Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, có hiệu lực 14/1/2019, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng 78 - 95% số dòng thuế và cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước.
CPTPP tạo ra một trong những thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới, trải dài cả 3 châu lục Á, Mỹ và Đại Dương với thị trường lên tới gần 500 triệu dân và GDP vào khoảng hơn 13.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu.
Là 1 trong 11 thành viên của CPTPP, Việt Nam là quốc gia đất chật người đông, do đất nước trải dài có nhiều vùng khí hậu khác nhau nên có nhiều sản phẩm nông sản theo các mùa vụ khác nhau. Chính vì vậy, nông sản, thủy sản luôn là một trong những nhóm mặt hàng quan trọng trong tổng thể cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Điều này cũng ý nghĩa hơn khi thời gian qua hàng nông sản Việt Nam đã ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới và được người tiêu dùng của nhiều nước phát triển trên thế giới tin dùng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan này.
Từ năm 2000 đến nay, nhiều loại nông sản Việt Nam được xếp hạng top 10 trên thế giới. Như gạo đứng thứ 2 thế giới. Nhiều thập kỷ đã coi đồng bằng Nam bộ là bát cơm của châu Á "Rice Bowl of Asia". Hạt tiêu và hạt điều đứng đầu thế giới về sản lượng. Cà phê hơn 10 năm nay luôn giữ vị trí nước sản xuất cà phê vối (robusta) đứng đầu và tổng tất cả các loại cà phê đứng thứ 2 trên thế giới sau Brasil…
Sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 42,3 tỷ USD trong năm 2018.
Năm nay, Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD. Đến nay, nửa quảng đường của năm 2019 đã đi qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 19,75 tỷ USD, tăng 2,1% cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhóm hàng nông sản giảm 8,8%; thủy sản tăng 0,7%; lâm sản tăng 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cao su, gỗ, cà phê, ca cao, điều, tiêu, gạo, rau quả, thủy sản... chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đều được xem là sẽ có nhiều lợi thế.
Ngược lại, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt hơn. Đây sẽ là thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua. Thách thức lớn khi tham gia CPTPP đối với Việt Nam còn là sức ép cạnh tranh đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Với những lý do đó, Báo Nông thôn Ngay/ Dân Việt phối hợp với Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo: “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” để bàn về những cơ hội, thách thức cũng như đưa ra những giải pháp để nông sản Việt Nam cất cánh trong CPTPP.
Để làm được điều đó, theo lãnh đạo Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu.
Xem xét xây dựng quy hoạch sản xuất từng loại nông sản cho thị trường xuất khẩu cụ thể trên cơ sở nghiên cứu kỹ quy mô thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, xu thế thị trường thế giới...
Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ khâu sản xuất đến gia công xuất khẩu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và thị trường xuất khẩu cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ cấp chứng thư đối với hàng nông sản xuất khẩu.
Tăng cường công tác tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP và xem xét khả năng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, đầu tư trang thiết bị tương thích với các nước phát triển nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của nước nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản xuất khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải xem xét khả năng thúc đẩy đàm phán, ký kết Thỏa thuận về SPS/TBT giữa Việt Nam với các thị trường mới nhằm tạo khung pháp lý ổn định cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác xuất khẩu, đặc biệt là các Hội nghị song phương/đa phương về kiểm nghiệm kiểm dịch để trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Xây dựng lộ trình và kế hoạch thúc đẩy mở cửa thị trường nước ngoài cho các mặt hàng nông sản mới của Việt Nam trên cơ sở nhu cầu, thị hiếu của thị trường xuất khẩu và thế mạnh hàng nông sản Việt Nam.
Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất khẩu và tăng cường xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản. Song song với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, cần nghiên cứu tổ chức Tuần hàng hoặc Lễ hội hàng nông sản đặc sắc Việt Nam trong và ngoài nước, kết hợp với việc mời cơ quan truyền thông tại sở tại đưa tin rộng rãi về các hoạt động này.
Căn cứ nhu cầu, đặc điểm thị trường xuất khẩu, nghiên cứu khả năng xây dựng thương hiệu, bao bì riêng cho hàng nông sản Việt Nam tại từng thị trường cụ thể. Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số địa phương như Bắc Giang, Sơn La đã làm rất tốt nhiệm vụ này, đem lại hiệu quả cao cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.