Tháo gỡ “nút thắt” để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo

Quốc Hải Thứ năm, ngày 09/07/2020 14:14 PM (GMT+7)
Khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí đang dần cạn kiệt, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái, điện gió… cũng là một trong những định hướng phát triển bền vững, góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cũng như an ninh năng lượng quốc gia…
Bình luận 0
Cần tháo gỡ nhiều “nút thắt” để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Năng lượng tái tạo từ điện mặt trời áp mái đang được nhiều DN đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tại Việt Nam (Ảnh: IT)

Áp lực về năng lượng

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy những tháng đầu năm 2020, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%. Trong khi đó, tình hình thủy văn bất lợi đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc cung cấp từ thủy điện.

Cụ thể, trong tháng 5/2020, dù có mưa lớn tại một số khu vực nhưng lượng nước về các hồ chứa vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 30-60% trung bình nhiều năm, do mưa xảy ra chủ yếu ở vùng hạ lưu các hồ chứa.

Vì vậy, tổng sản lượng thủy điện theo nước về các hồ thủy điện trên toàn hệ thống trong tháng 5/2020 là 2,23 tỷ kWh, thấp hơn 0,84 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Còn tính 5 tháng đầu năm chỉ đạt 9,48 tỷ kWh, thấp hơn 3,26 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Dự kiến, năm 2020 vẫn cơ bản có thể đảm bảo nhu cầu điện, song từ năm 2021 trở đi, nguy cơ thiếu điện đang trở nên hiện hữu. Thậm chí tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng trưởng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay… 

Lo ngại hơn, nhiều dự án nguồn điện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ, hoặc chưa xác định được tiến độ còn rất lớn. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.

Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ và đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án NLTT như điện gió, điện mặt trời… là cần thiết và cấp bách. Hiện tại, cả nước mới phát triển được 5,5 ngàn MW điện NLTT, trong đó có 5 ngàn MW điện mặt trời đi vào vận hành, trong đó dự án quy mô nối lưới đạt 4,5 ngàn MW. Có trên 31,5 ngàn dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất gần 658MWp.

"NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, mới chỉ chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước. Trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các nguồn điện lớn khác cũng cần nhiều thời gian để hoàn thành, vì vậy trước yêu cầu phụ tải tiếp tục tăng nhanh, thì nguồn điện năng lượng tái tạo càng có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện...", đại diện Bộ Công thương, cho hay.  

Cần gỡ nhiều… "nút thắt"

Trên thực tế, nhiều DN hiện đang đẩy mạnh phát triển nguồn NLTT đều chung nhận định, cần có nhiều cơ chế mới được triển khai để tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư NLTT. Cụ thể, đó là cần có cơ chế đấu thầu các dự án điện NLTT nối lưới; cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải; hay các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà; cơ chế đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam…

Theo đại diện các DN, thời gian qua, hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.

"Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng… nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, DN mong muốn đầu tư" - đại diện TTC Energy, một trong những DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời áp mái, cho hay.

Liên quan đến kiến nghị của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn NLTT tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

"Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các chương trình hành động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới. Đồng thời với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho DN, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam" - ông Vượng khẳng định.

NLTT là lĩnh vực nhận nhiều sự ủng hộ, đồng hành từ Chính phủ, trong đó cụ thể có Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ban hành biểu giá FIT-2 áp dụng những công trình vận hành thương mại trước 31/12. Theo đó, giá mua bán điện mặt trời (giá FIT) trên mái nhà sẽ là 1.943 đồng mỗi kWh (trong 20 năm) từ ngày 22/5, song mức giá này chỉ kéo dài cho các dự án hoàn thành trước 31/12 năm nay.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều DN, nếu thời gian áp dụng đến cuối tháng 12/2020, sẽ có nhiều dự án không thể thực hiện kịp, nên sẽ không được hưởng các ưu đãi này dù họ có khả năng thực hiện các dự án.

Vì thế, nhiều DN cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá thêm hai năm, để các DN cân đối nguồn vốn và lựa chọn phương án triển khai phù hợp…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem