dd/mm/yyyy

Tảng đá lạ dưới lòng sông Chu có phải ngôi mộ cổ?

Khi phát hiện một khối đá lạ dưới lòng sông Chu, người dân làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nghi đây là mộ cổ Hoàng Thái Hậu nên đã báo lên chính quyền địa phương để xác minh.

Khối đá lạ nghi là mộ cổ Hoàng Thái Hậu

Theo trang An ninh tiền tệ, vào khoảng tháng 6 năm 2016, trong khi lặn vớt củi trên sông Chu, ông Nguyễn Văn Bình vô tình đụng vào một khối đá lạ dưới lòng sông. Sau đó, ông Bình đã trình báo tới trưởng thôn và lãnh đạo xã Xuân Hòa.

Khu vục lòng sông Chu, xã Xuân Hòa, nơi người dân phát hiện khối đá lạ nghi mộ cổ (Phong Trần/NĐT)
Khu vục lòng sông Chu, xã Xuân Hòa, nơi người dân phát hiện khối đá lạ nghi mộ cổ (Phong Trần/NĐT)

Ngay khi nhận được phản ánh của người dân và tiến hành kiểm tra thực tế, UBND xã Xuân Hòa đã có báo cáo gửi UBND huyện Thọ Xuân. Theo báo cáo, nằm dưới lòng sông Chu tại khu vực giáp ranh giữa xã Thọ Lập và xã Xuân Hòa có một khối đá lớn, cách mặt nước gần 2m, chiều rộng 2,2m.

Nhiều người dân cho rằng, có thể đây là dấu tích của ngôi mộ cổ (có thể là của Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần), do trong xã có đền thờ bà Phạm Thị Ngọc Trần.

Do trong xã có đền thờ bà Phạm Thị Ngọc Trần nên nhiều người đã lầm tưởng khối đá lạ là mộ bà.
Do trong xã có đền thờ bà Phạm Thị Ngọc Trần nên nhiều người đã lầm tưởng khối đá lạ là ngôi mộ bà (Lương Thị/ANTT).

Chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt khối đá lạ dưới lòng sông Chu này. UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh này phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương, tổ chức kiểm tra, làm rõ tính chính xác của các thông tin và các dấu hiệu có di sản văn hóa dưới nước.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Viện khảo cổ học, thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp kiểm tra, nghiên cứu vật thể được phát hiện dưới lòng sông Chu này. Tiếp đó, Viện khảo cổ học đã cử nhóm nghiên cứu cùng đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân đến khảo sát hiện trường khu vực lòng sông Chu, thuộc địa bàn thôn Thượng Vôi, xã Xuân Hòa.

Khối đá tự nhiên không phải ngôi mộ cổ

Theo Người đưa tin, sau một thời gian dài khảo cứu, mới đây Viện Khảo cổ học Việt Nam đã nhận định, tảng đá lạ tìm thấy trên dòng sông Chu (đoạn qua xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) chỉ là một loại đá tự nhiên bị sạt lở và trôi xuống.

Kết quả khảo sát dưới nước ghi nhận ở giữa lòng sông Chu có một khối hộp không định hình, một mặt phẳng khá vuông vức, mỗi chiều rộng hơn 2m, phần còn lại của khối bị vùi lấp trong lớp cát đáy sông Chu.

Một người dân trong xã chỉ nơi phát hiện khối đá lạ được các nhà khảo cổ lấy mẫu đi giám định (Phong Trần/NĐT).
Một người dân trong xã chỉ nơi phát hiện khối đá lạ được các nhà khảo cổ lấy mẫu đi giám định (Phong Trần/NĐT).

Mẫu vật thu thập ở đây đã được phân tích thành phần thạch học là loài đá magma phun trào hình thành ở lớp vỏ trái đất. Đá có một thời gian dài nằm trên mặt đất tạo nên một lớp patin bề mặt khá dày. Loại đá này không thích hợp với các hoạt động chế tác của con người từ xưa đến nay.

Kết hợp kết quả khảo sát hiện trường và phân tích mẫu vật nêu trên, Viện Khảo cổ học đã nhận định, mẫu vật nằm dưới lòng sông Chu là một tảng đá tự nhiên thường thấy ở vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, có thể do bị sạt lở trôi xuống đáy sông Chu và được người dân phát hiện.

Như vậy, khối đá lạ được tìm thấy dưới lòng sông Chu mà nhiều người nghi ngờ là mộ cổ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần chỉ là một loại đá tự nhiên, không có giá trị về mặt văn hóa.

T.H