cơ là tiền đề phát triển một nền sản xuất an toàn, tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc sử dụng phân bón hữu cơ hiện nay?
- Sau 2 năm thực hiện chương trình đẩy mạnh ứng dụng phân bón hữu cơ trong cánh tác nông nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả nền tảng, là động lực rất quan trọng để phát triển nền nông nghiệp an toàn trong tương lai.
Lãnh đạo Cục BVTV thăm, kiểm tra mô hình sử dụng phân bón hữu cơ cho cây chè tại thôn Hồng Thái II, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên. Ảnh: KHƯƠNG LỰC
Có thể thấy, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ NNPTNT và Chính phủ tại hội nghị phát triển phân bón hữu cơ tháng 3/2018, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả... Qua đó tận dụng và tái tạo các sản phẩm hữu cơ sinh ra trong quá trình canh tác nông nghiệp nên công suất của các nhà máy và sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất ra đã tăng lên rõ rệt.
Đến nay, cả nước có có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 31,6% trong 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017, công suất lên tới 3,5 triệu tấn. Tính đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam xấp xỉ 2.500 sản phẩm, tăng 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017, tăng nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ được công nhận ở cùng thời điểm.
Đã có 50.000ha canh tác sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, các ngành hàng trồng trọt đều ứng dụng phân bón hữu cơ ở tất cả các quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, trong đó có 60 doanh nghiệp lớn.
Điều đáng nói là đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức sử dụng phân bón hữu cơ. Chính phủ đã hoàn thiện bộ thiết chế hạ tầng, tạo hành lang pháp lý cho phát triển phân bón hữu cơ, từ Luật Trồng trọt đến Nghị định 108, Nghị định 108 đều có các quy định khuyến khích phát triển, ứng dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp ủng hộ, vào cuộc sau khi Chính phủ có chủ trương, chỉ trong 2 năm đã đẩy công suất lên 1,5 lần; nông dân cũng chuyển biến về sản xuất khi đã phát triển được 50.000ha canh tác hữu cơ. Đây là nền tảng để coi canh tác hữu cơ không còn là trào lưu mà là một yêu cầu bắt buộc.
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng rõ ràng việc sử dụng phân bón hữu cơ còn hạn chế, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ vẫn khá phổ biến. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
- Rõ ràng so với 15 triệu ha đất canh tác thì con số 50.000ha sử dụng phân bón hữu cơ là quá ít nhưng trong thời gian ngắn thì cũng là một cố gắng lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý nhà nước, các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu. Các cơ chế chính sách còn chưa đủ rõ để khuyến khích phát triển. Việc xây dựng mô hình để khuyến nghị nhân dân tập trung vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa được nhiều, chưa đại trà nên chưa khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ.
Hiện nay, cùng với sự tăng nhanh về nhu cầu sử dụng phân bón sạch để tạo ra những sản phẩm an toàn, lượng phân hữu cơ nhập khẩu cũng tăng. Riêng năm 2017, khối lượng nhập khẩu phân hữu cơ của nước ta khoảng 220.000 tấn, tăng gấp hai lần so với năm 2016.
Việc đưa phân bón hữu cơ vào canh tác hữu cơ, canh tác nông nghiệp sạch không chỉ là một trào lưu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, định dạng sản xuất nông nghiệp thời gian tới, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |
Năm 2019, Việt Nam dự kiến xuất khẩu 100.000 tấn phân bón, trong đó, hướng phân hữu cơ là một trong những tiềm năng mà chúng ta cần hướng tới. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có 15 triệu ha canh tác hàng năm với nhu cầu bình quân khoảng 80 triệu tấn phân hữu cơ, như vậy "dư địa" của lĩnh vực này là rất lớn.
Một trong những khó khăn nhất hiện nay là thay đổi thói quen canh tác của người dân. Để khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn, cần có những giải pháp gì?
- Tương lai nền nông nghiệp Việt Nam sẽ từng bước chuyển đổi theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi bền vững, từng bước hạn chế chạy theo số lượng và xuất khẩu thô nên vai trò của ngành nông nghiệp hữu cơ, vai trò của phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học đóng vai trò then chốt. Năm 2020 giả sử đạt 3 triệu tấn thì như vậy tiềm năng thời gian tới còn rất lớn để tổ chức sản xuất, trong khi nguyên liệu đầu vào chúng ta rất chủ động. Việc thay đổi thói quen của người dân đúng là không thể trong một sớm một chiều, nhưng nếu có những mô hình canh tác hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, an toàn cho người sử dụng và môi trường thì chắc chắn diện tích sử dụng phân bón hữu cơ sẽ tăng.
Mỗi năm chúng ta có 100 triệu tấn phế thải từ nông nghiệp, đây là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất phân bón hữu cơ. Hiện nay, công nghệ vi sinh phát triển rất mạnh, người dân có thể tận dụng những nguyên liệu này để tự sản xuất phân bón hữu cơ, vừa góp phần chi phí sản xuất, vừa làm sạch môi trường.
Xác định đây là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về phân bón hữu cơ bằng cách cụ thể hóa Luật Trồng trọt, Nghị định 109/2018, Nghị định 57/2018…
Tôi xin nhắc lại, việc đưa phân bón hữu cơ vào canh tác hữu cơ, canh tác nông nghiệp sạch không chỉ là một trào lưu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, định dạng sản xuất nông nghiệp thời gian tới, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT): Hành lang pháp lý tương đối đầy đủ Hiện công tác quản lý nhà nước về phân bón ngày càng được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Trong đó, chính sách nhà nước về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4 Luật Trồng trọt năm 2018 (bắt đầu có hiệu lực từ 1/2/2020). Các tiêu chuẩn (TCVN), quy chuẩn (QCVN) để kiểm soát chất lượng phân hữu cơ đang được hoàn thiện về số lượng và chất lượng như TCVN về phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học và vi sinh vật, quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón, kiểm soát các phòng thử nghiệm, khảo nghiệm phân bón... Để thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ phải hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ, như: Ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông về phân bón hữu cơ; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ chuyển dần sang sản xuất phân bón hữu cơ. Công tác nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất. Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm: Xây dựng lòng tin cho nông dân Quế Lâm đang phát triển sản xuất phân bón hữu cơ theo hai mô hình. Thứ nhất, doanh nghiệp tự sản xuất và tiêu thụ phân hữu cơ, sau đó thu mua lại nông sản của bà con để tạo thành chuỗi hữu cơ khép kín. Thứ hai, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, chuyển giao các chế phẩm hữu cơ, vi sinh để người dân tự xử lý các phế phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt thành phân hữu cơ. Để thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ, quan trọng là từ phía người tiêu dùng, phải xây dựng lòng tin cho nông dân, người tiêu dùng đồng thời xây dựng chuỗi trong nông nghiệp từ sản xuất, tiêu thụ phân bón cũng như tiêu thụ những nông sản sạch cho bà con nông dân. A.T (ghi) |