Sai phạm đường Lê Văn Lương: Buông lỏng quản lý, yếu kém trong công tác thanh kiểm tra

Thái Nguyễn Thứ sáu, ngày 22/07/2022 17:24 PM (GMT+7)
Nhiều sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương đã được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ. Tuy nhiên, nguyên nhân xuất phát đến từ đâu hay trách nhiệm thuộc tổ chức, cá nhân nào vẫn tiếp tục cần được làm rõ. Trong đó, việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương cũng cần phải được đưa ra để xử lý trách nhiệm.
Bình luận 0

Buông lỏng quản lý xây dựng dẫn đến sai phạm đường Lê Văn Lương

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm đường Lê Văn Lương. Với quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương, trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra có 12 dự án không bố trí cây xanh, 1 dự án chỉ đạt 10%. Đáng chú ý là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 không tuân thủ quy định tại Điều 3 Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau khi di dời, các cơ quan không ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp.

Việc buông lỏng quản lý xây dựng là nguyên nhân dẫn đến sai phạm đường Lê Văn Lương. (Video: Thái Nguyễn)

Với quy hoạch chi tiết hai bên đường Tố Hữu phê duyệt năm 2016 cũng có một số chỉ tiêu quy hoạch không đúng với quy chuẩn. Cụ thể có 12 dự án không bố trí diện tích cây xanh, có tới 5 dự án thiếu rất nhiều (chỉ đạt 2,36 - 7,4%), một dự án thiếu so với quy định…

Không chỉ quy hoạch không tốt, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, Thanh tra Bộ Xây dựng còn chỉ ra nhiều bất cập trong việc cấp phép xây dựng của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội là Sở Xây dựng, UBND các quận. Cụ thể, có 12 giấy phép xây dựng không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở; 3 giấy phép xây dựng cấp không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật được chấp thuận; 9 giấy phép xây dựng cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng vi phạm luật Xây dựng 2014; 2 giấy phép xây dựng ghi số tầng không đúng với quy chuẩn xây dựng.

UBND quận Thanh Xuân cấp 10 giấy phép xây dựng không đúng về diện tích sàn, chiều cao công trình. UBND quận Hà Đông cấp 10 giấy phép xây dựng tại điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc sai hệ số sử dụng đất, chiều cao tầng so với quy hoạch chi tiết được duyệt. UBND quận Nam Từ Liêm cấp giấy phép xây dựng sai mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất so với tổng mặt bằng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở, không có chỉ giới xây dựng…

UBND các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông chịu trách nhiệm với những bất cập trong việc cấp giấy phép xây dựng (Ảnh: Thái Nguyễn)

UBND các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông chịu trách nhiệm với những bất cập trong việc cấp giấy phép xây dựng trên tuyến đường Lê Văn Lương. (Ảnh: Thái Nguyễn)

Trong khi đó, UBND thành phố Hà Nội thiếu chỉ đạo, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý dứt điểm vi phạm tại một số dự án; Sở Xây dựng đã thiếu kiểm tra, xử lý không triệt để các vi phạm tại 2 dự án, công trình; UBND quận Thanh Xuân, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, UBND phường Nhân Chính không xử lý vi phạm tại 6 dự án, công trình; UBND quận Hà Đông, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, UBND phường Vạn Phúc đã không xử lý vi phạm tại 2 dự án, công trình; UBND quận Nam Từ Liêm, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, UBND phường Đại Mỗ đã không xử lý vi phạm tại 2 dự án, công trình...

Xử lý trách nhiệm việc buông lỏng quản lý dẫn tới sai phạm đường Lê Văn Lương

Đối với hành vi buông lỏng quản lý về trật tự xây dựng, về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Chính quyền địa phương từ cấp UBND xã, phường đến UBND quận, huyện các cơ quan chuyên môn thuộc UBND không thể nói là không biết việc vi phạm. Nhà nước giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện hoạt động quản lý hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng mà các cơ quan này lại không biết việc vi phạm thì các cơ quan chức năng chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.

Còn nếu cơ quan, người có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng đã phát hiện việc lấn chiếm, xây dựng không phép mà vẫn để họ tiếp tục xây dựng thì hành vi này là bao che, cố ý làm trái quy định của nhà nước. Thậm chí, dư luận cho rằng việc để người dân vi phạm bởi cán bộ đã được "lót tay", đút lót hay nhận hối lộ thì rất nguy hiểm bởi vì nó làm mất đi niềm tin của nhân dân vào chính quyền, cán bộ.

Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra không thường xuyên dẫn tới sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương (Ảnh: Thái Nguyễn)

Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra không thường xuyên dẫn tới sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương (Ảnh: Thái Nguyễn)

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng trách nhiệm thuộc thẩm quyền tổ chức, cá nhân nào thì phải xử phạt đúng trách nhiệm, không bao che. UBND cấp phường, cấp quận sai thì UBND thành phố cũng có trách nhiệm khi buông lỏng quản lý.

"Nhiều sai phạm đã được chỉ ra trong đó việc buông lỏng quản lý xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm đường Lê Văn Lương. Việc này đầu tiên phải xử lý trách nhiệm của UBND cấp phường, cấp quận vì trực tiếp quản lý nhưng lại để một số chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch. Việc này cũng có trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội vì không thanh tra, giám sát thường xuyên", luật sư Đức chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải là những người chịu trách nhiệm đầu tiên cho những sai phạm quy hoạch trong một thời gian dài, khiến một trục đường huyết mạch của thủ đô như trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương đã bị băm nát bởi các tòa nhà chung cư "mọc lên như nấm".

"Đầu tiên phải nhìn nhận việc kiểm tra, thanh tra của chúng ta yếu kém, một số địa phương còn ngần ngại thực hiện nhiệm vụ này. Chúng ta phải thay đổi thể chế quản lý, phải đẩy mạnh hơn công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính cấp trên xuống các cơ quan hành chính cấp dưới", GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem