Thị trường hết lo khối ngoại “bán ròng”, tiền tiếp tục đổ vào chứng khoán

Quốc Hải Thứ hai, ngày 07/06/2021 09:37 AM (GMT+7)
Sức ảnh hưởng từ động thái bán ròng của khối ngoại đã bị triệt tiêu do dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do Covid-19, dự báo sẽ có lợi cho kênh chứng khoán khi lượng tiền lớn của nhà đầu tư cá nhân đổ vào.
Bình luận 0
Thị trường hết lo khối ngoại “bán ròng”, tiền tiếp tục đổ vào chứng khoán - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán đang chứng kiến làn sóng đổ bộ của nhà đầu tư cá nhân (Ảnh: IT)

Động thái bán ròng hết "làm mưa, làm gió" thị trường chứng khoán

Theo SSI Research, sức ảnh hưởng của dòng vốn nước ngoài tới một số thị trường chứng khoán (TTCK) lớn ở Châu Á đang yếu đi và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân trong nước gần như đã triệt tiêu sức ảnh hưởng từ động thái bán ròng của khối ngoại.

Thị trường hết lo khối ngoại “bán ròng”, tiền tiếp tục đổ vào chứng khoán - Ảnh 1.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước đang dần 'chiếm sóng' thị trường (Nguồn: SSI Research)

Cụ thể, số lượng tài khoản cá nhân mở mới trên TTCK Việt Nam theo tháng từ tháng 6/2020 đến nay tăng mạnh và đi kèm với đó là các kỷ lục mới về điểm số và thanh khoản liên tục thiết lập. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng lên mức cao nhất 87% vào tháng 5/2021; lũy kế từ đầu năm đến nay tỷ trọng giao dịch của khối này ở mức 83,3%, cao nhất trong những năm gần đây.

Trong khi đó, về lạm phát, giá nguyên liệu đầu vào vẫn trên đà tăng mạnh, nhưng sự tác động của các yếu tố này lên chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam là hạn chế, sức tiêu thụ trong tháng 5 cũng thấp hơn kỳ vọng (do có sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19) cũng ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả.

Số liệu tháng 5 cho thấy CPI chỉ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ. Dịch bệnh lan rộng trong làn sóng Covid thứ 4 dẫn tới nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội cục bộ, bao gồm cả TP HCM, chúng tôi cho rằng áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng trong ngắn hạn là không đáng kể. Ngoài ra, nguồn cung VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, đặc biệt sẽ có một lượng nội tệ lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7, 8 tới.

"Vì vậy, dù vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý 3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc nhưng chúng tôi chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn", chuyên gia của SSI Research, bình luận.

Thị trường hết lo khối ngoại “bán ròng”, tiền tiếp tục đổ vào chứng khoán - Ảnh 2.

Số lượng tài khoản mở mới trên TTCK Việt Nam theo tháng (Nguồn: SSI Research)

Như vậy, mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đình trệ do Covid sẽ tiếp tục có lợi cho kênh chứng khoán khi lượng tiền lớn đổ vào TTCK thông qua các tài khoản cá nhân để tìm kiếm lợi nhuận.

Thị trường chứng khoán có thể tăng điểm, nhà đầu tư nên đi tiếp hay… dừng lại?

Trên thực tế, thời gian qua chỉ số VN - Index đã lần lượt chinh phục các ngưỡng kháng cự quan trọng và chính thức vượt qua vùng giá mục tiêu 1.350 điểm. Tiếp đà tăng, VN Index tiếp tục đi lên trong các phiên đầu tháng 6 và hiện đang ghi nhận mức đỉnh mới 1.374,05 điểm, đi cùng với khối lượng giao dịch bùng nổ.

"Chúng tôi tin rằng quán tính tăng điểm vẫn được duy trì ở nửa đầu tháng 6 nhờ động lực mạnh mẽ từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. VN-Index có thể tiếp tục hướng về vùng mục tiêu tiếp theo 1.400 điểm và có thể đi xa hơn trong trường hợp hạn chế của hệ thống giao dịch được khắc phục vượt kỳ vọng", chuyên gia SSI Research, dự báo.

Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng thể hiện quan điểm thận trọng khi chỉ số VN-Index và chỉ số VN30 đã tăng 23,59% và 40,5% nếu tính từ đầu năm có thể sẽ kích hoạt mạnh cung chốt lời trong ngắn hạn khi các chỉ số tiếp tục tiến lên vùng điểm số cao hơn.

"Phân tích kỹ thuật cũng ủng hộ cho quan điểm này, khi sóng 5 tăng giá của mẫu hình Elliot đang dần được hoàn thiện thì nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận trong quá trình chỉ số VNIndex hướng về vùng 1.400 điểm và quay lại tìm cơ hội ở vùng hỗ trợ gần là 1.350 điểm và xa hơn là 1.300 điểm khi có điều chỉnh diễn ra", các chuyên gia SSI Research, khuyến nghị.

Khối ngoại tận dụng giá cao quay lại bán ròng

Sau khi giảm tốc độ bán ròng trong tháng 4, khối ngoại đã quay lại bán ròng mạnh 16 phiên trong tháng 5 với tổng giá trị -11.687 tỷ đồng cao hơn mức bán ròng 11.356 tỷ đồng ở tháng 3.

HPG dẫn đầu với giá trị bán ròng gần 4.000 tỷ đồng cùng với các cổ phiếu trụ cột khác như CTG (-1.339 tỷ đồng), VPB (-1.272 tỷ đồng), VIC (-1.200 tỷ đồng), VNM (-765 tỷ đồng), NVL (-614 tỷ đồng), MBB (-530 tỷ đồng), VCB (-409 tỷ đồng), KBC (-380 tỷ đồng), VRE (-329 tỷ đồng).

Phía mua ròng, giá trị vừa phải được ghi nhận ở các cổ phiếu TDH, VHM, PLX, FPT, STB, VTP, DHC, GMD, ACV và NKG


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem