ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn)
Qua theo dõi vụ việc ông Đoàn Ngọc Hải ở TP.HCM, buổi sáng ngày 4/6 vừa nhậm chức, ngay buổi chiều đã xin từ chức, ông thấy việc phân công, bố trí cán bộ có hợp lý?
Nếu xét theo đơn của ông Đoàn Ngọc Hải (trong đơn từ chức có nói về nguyện vọng đi công tác huyện Cần Giờ, TP.HCM) và cũng nhiều ý kiến dư luận thấy việc bổ nhiệm với ông Hải như thế không phù hợp. Quy định của Đảng thể hiện rất rõ ràng, đó là bố trí cán bộ làm sao phù hợp với năng lực sở trường và trình độ chuyên môn nghiệp của họ. Đối với nhiều người vị trí Phó tổng giám đốc như lãnh đạo TP.HCM phân công cho ông Hải là một mong ước, có thể có nhiều người phải tìm cách để vào được vị trí đó.
Việc vừa nhậm chức xong lại từ chức có bị coi là việc làm chống đối tổ chức không thưa ông?
Theo tôi việc vừa nhậm chức xong lại từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải không nên xem là chống đối. Bởi vì ông Hải làm như vậy (từ chức) là có liêm sỉ. Xét ở khía cạnh nào đó đấy chính là sự liêm chính của cán bộ.
Tôi rất chia sẻ với ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, khi vị Chủ tịch này nói chức phân công cho ông Đoàn Ngọc Hải tương đương với chức phó giám đốc Sở. Nhưng ở đây người ta (ông Hải- PV) không vì quyền chức, mà cần bố trí cán bộ làm sao để phát huy được năng lực, sở trường. Bản thân ông Đoàn Ngọc Hải đang làm một việc rất tốt theo đúng chủ trương của Thành phố là muốn đô thị văn minh.
Việc ông Đoàn Ngoc Hải buổi sáng nhậm chức, buổi chiều từ chức khiến dư luận xôn xao (ảnh IT).
Trong đơn xin từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải có viết: “…Phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có “máu mặt” và kết quả đối với cá nhân tôi ngày hôm nay là như vậy”, ông có suy nghĩ gì
- Nếu đúng như trong đơn ông Đoàn Ngọc Hải nêu, do việc thực thi công vụ đã động chạm đến những nhóm lợi ích khác mà phải luân chuyển như thế thì tôi cho rằng công tác cán bộ của chúng ta bắt đầu có vấn đề, có sự lệch chuẩn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân mà ảnh hưởng đến cả công tác cán bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cán bộ dẹp lấn chiếm vỉa hè “mạnh tay” như ông Đoàn Ngọc Hải đã làm không hợp với lòng dân, ông nghĩ sao?
- Nếu ai đó nhận định không phù hợp với lòng dân là sai. Lòng dân ở đây là ai, là số đông nhân dân cả nước, số đông là nhân dân TP. Hồ Chí Minh hay số đông là những người bị dẹp.
Tôi rất nhớ có nhiều ý kiến cho rằng đừng đưa vấn đề kiếm miếng cơm manh áo ra để làm vật để trao đổi. Đảng và Nhà nước luôn luôn có định hướng là làm sao để cho dân chúng ta no ấm. Nhưng chúng ta không phải no ấm bằng mọi giá, no ấm bằng việc gây ảnh hưởng người khác là không được. Việc người bán hàng biến vỉa hè thành nơi kinh doanh đó là vi phạm pháp luật chứ không thể nói không hợp lòng dân được.
Theo tôi khái niệm không hợp lòng dân là sự đánh tráo khái niệm để có dụng ý xấu đối với việc giải phóng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm để đảm bảo cho đô thị văn minh.
Cũng có ý kiến cho rằng việc dẹp vỉa hè bị lấn chiếm phải làm dần dần chứ không thể làm quá quyết liệt, ông thấy sao?
- Có nhiều người nói việc dẹp vỉa hè bị lấn chiếm cần có lộ trình, vậy như thế nào là lộ trình, như thế nào là đột phá… Chúng ta hình dung một anh đang chiếm vỉa hè nay tôi không cho anh chiếm nữa thì sao gọi là phải làm có lộ trình. Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, đậu đỗ xe ô tô là xâm phạm đến quyền lợi của rất nhiều người (người tham gia giao thông) đấy là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Như thế có làm không? Cho nên chúng ta không nên đặt ra câu chuyện làm có lộ trình hay không lộ trình. Nguyên tắc là phải làm, đã vi phạm pháp luật là phải bị xử lý. Chứ xử lý vi phạm pháp luật cũng phải có lộ trình nữa thì đất nước này hư hỏng hết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.