TS. Nguyễn Đình Cung: "Phải đặt mục tiêu đủ cao để phấn đấu và tạo ra một tinh thần, một khát vọng"

Minh Lê (thực hiện) Thứ tư, ngày 20/01/2021 10:51 AM (GMT+7)
"Điều quan trọng là phải làm sao dưới sự lãnh đạo của Đảng, huy động được sức dân, phải làm sao tất cả mọi người đều vì mục tiêu thịnh vượng của quốc gia, vì hạnh phúc của từng cá nhân"- TS Nguyễn Đình Cung, thành viên thường trực Tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng XIII chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

"Cần khơi dậy khát vọng để toàn dân tộc hội tụ vào một mục tiêu phát triển" - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đình Cung, thành viên thường trực Tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng XIII.

 Phải đặt mục tiêu đủ cao để phấn đấu

Từ Đại hội Đảng lần thứ X chúng ta đã đưa ra mục tiêu sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này đã không đạt được. Theo ông, đâu là rào cản khiến chúng ta lỡ mục tiêu này?

- Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, chúng ta đã trải qua 3 nhiệm kì chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (nhiệm kỳ 1991-2000, 2001-2010, 2011-2020) nhưng kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Nếu như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc trải qua 3 kỳ chiến lược đã trở thành một nước thu nhập cao thì chúng ta đến nay là nước có mức thu nhập trung bình thấp và nguy cơ tụt hậu, sập bẫy thu nhập trung bình luôn hiện hữu. Tất nhiên trên thế giới những trường hợp có kinh tế tăng trưởng bứt phá không phải nhiều.

Phải đặt mục tiêu đủ cao để phấn đấu và tạo ra một tinh thần, một khát vọng để cho toàn dân tộc hội tụ vào một mục tiêu.

TS Nguyễn Đình Cung

Qua 3 nhiệm kỳ chiến lược, kì thứ nhất tăng trưởng bình quân GDP hàng năm đạt 7,56%, kì thứ 2 đạt 7,26% và kì thứ 3 đạt 5,95%. Xét về tăng trưởng để bứt phá thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm liên tục 30 năm phải trên 8%, đó là chưa nói đến những vấn đề của quản trị quốc gia, về thiết chế xã hội. Những con số này cho thấy tăng trưởng đang đi xuống, đó là điều rất đáng suy ngẫm, cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại đã không đạt được. Theo tôi, quan trọng phải xác định được ai làm công nghiệp hóa? Ai dẫn dắt quá trình này?

Để trở thành một nước công nghiệp hiện đại, chúng ta phải nhấn mạnh công nghiệp hóa lên hàng đầu. Công nghiệp hóa không phải để các nhà đầu tư nước ngoài vào làm công nghiệp hóa cho Việt Nam mà phải công nghiệp hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Cái gốc phải là công nghiệp nội địa trong đó những công nghiệp nền tảng phải được chú trọng. Mặt khác, gắn với phát triển công nghiệp là đội ngũ lao động có kỹ năng chuyên sâu về công nghiệp, phải có một đội ngũ nghiên cứu, kĩ sư có trình độ cao. Chúng ta không có lực lượng nền tảng của ngành công nghiệp.

Trong khi đó, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân chưa được chú trọng đúng mức. Đáng lẽ ngay từ những năm 1990, phải xác định doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là động lực chủ yếu. Nếu không xác định được điều này doanh nghiệp Việt mất đi cơ hội phát triển kinh tế, người Việt mất thời cơ đầu tư kinh doanh.

Vậy trong nhiệm kỳ mới, vấn đề nào cần phải được đặt ra để tăng trưởng bứt phá, thưa ông?

- Chúng ta cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Đặt mục tiêu cao để tạo áp lực và động lực cho người lãnh đạo, cho người dân. Đây cũng là cách để có thể tuyển chọn lãnh đạo là người tài, vì chỉ người tài mới có thể đạt được mục tiêu cao, còn nếu như đặt ra một mục tiêu thấp mà ai cũng có thể đạt được thì không có động lực để phấn đấu.

Nếu đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% hàng năm thì đến năm 2040 mình sẽ bắt kịp Malaysia, đến năm 2045 bắt kịp Hàn Quốc (tất nhiên với điều kiện các nước này tăng trưởng với mức độ như hiện nay). Mục tiêu này, tôi nghĩ không phải không thể làm được, bởi có hàng chục nước đã làm được và thời gian qua đã có một số nước bứt phá lên, thì tại sao Việt Nam lại không tăng trưởng đến mức đó được.

Phải đặt mục tiêu đủ cao để phấn đấu và tạo ra một tinh thần, một khát vọng để cho toàn dân tộc hội tụ vào một mục tiêu. Điều quan trọng là phải làm sao huy động được sức dân, phải làm sao tất cả mọi người đều không gì ngoài mục tiêu vì sự thịnh vượng của quốc gia, vì hạnh phúc của từng cá nhân.

"Cần khơi dậy khát vọng để toàn dân tộc hội tụ vào một mục tiêu phát triển" - Ảnh 3.

"Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển" - TS Nguyễn Đình Cung.

 Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển

Với vai trò là thành viên thường trực tổ biên tập Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII, xin ông cho biết Dự thảo lần này có những điểm mới nào đáng chú ý để hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước hùng cường?

- Dự thảo Văn kiện chuẩn bị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nhiều điểm mới. Lần này mục tiêu tăng trưởng được đặt ra cao hơn và nói nhiều đến khát vọng. Mục tiêu ban đầu là "khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường" nhưng sau đó đổi thành "khơi dậy khát vọng phát triển". Mục tiêu này theo tôi là "nhẹ". Tôi cho rằng đặt mục tiêu "khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường" là đúng, bởi đó chính là khát vọng đưa Việt Nam phát triển vào top các nước phát triển nhất của thế giới. Mục tiêu này có quá cao không? Có. Vậy có đạt được không? Có những nước đã đạt được thì tại sao Việt Nam không thể đạt? Ngay cả việc chưa có ai đạt được thì mình cũng cần xây dựng mục tiêu để đạt được.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ những thách thức. Nhiệm kỳ vừa qua, tăng trưởng GDP bình quân đầu người chỉ đạt là 5,9%. Vậy, trong những năm tiếp theo để bứt phá lên 6,5%; 7%; 7,5% là một việc lớn vì tăng trưởng đang đi xuống và giờ phải "bẻ ngược" lên thì rõ ràng cần phải có bước ngoặt.

Vậy bước ngoặt đó là gì? Chúng ta cần nhìn nhận Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chúng ta có dân số hơn 90 triệu người là một lợi thế để huy động được nguồn lực. Nhưng điều quan trọng nhất là sử dụng nguồn lực đó như thế nào. Mỗi năm chúng ta huy động 34% GDP để đầu tư, nếu chúng ta tăng hiệu quả đầu tư, khoảng 4 đồng đầu tư được 1 đồng GDP thì chúng ta có cũng tăng trưởng 8,5%. Nếu như chúng ta ở mức tương tự như Trung Quốc thì 5 đồng đầu tư được 1 đồng tăng trưởng thì 35% GDP chúng ta cũng đạt được 7% tăng trưởng, chứ không phải thấp như hiện nay.

Nếu chúng ta phát triển tốt khu vực doanh nghiệp nhà nước thì họ có thể đóng góp 1,5-2 điểm %. Đó là chưa kể đến doanh nghiệp tư nhân, dư địa còn rất lớn. Một đất nước hơn 90 triệu dân mà mới chỉ có 800.000 doanh nghiệp thì quá ít.

Một dư địa nữa là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Rất nhiều người Việt Nam đứng top đầu thế giới trong lĩnh vực này. Người tài luôn mong có môi trường đóng góp cho sự phát triển quốc gia, thịnh vượng của dân tộc. Trước đây, giai đoạn 1945-1946, Bác Hồ tận dụng được đội ngũ trí thức để kiến thiết đất nước và giờ đây nếu mình làm tốt, đội ngũ trí thức chắc chắn còn lớn hơn nhiều so với thời xưa. Rõ ràng đây là một trong những dư địa tốt để chúng ta đạt được mục tiêu cao hơn.

"Cần khơi dậy khát vọng để toàn dân tộc hội tụ vào một mục tiêu phát triển" - Ảnh 4.

Ngoài ra còn có những điểm mới nào trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII theo ông sẽ là động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn tới?

- Trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, phần mục tiêu tổng quát, có một số chỉ tiêu mềm rất quan trọng nhưng lại ít được để ý. Tôi muốn nhấn mạnh đến mục tiêu "có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả". Theo tôi, thể chế quản lý hiện đại, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao rất quan trọng. Một nền kinh tế năng động dựa trên đổi mới khoa học sáng tạo thì không thể thiếu thể chế quản lý hiện đại. Nếu thực hiện được điều này, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Ở phần các đột phá chiến lược cũng có điểm khác so với trước. Nếu như trước đây, đột phá thể chế trọng tâm là "cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh" thì trong nhiệm kỳ mới này ngoài những yếu tố trên thì trọng tâm là "thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ". Rõ ràng, nếu làm tốt được điều này sẽ phân bổ được nguồn lực và sử dụng nguồn lực sẽ định hướng thị trường hiệu quả, như thế chắc chắn mục tiêu tăng trưởng 8% là hoàn toàn có thể.

Trong phần các giải pháp, đáng chú ý nhấn mạnh đến việc đảm bảo đầy đủ quyền tự do kinh doanh, an toàn trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra Dự thảo cũng nêu rõ: "Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân… Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%". Như vậy, vai trò của doanh nghiệp tư nhân được nhấn mạnh, đặc biệt thể hiện sự quyết liệt trong việc xóa bỏ những rào cản trên con đường phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Một điểm đáng chú ý nữa trong phần giải pháp, Dự thảo nhấn mạnh đến việc "Hoàn thiện pháp luật để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo đảm công khai, minh bạch và khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí; đổi mới các chính sách quản lý đất để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất". Với nội dung này sẽ mở ra cho nông dân nhiều cơ hội để phát triển kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem