Quy định “Made in VietNam”: Lỗ hổng pháp lý lớn, doanh nghiệp đua nhau vi phạm

16/11/2019 10:25 GMT+7
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều mặt hàng có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ quan chức năng, lỗ hổng pháp lý trong quy định xác định xuất xứ “Made in VietNam” tạo điều kiện doanh nghiệp trục lợi. Liệu còn bao nhiêu doanh nghiệp như Asanzo, SEVEN.am, Khaisilk...chưa bị phát hiện?

Liên tục phát hiện hàng hóa "nhập nhèm" xuất xứ

Mới đây, các sản phẩm quần áo thời trang, túi xách nhãn hiệu SEVEN.am được người tiêu dùng và các cơ quan báo chí phản ánh về nghi vấn là hàng Trung Quốc nhập khẩu sau đó cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Cục QLTT) Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hệ thống cửa hàng thời trang SEVEN.am. Qua kiểm tra, Đội QLTT số 14 ghi nhận trên toàn bộ các sản phẩm được bày bán tại các showroom SEVEN.am đều có tem của sản phẩm SEVEN.am, xuất xứ Made in Vietnam gắn dấu hợp quy.

Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ ghi địa chỉ DN phân phối đó là "Công ty CP MHA" - thời trang SEVEN.am. Sau sự kiện trên, sáng 12/11, nhiều cửa hàng thời trang thuộc thương hiệu SEVEN.am có địa chỉ tại Hà Nội đã "âm thầm" đóng cửa.

Quy định “Made in VietNam”: Lỗ hổng pháp lý lớn, doanh nghiệp đua nhau vi phạm - Ảnh 1.

Vụ việc thương hiệu thời trang SEVEN.am "nhập nhèm" xuất xứ gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Việc các cửa hàng kinh doanh chưa xuất trình hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm không phải chuyện mới. Những vụ việc này khiến dư luận dấy lên nhiều nghi vấn, phải chăng vẫn còn nhiều doanh nghiệp có hành vi gian lận xuất xứ như Khaisilk, Asanzo… chỉ là do chưa bị phát hiện?

Cụ thể, chiều 4/11, tại 503 Bát Khối, quận Long Biên, Đội QLTT số 17 kiểm tra phát hiện và thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm quần áo không có hóa đơn chứng ở một cơ sở sản xuất quần áo. Những sản phẩm này đang trong quá trình thay đổi tem nhãn thành "Made in Việt Nam" và gắn các thương hiệu nổi tiếng như NEM, IFU…

Theo thông tin từ các lực lượng chức năng ngành Hải quan cho thấy, nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã xuất hiện nhiều thông tin thể hiện bằng tiếng Việt trên bao bì, phiếu bảo hành… nhiều sản phẩm.

Bên cạnh đó, thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ, trụ sở, trung tâm bảo hành tại Việt Nam được ghi bằng tiếng Việt với nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc lợi dụng xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan, Tổng Cục Hải quan cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp.

"Theo tôi, có 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ cao gồm: Nhóm hàng dệt may; da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ.

Đây là các mặt hàng có dấu hiệu rủi ro cao khi vốn đầu tư không tăng cao, nhưng xuất khẩu lại lớn. Đặc biệt, đây là hàng hóa mà Mỹ đang giám sát đặc biệt ở Trung Quốc. 6/15 nhóm hàng này đang bị Mỹ áp dụng đánh thuế thương mại từ Trung Quốc. Trong khi đó, đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu cao, lượng nhập vào Việt Nam nhiều và xuất đi cũng nhiều. Do vậy, cần dựa vào dấu hiệu bất thường trong đầu tư, để kiểm soát chặt chẽ." ông Âu Anh Tuấn cho hay

Quy định chưa rõ ràng, chế tài xử phạt thiếu tính răn đe

Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ quan chức năng, quy định về cách xác định xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam đang có lỗ hổng pháp lý rất lớn, thiếu căn cứ. Ngoải ra, mức xử phạt đối với các hành vi như buôn bán, sản xuất hàng giả mới chỉ dừng lại mức xử phạt hành chính chỉ với vài chục triệu đồng, không đủ sức răn đe.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội thông tin, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy chuẩn thế nào là hàng "Made in Vietnam".

Các quy định hiện hành vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh nên QLTT chỉ có thể kiểm tra, bắt giữ hàng hóa nhập lậu. Trong khi đó, hàng hóa sản xuất trong nước, gắn nhãn "Made in Vietnam" chưa có căn cứ xác minh xuất xứ đó đúng hay không.

Quy định “Made in VietNam”: Lỗ hổng pháp lý lớn, doanh nghiệp đua nhau vi phạm - Ảnh 2.

Chế tài xử lý vi phạm về nhãn hiệu, xuất xứ còn nhẹ khiến các doanh nghiệp như SEVEN.am, Khải Silk... xuất hiện ngày càng nhiều.

Ngoài ra, ông Phạm Bá Dục, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội cho biết thêm, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ "sản xuất tại", "nước sản xuất", "xuất xứ" hoặc "sản xuất bởi" được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định. Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về Việt Nam lắp ráp bằng công nghệ "tuốc-nơ-vít" và gắn nhãn "xuất xứ Việt Nam", ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại USAID đánh giá, nếu tình trạng gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ không được cải thiện, hàng hóa Việt sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông Claudio Dordi, có rất nhiều hàng hóa được "chuyển tải" đơn giản từ Việt Nam mà không có sự thay đổi vật lý nào đối với sản phẩm. Hoặc sản phẩm chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp đơn giản (không tạo ra sự chuyển đổi đáng kể) rồi xuất đi Mỹ, EU.

Tình trạng trên làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đối với các thị trường khó tính, hàng hóa từ có nguồn gốc xuất xứ không đáng tin cậy sẽ phải kiểm tra chặt chẽ, thủ tục phức tạp hơn.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục