Các hành hách chuẩn bị lên một chuyến bay của Lion Air
Các thợ lặn, máy bay không người lái và nhiều thiết bị khác đã được triển khai để trục vớt chiếc máy bay Boeing 737 MAX mang số hiệu JT610 chở 189 người rơi xuống biển Java hôm 29.11.
Chiếc máy bay gặp nạn chỉ vài phút sau khi cất cánh khi đang trên đường bay từ Jakarta đến thành phố Pangkal Pinang ngoài đảo Sumatra.
Sau thảm kịch, chiếc máy bay Boeing 737 MAX gặp nạn được báo cáo là đã bị trục trặc kỹ thuật trong chuyến bay một ngày trước đó, khi thực hiện hành trình từ Bali đến Jakarta.
Người dẫn chương trình truyền hình Indonesia Conchita Caroline cho biết, chuyến bay hôm 28.10 đã bị hoãn tới hơn 1 tiếng. Một vấn đề kỹ thuật đã xảy ra khiến nó phải quay lại bãi đỗ.
Cô cho biết, hành khách trên máy bay đã phải ngồi im mà không có điều hòa không khí trong ít nhất 30 phút. Họ nghe thấy tiếng động cơ gầm "bất thường" trong khi một số trẻ em bị nôn mửa vì nóng và bí. Cho đến khi hành khách trên máy bay thể hiện sự giận dữ, phi hành đoàn mới mở cửa để họ rời khỏi máy bay.
Khoảng 30 phút sau khi hành khách chờ đợi trên đường băng, họ được đề nghị lên máy bay trong khi động cơ vẫn đang được kiểm tra.
Caroline cho biết cô đã hỏi một nhân viên máy bay về sự cố nhưng người này lảng tránh. "Anh ta cho tôi xem giấy phép bay đã được ký và chỉ nói rằng, vấn đề đã được giải quyết", Caroline chia sẻ.
Hoạt động cứu hộ đang diễn ra để tìm kiếm chiếc máy bay Lion Air rơi xuống biển hôm 29.10
Một hành khách khác tên là Alon Soetanto cũng cho biết, chiếc máy bay đã hạ độ cao đột ngột trong vài phút đầu cất cánh.
"Khoảng 3 đến 8 phút sau khi cất cánh, tôi cảm thấy như chiếc máy bay đang mất nhiên liệu và không thể bay lên cao được. Điều đó cũng xảy ra nhiều lần trong chuyến bay. Chúng tôi cảm thấy như đang ngồi trong tàu lượn siêu tốc. Một số hành khách bắt đầu hoảng sợ và nôn mửa".
Lời kể của hành khách Soetanto phù hợp với dữ liệu từ các trang web theo dõi chuyến bay, cho thấy máy bay Boeing 737 MAX 8 liên tục thay đổi vận tốc, độ cao ở những phút đầu sau khi cất cánh.
Loạt máy bay Boeing 737 MAX mới chỉ đi vào hoạt động thương mại từ năm 2016 và đây là vụ tai nạn đầu tiên liên quan đến dòng máy bay này. Máy bay Boeing 737 MAX, có sức chứa lên đến 210 hành khách, đã nhận được 4.783 đơn đặt hàng của các hãng hàng không trên toàn thế giới, với 219 chiếc được hoàn thành vào tháng 9.2018, theo số liệu của Boeing.
Hôm 30.10, giới chức Indonesia đã yêu cầu kiểm tra toàn diện các máy bay Boeing 737 MAX 8 đang hoạt động ở nước này. Hãng bay Lion Air, được thành lập vào năm 1999, đã gặp một số vấn đề về an toàn và bảo trì trong quá khứ khiến hãng bị cấm bay vào không phận châu Âu từ năm 2007 đến năm 2016. Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2016. Máy bay hãng này từng gặp tai nạn năm 2004 khiến 25 người thiệt mạng ngoài một số sự cố khác bao gồm một vụ máy bay hạ cánh trên biển gần Bali. Vụ này toàn bộ 108 hành khách đều may mắn sống sót.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.