Thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Sa Pa

11/05/2024 10:51 GMT+7
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 400/QĐ – TTg thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức PPP.

Theo đó, các thành viên của Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch; Phó chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: GTVT, tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Quốc phòng, Công an; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai.

Cùng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa.

Thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Sa Pa- Ảnh 1.

Quy hoạch sân bay Sa Pa. Ảnh: BQLDA

Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đã có tờ trình số 49/Tr-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa.

UBND tỉnh Lào Cai đề nghị giữ nguyên tổng mức đầu tư của Dự án theo Quyết định số 1773/QĐ-TTg ngày 21/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa là 6.948,845 tỷ đồng, thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư.

Theo đó, tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 4.207,287tỷ đồng (Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng và tái định cư là 555 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không là 3.652,287 tỷ đồng).

Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 2.741,558 tỷ đồng (Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không).

UBND tỉnh Lào Cai còn kiến nghị điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn và phần vốn nhà nước tại Dự án, trong đó đáng chú ý nhất là giai đoạn 1, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là 2.104,769 tỷ đồng; nhà nước tham gia trong dự án là 2.102,518 tỷ đồng ( vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 600 tỷ đồng, ngân sách địa phương tự cân đối 1.502,518 tỷ đồng).

Dự kiến thời gian thực hiện Dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 3 năm 7 tháng; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 5 tháng). Giai đoạn 1 của Dự án thực hiện sau năm 2021. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện sau năm 2028.

Thế Anh
Cùng chuyên mục