dd/mm/yyyy

Sản phẩm OCOP của Mộc Châu khẳng định được chỗ đứng

Tận dụng những lợi thế của địa phương, huyện Mộc Châu (Sơn La) triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Mộc Châu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Clip: Huyện Mộc Châu (Sơn La) đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm nông nghiệp.

Tận dụng lợi thế phát triển sản phẩm OCOP

Huyện Mộc Châu (Sơn La) từ lâu được biết đến là nơi có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao, nhất là các loại hoa quả như mận, xoài, chuối, hồng giòn… Phát huy điều này, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Mộc Châu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm OCOP của Mộc Châu khẳng định được chỗ đứng- Ảnh 1.

Tận dụng những lợi thế của địa phương, huyện Mộc Châu (Sơn La) đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP. Ảnh: Đức Anh

HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu đã tạo mối liên kết với khoảng 200 hộ dân trên diện tích 100 ha trồng các loại cây ăn quả, cây rau theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ và 1 cơ sở chế biến quả với diện tích 4.000 m² được đầu tư hệ thống thiết bị dây chuyền hiện đại sản xuất sản phẩm: Rượu vang, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo... Hiện, HTX đang sản xuất 25 sản phẩm, trong đó 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP gồm 3 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phẩm đạt 3 sao.

Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu cho biết: HTX đã tuyên truyền, vận động các hộ dân thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn; liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong việc bao tiêu sản phẩm theo chuỗi khép kín, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Sản phẩm OCOP của Mộc Châu khẳng định được chỗ đứng- Ảnh 2.

HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Mộc Châu phấn đấu mỗi xã có 1 sản phẩm OCOP

Đầu thắng 5/2024, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La đã phối hợp với UBND huyện Mộc Châu tổ chức Hội nghị công bố quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao của huyện Mộc Châu năm 2023 và triển khai chương trình OCOP năm 2024.

Theo đó, sản phẩm OCOP của huyện Mộc Châu đạt 4 sao, gồm: Cà chua và khoai tây an toàn của HTX Tự Nhiên, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang; 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của 2 chủ thể, gồm: Bộ sản phẩm sữa chua nguyên kem Amifarm Mộc Châu (Sữa chua nguyên kem, sữa chua nếp cẩm, sữa chua chanh leo) của hộ kinh doanh Amifarm Mộc Châu, tại tiểu khu 34, xã Tân Lập và 2 sản phẩm xoài sấy dẻo Cường Hoa, mận sấy dẻo Cường Hoa, của hộ kinh doanh Hoàng Thị Hoa, tiểu khu 30/4, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.

Sản phẩm OCOP của Mộc Châu khẳng định được chỗ đứng- Ảnh 3.

Đến nay huyện Mộc Châu (Sơn La) đã có 35 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Trong thời gian qua, chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện, giúp các chủ thể phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP theo hướng ổn định, phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Theo thống kê, sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP huyện Mộc Châu đã có 35 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao. Đứng đầu toàn tỉnh về số lượng các sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP của Mộc Châu khẳng định được chỗ đứng- Ảnh 4.

Nhờ triển khai có hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" nông dân huyện Mộc Châu nâng cao thu nhập. Ảnh: Đức Anh

Năm 2024, huyện Mộc Châu tập trung đề xuất 7 sản phẩm OCOP mới, phấn đấu đến năm 2025, mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm OCOP. Tiếp tục thông tin tuyên truyền về chương trình OCOP; tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất cũng như yêu cầu thị trường.

Văn Ngọc